Group News: Tin copy

Trường Xuân là tên con tàu cuối cùng rời cảng Sài Gòn ngày 30 Tháng Tư, 1975, chở theo hơn 3,600 người vượt biển đến bến bờ tự do. Trên chuyến hải hành nghìn trùng ấy, một hài nhi đã ra đời. Trên tàu còn có một thiếu niên 16 tuổi.

Hòa hợp dân tộc: 100 tiếng nói đồng bào – Bài 5: 'Sống mãi với hệ điều hành 1975' - di sản phân cực chính trị
Trường Xuân và hàng ngàn “người con” dìu dắt nhau đến bến bờ tự do (hình trái) và tàu Trường Xuân chờ tàu Clara Maersk của Đan Mạch giải cứu. (Hình: Chiêu Anh Vũ-Lieberman cung cấp)

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ tị nạn và thành danh nhưng trong tâm khảm của hai số phận vẫn mãi khắc khoải hai chữ “Trường Xuân.”

Vết lăn trầm

“Khoảng 2 giờ sáng 2 Tháng Năm, 1975, tôi chào đời trên tàu Trường Xuân giữa đại dương mênh mông. Mẹ tôi không có sữa cho con. Đôi mắt và rốn tôi bị nhiễm trùng, xương vai tôi bị gãy, vai cụp vô sau khi chú phi công dùng hai tay ôm chặt tôi để những người cứu hộ kéo chúng tôi từ tàu lên máy bay cứu hộ,” cô Chiêu Anh Vũ-Lieberman, “em bé Trường Xuân” năm nào tường thuật.

Lieberman là họ phu quân. Chữ Vũ được cô Chiêu Anh lấy từ tên bà ngoại khi cô ngoài 30 tuổi.

“Tôi đã có thể chết vô số lần…,” cô Chiêu Anh bồi hồi kể.

Ngày 27 Tháng Tư, 1975, bà Nguyễn Thị Mùi, mẹ cô Chiêu Anh, ôm bụng bầu chín tháng vào bệnh viện chờ lâm bồn, nhưng đến ngày 29 thì chồng bà báo phải di tản. Bác sĩ phân vân giữa hai lựa chọn là chích thuốc cho sinh sớm hoặc cứ để em bé trong bụng. Cuối cùng, gia đình nhất trí cứ để em bé nguyên trong bụng.

“Mẹ tôi ôm bụng bầu đi di tản cùng cha tôi và anh trai 2 tuổi vào ngày định mệnh ấy. Chúng tôi đến Tòa Đại Sứ Mỹ để đợi phi cơ, nhưng phi cơ không đáp được vì Cộng Sản nhắm bắn. Gia đình tôi trốn trong một chiếc tủ. Mẹ tôi nghe tiếng bước chân của Việt Cộng nên phải che miệng anh trai tôi. Cuối cùng, chúng tôi lên chiếc phi cơ khác. Mẹ tôi phải khệ nệ bụng bầu leo cầu thang dây để lên phi cơ,” cô Chiêu Anh thuật lại.

Gia đình bà Mùi bị lỡ chuyến tàu đầu tiên đưa đoàn người đi vượt biển vì họ đến trễ 10 phút, nhờ thế mà gia đình thoát được vì chiếc tàu ấy bị Cộng Sản bắt được.

Bà Mùi ôm cô Chiêu Anh khi mới lọt lòng cùng người con trai 2 tuổi sau khi được cứu từ tàu Trường Xuân. (Hình: Chiêu Anh Vũ-Lieberman cung cấp)

Như định mệnh, gia đình bà Mùi cùng hơn hàng ngàn mảnh đời leo lên tàu Trường Xuân. Sau hai ngày lênh đênh trên biển, bà Mùi trở dạ và “vượt cạn” giữa đại dương. Cô Chiêu Anh ra đời trong sự thiếu thốn trăm bề. Chỉ có một cây kéo để cắt dây rốn và nước biển được dùng để sát trùng.

