Trẻ con ngày nay không còn là trẻ con nữa, theo lời những người lớn nhớ về thời thơ ấu không có các quy tắc, giám sát và áp lực kỹ thuật số mà bọn trẻ ngày nay trải qua.
Ở khía cạnh nào đó thì có thể đúng. Cha mẹ bình thường cho phép con cái sử dụng điện thoại thông minh khi lên 10, mở ra một thế giới mà các thế hệ trước không có, với sự tiếp cận không giới hạn tin tức, mạng xã hội và các đặc quyền khác mà trước đây chỉ dành cho người lớn, khiến chúng trở nên chững chạc về cảm xúc trước khi đến tuổi trưởng thành.
Có thuật ngữ cho hiện tượng này: ‘KGOY’, viết tắt của ‘kids getting older younger’, có nghĩa là ‘con nít già trước tuổi’, tức trẻ con sành sỏi hơn các thế hệ trước.
Bắt nguồn từ tiếp thị, người ta cho rằng nhờ có KGOY mà trẻ em nhận biết về thương hiệu nhiều hơn, vì vậy các sản phẩm nên được quảng cáo cho trẻ em hơn là cha mẹ chúng.
Lý thuyết này đã xuất hiện từ những năm 2000, và kể từ đó, các chuyên gia đã cố gắng chứng minh tuổi thơ kết thúc sớm bằng cách chỉ ra các nguyên nhân từ độ tuổi chúng được cho điện thoại thông minh cho đến việc trẻ em hiện đang xem nhiều chương trình truyền hình của người lớn hơn, đến vấn đề các thiếu nữ bị áp lực phải lo nghĩ về ngoại hình do tiếp xúc nhiều với cái đẹp trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, dù nhiều người lo lắng bọn trẻ dường như lớn quá nhanh nhưng cũng có bằng chứng cho thấy trên thực tế, chúng có thể trưởng thành chậm hơn.
Thế hệ Z trước sau vẫn đạt đến những dấu mốc truyền thống của tuổi trưởng thành như học xong và thoát ly gia đình muộn hơn các thế hệ trước, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thanh thiếu niên dính vào các hoạt động ‘người lớn’ như quan hệ tình dục, hẹn hò, uống rượu, đi chơi mà không có cha mẹ, và lái xe, muộn hơn nhiều so với các thế hệ trước.
Công nghệ có thể khiến đẩy các em tiếp xúc nhiều thứ hơn, khiến chúng trở nên hiểu biết hơn. Tuy nhiên, liệu chúng có thực sự lớn nhanh hơn hay không có thể là vấn đề về góc nhìn. Cũng có thể đã đến lúc cập nhật những gì chúng ta nghĩ là cột mốc trưởng thành và ý nghĩa thực sự của việc trưởng thành nhanh chóng.
Tuổi thơ là gì?
Để hiểu cách chúng ta đo lường sự trưởng thành, điều quan trọng là nghĩ về mọi người định nghĩa ‘thơ ấu’ và ‘trưởng thành’ như thế nào.
Bỏ qua các thước đo sinh học như khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, hiểu biết của chúng ta về thời thơ ấu chủ yếu là kiến tạo xã hội. Mọi người có quan điểm khác nhau về ý nghĩa thời thơ ấu tùy vào thời gian và nơi chốn họ lớn lên, gây khó khăn cho việc đo lường hay định lượng.
Ở hầu hết các nước, ai đó sẽ được coi là người lớn từ 18 tuổi trở lên, nhưng điều này biến đổi. Ở Nhật Bản, theo luật bạn vẫn là trẻ con cho đến khi 20 tuổi, trong khi ở các nước khác như Iran, những ai đủ 9 tuổi có thể được đối xử như người lớn theo luật.
Định nghĩa tuổi thơ cũng thay đổi theo lịch sử: vào thế kỷ 19, trẻ em dưới 10 tuổi làm việc là bình thường và ý tưởng ai đó là ‘thiếu niên’ không thực sự tồn tại cho đến những năm 1940. Trước đó, thanh thiếu niên chỉ là đi thẳng từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành.
Vậy thì, làm sao để hiểu thế nào là lớn lên nhanh hơn - và có thực sự đúng vậy không?
“Các giai đoạn cơ bản trong sự phát triển của trẻ không thay đổi,” Shelley Pasnik, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc Trung tâm Trẻ em và Công nghệ, một nhóm nghiên cứu đặt tại Trung tâm Phát triển Giáo dục, New York, cho biết. “Thế giới bên ngoài liên tục thay đổi, nhưng các cột mốc nhận thức và tình cảm của trẻ vẫn y nguyên.”
