Câu cổ ngữ “Môn đang hộ đối”, nay thường được phát âm là “Môn đăng hộ đối”, cho rằng trai gái đến với nhau, điều kiện kinh tế, địa vị xã hội của hai bên có tương đồng thì hôn nhân mới phù hợp, hạnh phúc. 

Nguồn gốc của cụm từ “Môn đang (đương)” và “Hộ đối”

Về mặt chiết tự (phân tích hình tượng chữ) mà nói thì chữ Môn 門 được ghép thành từ 2 chữ Hộ 戶 đối nhau. Diễn đạt theo ngữ pháp xưa, “Môn đang hộ đối” có thể hiểu một cách mộc mạc là hai bên có cân đối thì khi khép lại mới kín kẽ, mới là cái cửa. Trong thuật ngữ kiến trúc, xây dựng cổ thì “môn đang” và “hộ đối” là hai bộ phận cấu thành của một cửa lớn.

“Môn đang” là phần bục đỡ trụ gỗ hai bên của cửa nên còn thường được gọi là “môn chẩm thạch” (gối đá của cửa), “môn đôn” (đôn của cửa), “môn đài”, “môn cổ” (trống của cửa). Bởi tiếng trống âm vang, uy nghiêm như tiếng sấm, có thể đuổi tà nên dân gian thường gọi “môn đang” là “trống thạch”. 

“Hộ đối” là những khối kiến trúc hình tròn, hình vuông hoặc hình lục giác với chiều dài 1 thước ta (33,3 cm) nằm trên đà cửa (mi cửa, môn mi), song song với mặt đất. Thường được chạm khắc 4 mùa hoa lá, hoặc các chữ “Đức”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Bình an cát tường”, với ngụ ý cầu nhân khí thịnh vượng, hương hỏa vững bền.

“Hộ đối” thể hiện địa vị, đẳng cấp của gia chủ. Nếu chủ hộ là thường dân thì có một đôi, nếu là phú hộ hoặc quan lại thì hai đôi, nếu là hoàng thân quốc thích thì nhiều hơn nữa… cửa càng rộng thì càng nhiều. Lại có câu tục ngữ: “Thành cặp thành đôi”, chữ “đôi” và chữ “đối” là đồng âm khác nghĩa, nên “hộ đối” lại mang thêm một nghĩa bóng khác là thành đôi, xứng đôi. 

Câu cổ ngữ “Môn đang hộ đối”, nay thường được phát âm là “Môn đăng hộ đối”, cho rằng trai gái đến với nhau, điều kiện kinh tế, địa vị xã hội của hai bên có tương đồng thì hôn nhân mới phù hợp, hạnh phúc. (Ảnh: Freepik)

Những họa tiết chạm khắc trên môn đang và hộ đối thường phù hợp với thân phận của chủ nhà. Ngoài ra môn đang to hay nhỏ, có bao nhiêu hậu đối cũng thể hiện tài lực, quyền thế của chủ nhà. Vì vậy “môn đang hộ đối” ngoài tác dụng trấn trạch, trang trí còn biểu đạt gia cảnh, địa vị, cũng như thân phận của chủ nhà.

Người xưa nhìn vũ trụ trong quan niệm “Thiên Nhân hợp nhất” (người – Trời hợp nhất). Theo đó, nhân duyên là do Trời định nên hôn nhân theo ý mẹ cha, dựa vào mai mối. Trước khi người mai mối ngỏ lời thường quan sát kỹ lưỡng kích thước trang trí của môn đang và số lượng hộ đối của hai nhà. 

Nếu như “môn đang” khắc cỏ cây hoa lá thì là dinh thự của gia đình kinh doanh buôn bán. Nếu để trơn không khắc hoa lá thì là dinh thự quan lại. Nếu “môn đang” là hình linh vật tọa trên bục vuông thì là dinh thự quan văn. Ngoài cửa thường chạm khắc “rương thư” và “nghiên đài”, phía trên “rương thư” có hình “thụy thú” (linh vật) để trang trí và trấn trạch.

Nhà quan võ đương nhiên sẽ chạm khắc một đôi trống trận hình tròn. Ngoài ra bà mối còn xem xét sự tương đồng về số lượng “hộ đối” thì mai mối mới dễ thành, còn không sẽ rơi vào cảnh “môn bất đang, hộ bất đối”. Bóng gió nghĩa là hai hộ không phù hợp chẳng kết thành “một cửa”. 

Đối với hôn nhân đại sự, để cân nhắc sự phù hợp, người xưa xem tử vi và bát tự của hai bên nam nữ. Điều này cũng rất khoa học. Vì theo âm dương ngũ hành, tính cách, năng lực, xu thế đời người đều có quan hệ mật thiết tới giờ, ngày, tháng, năm sinh. Nếu bát tự phù hợp thì đặc trưng sinh mệnh hai bên có thể bao dung lẫn nhau. Còn về phương diện tương xứng giữa hai bên gia đình thì xem xét “môn đang, hộ đối”. Có thể nói người xưa xây dựng hạnh phúc hôn nhân gia đình trên một nền tảng khá vững chắc. 

Đương nhiên hôn nhân muốn mĩ mãn cần sự nỗ lực chăm chút của cả hai người chứ chẳng thể chỉ đơn giản dựa vào tử vi, bát tự. Hai người có cùng nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan thì mới dễ đồng cảm, hạnh phúc, gia đình hai bên mới dễ hòa hợp trở thành “thông gia”. Đó chính là chân giá trị của “môn đang hộ đối” vậy. 