“Chúng tôi sống được…, tôi sống được là sự nhiệm màu,” cô Chiêu Anh nhìn xa xăm nói. “Tôi tự hỏi vô số lần rằng tại sao lại là tôi?”

Khi trưởng thành, “em bé Trường Xuân” năm nào quyết tâm thu thập những mảnh ghép về sự ra đời của mình cũng như câu chuyện của quê hương. Cô lần dò được người ký giấy khai sinh ở trại tị nạn Hồng Kông là ông David Weeks. Cô cũng dốc lòng tìm đúng tọa độ hải phận để biết chính xác nơi mình chào đời. Nhờ Internet, cô cũng gắn kết được với gia đình vị phi công chở cô và gia đình đến bệnh viện lúc cô mới lọt lòng.

Năm 2010, cô tham dự “Đại Hội Trường Xuân Thế Giới,” buổi kỷ niệm những thuyền nhân của Trường Xuân sau 35 năm, được tổ chức tại Úc. Tại đây ban tổ chức đã tặng kỷ yếu “Hành Trình Tìm Tự Do – Trường Xuân – Journey to Freedom,” bao gồm những câu chuyện về các “người con” của Trường Xuân và gia đình của họ sau hơn ba thập niên tị nạn. Cô Chiêu Anh cũng đến dự sinh nhật mừng thượng thọ 95 tuổi của vị thuyền trưởng tàu Trường Xuân là ông Phạm Ngọc Lũy.

Cô Chiêu Anh Vũ-Lieberman (trái) cùng thuyền trưởng tàu Trường Xuân, ông Phạm Ngọc Lũy lúc sinh thời. (Hình: Chiêu Anh Vũ-Lieberman cung cấp)

Những mảnh ghép dần hình thành nhưng số phận thường trêu ngươi. Biến cố lúc gần sinh đã khiến mẹ cô Chiêu Anh bị tổn thương tâm lý dẫn đến việc cô con gái cũng bị ảnh hưởng. Cả gia đình, ai cũng mang “vết lăn trầm” với nỗi đau mất nước và cố gắng hòa nhập vào cuộc sống mới ở Canada, nơi gia đình cô được bảo lãnh. Duy chỉ có cha cô Chiêu Anh không thoát ra được vết thương tâm lý.

“Lúc tôi 8 tuổi, cha tôi để lại mảnh giấy rằng ông dẫn tôi và anh trai đi cắm trại, nhưng chúng tôi không bao giờ quay lại… Cha đã bắt cóc chúng tôi,” cô điềm tĩnh nhớ lại. Sau một năm, mẹ cô và cơ quan công lực mới tìm ra hai anh em cô.

“Chiến tranh đã qua đi, nhưng trong tâm trí cha tôi thì mọi thứ vẫn đang tiếp diễn,” cô nói. Trải qua “bao cuộc bể dâu,” và bao cơn “thập tử nhất sinh,” cô Chiêu Anh thành danh, trở thành nhà thiết kế thời trang.

Từng du học ở Paris, cô tốt nghiệp trường thiết kế danh giá Parsons School of Design ở New York City. Cô cũng được nhiều giải thưởng cao quý của ngành thời trang. Trước đó, cô nằm trong top 5% sinh viên khi tốt nghiệp trường Marianopolis College ở Quebec, Canada.

Hiện gia đình cô sống tại Mission Viejo, miền Nam California. Cô là một trong những lãnh đạo cấp cao của công ty nhu liệu Nogin. Cô cũng đang cho “ra đời” ứng dụng tư vấn tâm lý để hỗ trợ những người phải ngày đêm vật lộn với cơn khủng hoảng tâm trí.

“Em bé Trường Xuân” Chiêu Anh bên một mẫu thiết kế tâm huyết của mình. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Người di tản buồn

Trên chuyến hải hành của nửa thế kỷ trước cũng có một chàng trai 16 tuổi chưa hiểu sự đời nhưng đứng trước phận nước, anh đành thoái thác cho số phận. Đó là câu chuyện của tài tử Long Nguyễn. Tài tử này được biết đến qua các vai diễn trong các phim truyền hình Mỹ, nhưng nổi bật nhất là vai chính trong phim “Vượt Sóng” của đạo diễn Hàm Trần, tái hiện câu chuyện của những thuyền nhân và gia đình có thân nhân đi tù cải tạo.