Và Pasnik chỉ ra, khó đo lường, định lượng ý tưởng ‘lớn lên’ theo nghĩa xã hội và văn hóa. Có nhiều khía cạnh xuyên văn hóa, ngôn ngữ và phát triển của tuổi thơ đến nỗi hầu như không thể xác định bất kỳ điều gì có ảnh hưởng chủ yếu đến nhịp độ phát triển và lớn lên của các em.
Cũng có bằng chứng cho thấy mọi người có xu hướng lý tưởng hóa tuổi thơ của họ, tưởng tượng đó là thời gian vô tư và hạnh phúc.
Có thể những người lớn vốn phàn nàn trẻ em ngày nay trưởng thành nhanh hơn đang so sánh chúng với cái nhìn thiên lệch và hoài niệm về tuổi thơ của chính họ mà không hoàn toàn so với thực tế.
‘Ý tưởng do truyền thông đưa đến’
“Điều thay đổi là cách trẻ tiếp xúc với thông tin,” Pasnik nói. “Thông qua các nền tảng video cho đến điện thoại của người chăm sóc; các nền tảng mạng xã hội và giọng nói tương tác với khả năng đẩy nội dung không giới hạn".
Trẻ em hiện nay liên tục có được điều mà Pasnik gọi là ‘ý tưởng do truyền thông đem tới’ – nội dung nhắm vào người lớn và được xem chủ yếu trên Internet – sớm hơn nhiều các thế hệ trước.
“Có sự gia tăng tiếp xúc với nội dung bạo lực hoặc tình dục ở độ tuổi nhỏ hơn, vốn dẫn đến chai lì và cảm thấy bình thường, bởi vì não trẻ em không được phát triển đầy đủ để xử lý điều này theo của não người lớn,” Tiến sĩ Willough Jenkins, giám đốc tâm thần học nội trú tại Bệnh viện Nhi Rady, San Diego, cho biết.
“Tất nhiên, một phần tiếp xúc là với người khác. Trẻ em có thể giao tiếp với người lạ mà không cần giám sát, dẫn đến tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng hay nói chuyện người lớn mà chúng không được trang bị để đối phó.”
Pasnik nói tất cả những điều này có thể khiến trẻ phải đối mặt với thực tế người lớn trước khi chúng phát triển đủ – điều thường được diễn giải là ‘lớn quá nhanh’.
Tuy nhiên, Jenkins nhanh chóng chỉ ra rằng công nghệ không tốt cũng không xấu, và có rất nhiều thứ lan truyền sợ hãi trong việc bọn trẻ tiếp cận mạng xã hội nhiều hơn. Một giai thoại được nhiều người nhắc tới là ở các thế hệ trước, cha mẹ hay lo con cái họ xem tivi nhiều, và giờ đây mạng xã hội mới là vấn nạn xã hội khiến mọi người lo sợ.
Thật ra, tiếp xúc với nội dung không có ở các thế hệ trước có thể là điều tốt. Công nghệ giúp trẻ tìm kiếm kiến thức một cách độc lập và có óc phê bình, do chúng tiếp cận với nhiều nguồn hơn. Đối với trẻ ở vùng xa, khả năng tìm kiếm thêm kiến thức và kết nối xã hội bên ngoài gia đình có thể là vô giá, cũng như việc các nhóm thiểu số có thể tiếp cận hỗ trợ và cộng đồng.
Hay vẫn làm trẻ con lâu hơn?
Công nghệ còn lâu mới là lực lượng xã hội duy nhất ảnh hưởng đến trẻ em phát triển như thế nào, và ở tốc độ nào.
Trong vài thập kỷ qua, nuôi dạy con cái ở Mỹ và nhiều nước khác đã trở nên mất công sức hơn, và trẻ em ngày nay có thể có nhiều hoạt động vui chơi có cấu trúc, hoạt động ngoại khóa và sự giám sát của cha mẹ hơn các thế hệ trước.
Điều này ảnh hưởng đến trẻ như thế nào được tranh luận sôi nổi – có lập luận những kỳ vọng cao đối với trẻ để tối ưu hóa thời gian như người lớn dẫn đến căng thẳng không cần thiết (và đánh mất giai đoạn vô tư quan trọng của tuổi thơ), còn lập luận khác là chúng dẫn đến thế hệ trẻ được nuông chiều không thể tự suy nghĩ (và tuổi thơ kéo dài và không lành mạnh).