Tình yêu không cần “môn đang hộ đối” nhưng hôn nhân thì cần

Tình yêu luôn là giấc mơ đẹp của biết bao người nhưng trong thực tế phũ phàng của cuộc sống, những niềm đam mê cháy bỏng và sự lãng mạn sẽ tàn lụi theo thời gian. Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng có cùng lý tưởng, mục đích sống thì tình cảm của họ, trái lại, ngày một thăng hoa.

Theo học giả Ấn Độ nổi tiếng U. Gupta thì tình cảm của những cặp vợ chồng “môn đăng hộ đối” thường sâu đậm hơn. Sau khi nghiên cứu, phỏng vấn rất nhiều cặp vợ chồng, người ta nhận thấy những cặp lấy nhau trên cơ sở của tình yêu lãng mạn, sau 5 năm kết hôn thì tình cảm có phần sụt giảm. Nhưng những đôi kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình, ban đầu chưa có nhiều tình cảm, nhưng rồi theo thời gian thì lại gắn bó ngày càng sâu đậm.

Báo chí Trung Quốc tiến hành khảo sát 79.446 người về chủ đề môn đăng hộ đối thì 59% số người được phỏng vấn ủng hộ, 67,7% cho rằng môn đăng hộ đối hỗ trợ hạnh phúc sau hôn nhân.

Một y tá chia sẻ rằng hôn nhân “môn đăng hộ đối” sẽ thực tế hơn. Cô tâm sự: “Tôi là người không được năng động lắm. Nếu nửa kia của tôi rất tuyệt vời, anh ấy có thể sẽ có những đòi hỏi tương đối cao, chắc chắn tôi sẽ bị áp lực. Tôi muốn hai bên đừng quá chênh lệch, dù không giàu có nhưng cũng có thể đồng cam cộng khổ hỗ trợ nhau, nhìn thấy quá trình trưởng thành của nhau”.

Cô cũng hi vọng rằng điều kiện kinh tế của nửa kia cũng không kém hơn mình quá nhiều. Mẹ của cô cũng tán đồng và nói: “Nếu bên chồng quá giàu có thì nhiều khi con gái mình không được nhà chồng coi trọng. Nhưng nếu bên chồng quá kém thì con gái phải chịu những tháng ngày khổ cực, tủi thân. Vì vậy tôi không muốn con gái mình ‘chòi mâm son’, nhưng cũng không muốn sau này nó khổ, chỉ mong nó tìm được một người tương xứng có nhân cách”. 

Tình yêu không cần “môn đang hộ đối” nhưng hôn nhân thì cần. (Ảnh: Freepik)

Người xưa cho rằng, hôn nhân không đơn thuần là lập một gia đình mới mà là sự kế thừa truyền thống, tập quán, văn hóa gia đình. Nếu đôi lứa có tiếng nói chung, không có sự khác biệt nhiều về nhân sinh quan, giá trị quan, tìm ưu điểm và bao dung các khiếm khuyết của nhau thì hạnh phúc hôn nhân sẽ bền vững, sẽ tránh được những xung đột trong gia đình.

Chuyên gia hàng đầu về tâm lý hôn nhân gia đình Lý Kiến Quân cho rằng: “Tình yêu không cần môn đăng hộ đối, nhưng kết hôn thì cần. Không môn đang hộ đối rất khó có hạnh phúc hôn nhân bởi vì các giá trị căn bản của con người thường được hình thành ở tuổi ấu thơ, trước 7 tuổi, sau này rất khó thay đổi. Nếu hoàn cảnh gia đình quá khác biệt thì sau khi kết hôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn“.

Khi hai người không có cùng một hệ quy chiếu các giá trị, chuẩn mực thì dễ tranh cãi với hi vọng cải biến đối phương theo mong muốn chủ quan của mình. Khi nhận thấy người kia không thay đổi như mong muốn, thì họ trở nên thất vọng và đau khổ. Như thế, dần dần hôn nhân chỉ còn là cái vỏ trống rỗng mang tính pháp lý và các ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ.

Tuy nhiên, môn đăng hộ đối cũng không phải là điều hoàn toàn tuyệt đối. Trong đạo vợ chồng, sự trân quý, tôn trọng lẫn nhau, tình cảm thuỷ chung mới là điều quan trọng nhất. Chỉ cần vợ chồng thực sự thấu hiểu nhau, đối đãi với nhau bằng cái nghĩa cao quý ấy thì cũng chính là tự đạt được một loại “môn đăng hộ đối” vậy. 

Chuyện xưa kể rằng, thời Bắc Tống có một nho sinh, họ Lưu tên Đình Thức, tự Đức Chi, là người Tề Châu (Sơn Đông ngày nay). Sau khi thi đậu tiến sĩ được phái đến Mật Châu làm phán quan, đương lúc Tô Đông Pha làm huyện lệnh vùng này. Tô Đông Pha rất quý trọng nhân phẩm của Lưu Đình Thức.

Lưu Đình Thức chưa thi đậu tiến sĩ, đã từng đính hôn với một cô gái ở quê nhà, chỉ là chưa đưa sính lễ. Thế rồi Lưu Đình Thức thi đậu tiến sĩ ra làm quan, tiền đồ tươi sáng. Nhưng cô gái kia lại lâm trọng bệnh, hai mắt bị mù, gia cảnh lại sa sút, vì thế không còn dám nhắc đến chuyện hôn nhân với Lưu Đình Thức. Nhưng Lưu Đình Thức vẫn thực hiện hôn ước, hết lòng chăm sóc người vợ mù lòa của mình, vợ chồng sống hòa thuận vui vẻ, tình cảm đằm thắm, trước sau sinh hạ được mấy người con.

Hữu Kỳ