Group News: Tin copy
Dự án xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội nằm trong đồ án quy hoạch không gian bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500 ở Hà Nội hiện đang thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và dư luận nhiều tuần nay.
 
Phối cảnh Nhà hát opera Hồ Tây

Phối cảnh Nhà hát opera Hồ Tây

Theo đồ án này, tại khu vực Đầm Trị nằm sát hồ Tây thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ sẽ mọc lên công trình với tên gọi dự kiến là Nhà hát Opera Hà Nội, với quy mô 1.800 chỗ ngồi, gấp ba Nhà hát Lớn Hà Nội, xấp xỉ nhà hát Esplanade Singapore.

Công trình này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Ý nổi tiếng Renzo Piano, được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Australia), nhà hát La Scala tại Milan (Italy) hay nhà hát Esplanade (Singapore)…, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Khi phối cảnh 3D của nhà hát do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một bộ phận công chúng ủng hộ vì công trình này có thể trở thành điểm nhấn, một biểu tượng mới của thủ đô cũng thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản biện từ giới chuyên gia và người dân cho rằng dự án này có nhiều bất cập, thậm chí sai phạm trên nhiều khía cạnh bao gồm luật pháp, quy hoạch giao thông đô thị, xây dựng...

 
 

'Thảm họa nếu xây ở Đầm Trị'

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo) nói với BBC News Tiếng Việt: "Tôi hoan nghênh việc Hà Nội có một nhà hát mới vì từ rất lâu rồi không có một công trình văn hóa mới nào được xây dựng. Khi được biết Sun Group làm việc với một kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, tôi rất hứng khởi và chờ đón xem công trình này sẽ có hình hài như thế nào."

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng việc đặt nhà hát này ở Đầm Trị là "một quyết định thảm họa, hết sức sai lầm" nếu xét về ba khía cạnh thiết kế giao thông đô thị, văn hóa - lịch sử và quy hoạch.

Cụ thể hơn, ông cho rằng mọi người đều có thể nhìn thấy những bất cập khi có một lượng người lớn đi vào bán đảo Quảng An, sẽ phải mở đường lớn và chỗ đậu xe và phá hủy hoàn toàn bán đảo này.

Về mặt văn hóa lịch sử thì đây là một vùng rất đặc trưng của Hà Nội cổ, có văn hóa và lịch sử riêng, thể hiện qua những ngõ nhỏ, đền chùa, cây cối..., nên khi những công trình khổng lồ mọc lên mà không có hệ thống giao thông công cộng gây ùn tắc sẽ phá hủy phần hồn của không gian này. Ngoài ra, ông Giang nêu ý kiến nên giữ lại cảnh quan mặt bằng nước và cây xanh thay vì vì bê tông hóa một nơi thơ mộng, gần thiên nhiên đẹp đẽ và quý giá còn sót lại của Hà Nội.

Hồ Tây là không gian cây xanh - mặt nước lớn hiếm hoi còn sót lại ở Hà Nội

Hồ Tây là không gian cây xanh - mặt nước lớn hiếm hoi còn sót lại ở Hà Nội

"Nhà hát đó hoàn toàn có thể được xây ở một chỗ khác thuận tiện giao thông, không phá hủy lịch sử và văn hóa của vùng đất đó", Tiến sĩ Hoàng Giang cho biết.

'10 khía cạnh sai phạm'

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt tháng 7/2022, PGS. TS. KTS. Nguyễn Quang Minh, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết sở dĩ dự án này gây tranh cãi vì công trình hiện diện tại một địa điểm rất đặc biệt là Đầm Trị, nơi gặp nhau của hai trục cảnh quan rất quan trọng của thủ đô, sát cạnh Hồ Tây, nơi có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.

Đây cũng là không gian cây xanh - mặt nước lớn hiếm hoi trong lòng một đô thị có mật độ xây dựng dày đặc và luôn ngột ngạt bởi hàng triệu phương tiện giao thông lưu thông hàng ngày.

"Khi xem xét cẩn trọng, dưới góc độ của một giảng viên kiến trúc và cũng là một kiến trúc sư, tôi thấy công trình này có nhiều bất cập, thậm chí sai phạm, trên mười khía cạnh: 1. Luật pháp; 2. Quy hoạch; 3. Kiến trúc; 4. Xây dựng; 5. Cảnh quan; 6. Môi trường; 7. Sinh thái; 8. Văn hóa; 9. Lịch sử và 10. Xã hội", ông Minh cho hay.