“Đã có khá nhiều thảo luận, nhất là trong những năm gần đây, về việc cuộc sống của trẻ được thể chế hóa và kiểm soát nhiều hơn,” William Corsaro, giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Indiana, cho biết.
Ông chỉ ra những cha mẹ quanh quẩn và trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa và bài học ngoài trường học, và nỗi sợ ‘phóng đại’ về sự an toàn của trẻ và tỷ lệ sinh thấp (có nghĩa là ít bạn chơi cùng ở nhà hơn) là những yếu tố khiến trẻ trưởng thành chậm hơn.
Giả thuyết này được Jean Twenge hưởng ứng trong cuốn sách iGen của bà năm 2017. Dựa trên một khảo sát với 11 triệu thanh niên ở Mỹ, Twenge lập luận rằng những đứa trẻ sinh sau năm 1995, trái với hiểu biết phổ biến, lớn lên chậm hơn, đạt các cột mốc ‘người lớn’ truyền thống chậm hơn nhiều so với các thế hệ trước
Điều này một phần do điện thoại thông minh cho phép trẻ giao lưu từ nhà, khiến chúng ít có khả năng dính vào các hoạt động như rượu chè với bạn bè hay tình dục, nhưng bà cũng chỉ ra một ý tưởng tiến hóa gọi là ‘lý thuyết lịch sử cuộc sống’, vốn phân loại sự trưởng thành của các loài thành chiến lược ‘chậm’ và ‘nhanh’ – môi trường càng an toàn thì trưởng thành càng chậm.
Ngày nay, trong thời đại tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, trẻ có xu hướng gần gũi với cha mẹ hơn và lớn lên trong môi trường an toàn hơn, và do đó có thể trưởng thành chậm hơn. Điều này nghĩa là chúng không bị thúc đẩy trở nên độc lập như trẻ lớn lên trong môi trường trưởng thành nhanh – những gì các thế hệ trước đã trải qua.
Mặc dù là biến số bất ngờ, đại dịch dường như làm trầm trọng thêm xu hướng này. Trẻ em ở nhà thay vì đến trường, không thể đi học đại học và bị cho nghỉ công việc đem đến cảm giác độc lập đầu tiên.
Với tất cả các thước đo truyền thống, chúng không thể lớn lên ở tốc độ của vài năm trước – nhưng ở thước đo khác, chúng đã tiếp xúc những thực tế và trách nhiệm xã hội không dễ chịu như đeo khẩu trang vốn khiến chúng phải đối mặt thế giới người lớn nhanh hơn.
Vấn đề về góc nhìn
Mặc dù bằng chứng chỉ ra rằng theo nghĩa văn hóa và xã hội, trẻ em không lớn lên nhanh hơn bất cứ lúc nào khác, nhưng điều này có thể là do cách chúng ta hiểu thế nào là lớn lên.
Nhìn theo một cách, trẻ thực sự đang lớn chậm hơn, dường như vẫn là trẻ con trong thế giới kỹ thuật số và giãn cách xã hội, nơi cha mẹ là bạn đồng hành gần gũi nhất ngoài đời thực.
Nhìn theo cách khác, trẻ em chỉ đang đơn giản cho thấy trưởng thành trong thế giới ngày nay là như thế nào. Thực ra, có thể dễ dàng lập luận rằng tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống ngoài quê nhà và nhóm bạn bè tại chỗ mà công nghệ đem lại, hay khả năng dạo trên thế giới trực tuyến, cũng hợp lệ như các cột mốc và dấu ấn của sự trưởng thành như quan hệ tình dục, uống rượu, lái xe và thoát ly gia đình.
Cuối cùng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ trẻ trưởng thành và hoàn cảnh mang tính cá nhân cao.
Hiểu biết của chúng ta về điểm kết thúc tuổi thơ và điểm bắt đầu tuổi trưởng thành – và ranh giới ngăn cách chúng – là nhạt nhòa và chủ quan.
Xã hội không đứng yên – nó không ngừng vận động, do đó tuổi thơ có vẻ như thế nào cũng không ngừng vận động.
Ngày nay, việc lớn lên có vẻ phức tạp hơn, nhưng trẻ không biết sự khác biệt, cũng như cha mẹ chúng không biết đến cuộc sống không có internet, truyền hình hoặc điện thoại – hoặc bất cứ điều gì mà cha mẹ chúng lo sẽ khiến chúng lớn lên quá nhanh hay quá chậm.
Theo BBC
Comments powered by CComment