Ông từng hai lần thắng giải Nam Diễn Viên Xuất Sắc Nhất cho phim “Vượt Sóng” tại Newport Beach Film Festival và cho phim “Vai Diễn Đổi Đời” tại Viet Film Fest – Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế. Dù đã bay cao, bay xa với đam mê nghệ thuật nhưng ông Long vẫn luôn mang nặng nỗi niềm khi nhắc tới cái tên Trường Xuân.

“Có những mốc thời gian làm ta thay đổi, biến cố 1975 là cột mốc thay đổi nhận thức một con người,” tài tử Long nói. Tàu Trường Xuân từng rất nguy kịch khi bị nước tràn vào khoang, hết lương thực, hết nước uống, và cố gắng cầm cự trôi dạt trên Biển Đông cho đến khi được tàu Clara Maersk của Đan Mạch cứu, đưa người tị nạn đến Hồng Kông.

“Không chỉ riêng tôi mà ai phải bỏ quê hương ra đi trước thế sự cũng đều chịu tổn thương. Khi khổ đau quá, con người ta sẽ gồng lại, siết chặt tâm can, để tự vệ. Càng nhạy cảm thì càng bị đau,” ông Long trầm mặc. Như bao người tị nạn, chàng thanh niên năm ấy đè nén cơn đau để hòa nhập vào cuộc sống mới ở Mỹ. Khoảng năm 1980, ông học lấy bằng kỹ sư, nhưng theo ông, ngành này khiến ông bị “bí.”

“Cuối thập niên 1980, tôi loay hoay mãi không biết đời nên làm gì, vì sao mình ở nơi đây. Tôi bị bí từ tinh thần lẫn thể chất. Rồi tôi quyết định cho mình được tự do, thả lỏng cơn đau bị siết chặt ấy,” ông kể. “Tôi vượt qua sự tội lỗi để tâm trí được tự do ‘bay bổng.’”

Tài tử Long Nguyễn. (Hình: Trà Nhiên/Người Việt)

Năm 1985, ông lấy bằng cao học về nghệ thuật, trở thành họa sĩ. Ánh dương lại từ từ xuất hiện vì ông được tự do với đúng đam mê. Lúc đó, ông sống với các họa sĩ trong một khu nhà kho ở Oakland, miền Bắc California, mà ông đùa vui gọi là “khu nghệ sĩ.”

Hiện ông sống ở Huntington Beach, miền Nam California. Ông còn theo đuổi diễn xuất và kịch nghệ vì cảm thấy mình được tự do khi hóa thân vào các nhân vật. Song song với diễn xuất, ông vẫn “giữ lửa” với đam mê cầm cọ. Các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Long Nguyễn được triển lãm ở các viện bảo tàng ở Oakland và các tiểu bang khác.

“Khi ở Việt Nam, tôi là người rất bảo thủ. Những mốc thời gian đã thay đổi tôi. Tôi giờ đây nhìn mọi việc thoáng hơn, tích cực hơn, không ghét hay trách móc ai cả. Mình phải bình an trước thì mới chia sẻ bình an cho người khác,” ông cười nói. 

Con tàu định mệnh

Câu chuyện của cô Chiêu Anh và tài tử Long Nguyễn là hai trong vô số mảnh đời của hàng ngàn “người con” của Trường Xuân, và cũng chỉ là một phần định mệnh của hơn 1.5 triệu mảnh đời vượt biên khỏi cố hương, dắt dìu nhau đến Tự Do. Trường Xuân – con tàu của sự hãi hùng và hy vọng – đã chứng kiến cái chết của ba sinh mạng nhưng cũng là nơi hai sinh linh ra đời. Trường Xuân mãi là một phần lịch sử của người Việt tị nạn sau nửa thế kỷ tha hương nơi xứ người.

Theo Trà Nhiên/NVO


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.