Ngày 11/12/2021, công ty tư nhân Blue Origin của tỉ phú Mỹ Jeff Bezos lần đầu tiên đưa cùng lúc sáu du khách vượt « biên giới Trái Đất » (tức đường ranh giới ngăn cách bầu khí quyển Trái Đất với « Không gian »).
Tên lửa New Shepard của Blue Origin cất cánh với một phi hành đoàn sáu người từ một sân bay vũ Texas, Hoa Kỳ, ngày 11/12/2021. via REUTERS - BLUE ORIGIN
Thêm một cột mốc vững chắc cho ngành du lịch không gian, nhưng cũng nhiều câu hỏi đặt ra về tác động khí hậu khó lường của du lịch không gian, hứa hẹn sẽ nở rộ kể từ năm tới.
Nếu như 60 năm về trước, du hành vũ trụ đồng nghĩa với mạo hiểm thì giờ đây với sự phát triển của công nghệ, lên vũ trụ gần như một cuộc dạo chơi. Tên lửa đẩy New Sherpard của Blue Origin, lấy cảm hứng từ tên nhà du hành vũ trụ Mỹ đầu tiên (Alain Sherpard), đã đưa 6 hành khách lên độ cao 75 km, trước khi « buồng du hành » (space capsule) tách khỏi tên lửa để tiếp tục hành trình.
Trên chuyến bay kéo dài 10 phút 13 giây này của « Blue Origin » có Laura Shepard Churchley, con gái của Alain Sherpard, công dân Mỹ đầu tiên đã vượt qua « biên giới Trái Đất » cách nay 60 năm, cũng là một trong 12 nhà du hành từng đặt chân lên Mặt Trăng. Cùng với con gái của nhà du hành vũ trụ đầu tiên, còn có Michael Strahan, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp và 4 du khách tự trả tiền cho chuyến đi. Giá vé được giữ bí mật.
Đối với các hành khách, đây có thể là một chuyến bay thật hạnh phúc. 10 phút và 13 giây quá ngắn, nhưng cũng đủ để du khách ngắm nhìn Hành tinh Xanh từ xa qua cửa sổ phi thuyền, tháo dây nịt để được bay lơ lửng trong trạng thái không trọng lượng…
Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos dự kiến sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm tới. Cùng với Virgin Group của Richard Branson, Blue Origin đề xuất các chuyến bay du lịch trong bầu khí quyển, hoặc tới vùng « biên giới Trái Đất », tức từ độ cao 70, 80 km đến hơn 100 km. Khoảng 50.000 người trên thế giới đã sẵn sàng chi từ 200.000 đến 300.000 USD cho một chuyến du lịch trong không gian như vậy, theo báo chí Pháp.
Du lịch trong không gian, lên « quỹ đạo » hoặc ở độ cao thấp hơn, hứa hẹn sẽ là một thị trường mầu mỡ.
10 phút chơi vũ trụ thải khí CO2 hơn đời người
Nhưng một chuyến đi chơi vào vũ trụ gây tác động thế nào đến khí hậu ?
Theo một số tính toán, trong một chuyến bay thử nghiệm với tàu con thoi, trong vòng 10 phút hồi mùa hè năm nay, tỉ phú Bezos cùng ba khách hàng mỗi người thải ra ước tính 75 tấn CO2. Để thực thi hiệp định Khí hậu Paris, cố gắng giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, mỗi người không được phép phát thải quá 2 tấn CO2/năm. Theo chuyên gia về bất bình đẳng toàn cầu Lucas Chancel, có đến một tỉ người trên thế giới, mà suốt cả đời mỗi người trong số họ, không tạo ra mức khí thải của 10 phút du hành cho một du khách như trên.
Một chuyến đi chơi ít ngày lên Trạm vũ trụ quốc tế (cách Trái đất 400 km), như của tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa, thải ra đến tận 1.150 tấn CO2, theo một số tính toán. Và trên đây chỉ là lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, chưa kể nhiều chất thải, loại bụi nguy hiểm khác tích đọng lâu dài ở các tầng cao của bầu khí quyển, nơi không có gió mưa để làm tan đi, như ở các tầng thấp.
Khuyến khích tâm lý « Nhà cháy, hãy nhìn ra chỗ khác » ?
Một vài chuyến du lịch lên quỹ đạo, và thêm vài chục nghìn chuyến bay với tàu con thoi có vẻ như chưa chắc đã là đáng kể so với tổng lượng phát thải toàn cầu hàng năm (khoảng 40 tỉ tấn C02/năm hiện nay). Tuy nhiên, « du lịch không gian » hoàn toàn có nguy cơ trở thành một lĩnh vực khuyến khích tâm lý tiêu thụ vô trách nhiệm của các cá nhân, nhân danh vì thám hiểm không gian, vì khoa học, trong lúc thế giới đang vất vả tìm cách cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng nhanh càng tốt. Câu ngạn ngữ « nhà cháy, nhưng người ta lại nhìn sang hướng khác » dễ được áp dụng cho trường hợp ấy.
Theo một số nghiên cứu, 10% dân thuộc nhóm giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm 50% lượng khí thải làm nóng Trái đất. Tâm lý tiêu thụ vô trách nhiệm có thể càng khiến hố sâu bất bình đẳng về tác động môi trường hiện nay gia tăng.
Theo nhiều chuyên gia, như nhà địa lý khí quyển Elodie Marais, hiện tại « không có bất cứ quy định nào liên quan đến các phát thải của tên lửa không gian. Đã đến lúc phải hành động nhanh chóng trong lĩnh vực này, trong lúc các tỉ phú bắt đầu đặt vé đi du lịch không gian ».
Lên Trời cao để thương hơn Trái Đất
Tuy nhiên, từ không gian xa xôi nhìn về Trái Đất, là người thực sự quan tâm đến vận mệnh của hành tinh, sẽ có thể có một cái nhìn khác hẳn. Đầu tháng 11/2021, trên trạm quỹ đạo quốc tế (ISS), trước khi trở về Trái Đất, du hành gia Thomas Pesquet, công dân Pháp đầu tiên điều khiển trạm ISS đã có cuộc trao đổi với tổng thống Emmanuel Macron (Les Echos, ngày 07/11/2021). Trả lời câu hỏi của tổng thống, liệu có « thực sự thấy những dấu vết ổn định của tình trạng rối loạn về khí hậu » so với lần lên quỹ đạo 4 năm trước, Thomas Pesquet khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan trên Trái đất « tăng mạnh hơn trước, rất đáng ngại ».
Nhà du hành Thomas Pesquet đã chuyển về Trái đất hàng loạt bức ảnh cho thấy những tác động khủng khiếp do hoạt động của con người gây ra trên Hành tinh. Từ sự tan chảy quy mô của băng hà ở Bắc Cực, Nam Cực, có thể nhìn bằng mắt thường, đến hàng loạt đảo nhỏ bị nước biển dâng cao thôn tính, nhất là ở Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương…, sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như xoáy lốc đặc biệt ở vùng vịnh Mêhicô…, đại ngàn Amazon đang trên đường trở thành đồng cỏ, khói bốc lên ngút ngàn do các vụ cháy khổng lồ ở California, Canada, Hy Lạp..., xu thế phát triển vô hạn độ của các đô thị, mức độ « ô nhiễm ánh sáng » ngày càng ghê gớm…
Những bức ảnh từ không trung giúp công chúng có được một cái nhìn thực rõ, thực bao quát về « sự mong manh của Trái đất, một ốc đảo diệu kỳ với những nguồn tài nguyên hữu hạn ». Lên Trời để thương hơn Đất.
Theo RFI
Comments powered by CComment