Group News: Tin copy

Trong cuộc vận động tranh cử, ông Donald Trump đã hứa sẽ « lấy lại hàng triệu việc làm » và trả lại cho Mỹ vị thế « siêu cường công nghiệp » thuở xưa. Một trăm ngày sau khi nhậm chức, giấc mơ tái công nghiệp hóa đất nước của tổng thống Mỹ đang vấp phải thực tế khắc nghiệt

Cars are parked outside the Stellantis car assembly plant in Toluca, Mexico, Thursday, April 3, 2025.
Xe ô tô tại xưởng Stellantis ở Toluca, Mêhicô, ngày 03/04/2025. AP - Marco Ugarte

Báo Pháp Le Figaro ngày 05/05/2025, trước hết nêu lên thực trạng, làn sóng di dời nhà xưởng trong những năm 1980 đã khiến vai trò đầu tầu trong nhiều ngành công nghiệp Mỹ mất dần ưu thế và khiến hàng triệu việc làm bị mất. Cảm nhận này được lưỡng đảng tại Mỹ ghi nhận. Joe Biden năm 2020 đã đắc cử tổng thống với khẩu hiệu « Build Back Better » (Tái thiết tốt hơn).

Tuy nhiên, theo đánh giá từ nhiều nhà quan sát được Le Figaro dẫn lại, đòn áp thuế quan toàn cầu của ông Trump, nhằm mục đích ép buộc các hãng công nghiệp Mỹ tái dịch chuyển về nước, chỉ có tác động hạn chế. Các thông báo mở lại nhà xưởng hay đầu tư ở Mỹ từ nhiều hãng lớn như Apple, Nvidia hay hãng dược Roche của Thụy Sĩ v.v… « chỉ là những chiêu tuyên truyền nhằm thu hút sự ân sủng của tổng thống Mỹ hơn là một sự thay đổi thực sự về chiến lược », vì nhiều lý do.

Ba thực tế khắc nghiệt

Thứ nhất, theo ông Louis Bersin, nhà quản lý các cổ phiếu quốc tế tại LFDE, đầu tư mở nhà xưởng đòi hỏi mất nhiều năm, thậm chí hơn một thập kỷ mới có thể đi vào hoạt động còn Donald Trump sẽ hết nhiệm kỳ trong ba năm nữa. Và do vậy, những hãng này tìm cách hạn chế thiệt hại với « tác động của thông báo » trong khi chờ đợi thay đổi chính quyền.

Thứ hai, đối với nhiều ngành công nghiệp chủ đạo, tái dịch chuyển sản xuất về Mỹ là một bài toán nan giải do chuỗi sản xuất đã bị toàn cầu hóa. Nhiều dòng sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, tuy được thiết kế ở Mỹ, nhưng các con chip điện tử là do Đài Loan sản xuất bằng những loại máy móc được chế tạo ở châu Âu chẳng hạn.

Cũng theo ông Louis Bersin, đòn thuế quan nặng nhắm vào Trung Quốc chỉ có thể « thúc đẩy các nhà sản xuất Mỹ sắp xếp lại dây chuyền sản xuất sang các nước châu Á khác có giá nhân công rẻ như Ấn Độ hay Việt Nam ». Nói một cách cụ thể, « các chuỗi cung ứng sẽ được tái cơ cấu hơn là di dời về lại Mỹ ».

Nhà nghiên cứu tại Roland Berger, ông Zachary Kaplan cho rằng « Donald Trump đang vấp phải một vấn đề mang tính cấu trúc có liên quan đến giá nhân công tại Mỹ ». Người dân Mỹ không thể mua một chiếc TV với giá 1.500 đô la thay vì chỉ có 300 đô la. Vì những lợi ích kinh tế, đây không phải là những lựa chọn của các nhà sản xuất Mỹ.

Điểm cuối cùng và có tính quyết định : Thiếu kỹ nghệ và cơ sở hạ tầng. Khi tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế tầu chở hàng Trung Quốc, với mục tiêu sâu xa là để tái thiết ngành công nghiệp đóng tầu. Tuy nhiên, theo chuyên gia Zachary Kaplan, có ba thực tế nan giải : Các xưởng đóng tầu, từ lâu đầu tư kém, không phù hợp cho việc đóng những loại tầu hàng cỡ lớn ; Không còn ngành luyện kim và Không còn công nhân tay nghề cao. Hiện trạng này cũng tương tự cho lĩnh vực công nghệ cao.

Lợi thế của Mỹ

Giờ đây, tổng thống Mỹ muốn khôi phục lại những ngành công nghiệp đã bị phá dỡ trong nhiều thập niên, nhưng chiến lược của ông lại dựa trên một cách đọc « cổ điển » về kinh tế, mà một số cố vấn kinh tế của ông lấy cảm hứng như Stephen Miran chẳng hạn, theo đó, Hoa Kỳ có thể tái phục các hoạt động sản xuất bằng cách tái công nghiệp hóa đất nước.

Rõ ràng, trong cuộc chiến này với Trung Quốc, tổng thống Mỹ « chưa đánh đã thua ». Theo Benoit Peloille, giám đốc đầu tư tại Natixis Wealth Management, Washington tốt hơn hết nên tập trung vào những điểm mạnh thực sự của mình : Sự đổi mới. Hỗ trợ Nghiên cứu và Phát triển cấp cao, khả năng đầu tư dồi dào cho đến hiện tại vẫn luôn là một thế mạnh của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Ngoài ra, khả năng hút vốn và chất xám trên khắp thế giới vẫn luôn là một lợi thế của Mỹ. Những đòn thuế quan của ông Trump chỉ nhằm để tái công nghiệp hóa, có nguy cơ làm xói mòn những thế mạnh cạnh tranh của Mỹ trên toàn thế giới, theo như cảnh báo của chuyên gia Benoit Peloille.

Theo RFI


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.