Theo phân tích của Tiến sĩ Quang Minh, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành quy định rõ tại điểm b, khoản 2, điều 17 rằng công trình biểu tượng về truyền thống, văn hóa và lịch sử của địa phương, công trình quan trọng, công trình điểm nhấn trong đô thị như Nhà hát Opera Hồ Tây bắt buộc phải thi tuyển phương án kiến trúc.

"Phương án được đưa ra giới thiệu với công chúng - theo báo chí đưa tin - là thiết kế của Văn phòng Kiến trúc Renzo Piano, dưới dạng một hợp đồng thiết kế hoặc đơn đặt hàng mà không hề qua thi tuyển. Thông tin thi tuyển không hề được công bố trên bất cứ phương tiện truyền thông nào, ở bất cứ đâu. Như vậy rõ ràng là vi phạm Luật Kiến trúc", ông cho biết.

Về mặt quy hoạch, ông Minh cho rằng việc xây dựng một công trình công cộng có sức chứa tối đa khoảng 3.800 người (1.800 chỗ trong khán phòng chính và khoảng 2.000 chỗ tại các khán phòng phụ) tại điểm tận cùng của một trục đường kiểu độc đạo từ đường chính đô thị dẫn vào trong khu vực dạng bán đảo nhô ra hồ với ba mặt giáp hồ là điều cần hết sức tránh, nếu không muốn nói là "đại kỵ".

Bởi lẽ, giải pháp giao thông như vậy sẽ vô cùng bất lợi, gây hỗn loạn và tắc nghẽn khi có cả ngàn phương tiện của khán thính giả đến thưởng thức nghệ thuật dồn đến trùng với khung giờ đi lại của hàng trăm hộ dân địa phương.

Ngoài ra, về mặt xây dựng, phương án đề xuất là xây nhà hát nổi trên mặt nước. Theo ông Minh, nếu không xây bệ đỡ đặc bằng bê tông cốt thép từ đáy Đầm Trị lên thì ít nhất cũng phải đóng cả trăm chiếc cọc bê tông cỡ lớn sâu xuống đáy đầm thì mới đảm bảo độ ổn định nền móng cho một công trình có tải trọng lên đến hàng ngàn tấn.

"Dù theo phương án nào, đổ nền toàn bộ diện tích xây trên mặt đầm hoặc đóng cọc, cũng sẽ tác động rất lớn đến địa chất và thủy văn của Đầm Trị", ông nhấn mạnh.

Về xã hội, ông Minh nêu ý kiến dự án Nhà hát Opera Hồ Tây với những điều chỉnh quy hoạch có thể nói sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng dân cư địa phương, khi có tới hàng trăm hộ dân phải di dời để mở đường và để xây dựng những hạng mục phụ trợ của dự án.

"Việc đền bù và tái định cư cho cộng đồng liệu có thỏa đáng và người dân có bằng lòng để từ đó đồng tình với chính quyền?", ông đặt câu hỏi.

Về sinh thái, dự án xây dựng đã lấy đi hơn 1/3 diện tích mặt nước của Đầm Trị rộng khoảng 6 ha vốn là nơi trồng sen, đã từng và đang có hệ động thực vật phong phú, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu vực quanh Hồ Tây, dẫn đến hệ lụy là sẽ gây tổn hại cho hệ sinh thái trong khu vực.

Thu hoạch sen Hồ Tây

Sen hồ Tây đã trở thành một thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tây Hồ

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, Hồ Tây là một nơi có giá trị lớn về nhiều mặt cần phải được gìn giữ và bảo tồn, tôn tạo, và quỹ đất ở Hà Nội vẫn còn, không thiếu những địa điểm khác thích hợp hơn cho những dự án văn hóa quy mô lớn như Nhà hát Opera.

"Nhà hát đó hoàn toàn có thể được xây ở Mỹ Đình, Hà Đông, Long Biên hay Gia Lâm… sẽ có nhiều nhà chuyên môn, kiến trúc sư và nhà phát triển đô thị có thể đề xuất phù hợp hơn cho một vị trí tốt cho nhà hát này." - ông Giang nói.

Không để ý kiến phản biện đến với cộng đồng?

Bài phân tích về mười khía cạnh bất cập trong dự án nhà hát Opera của Tiến sĩ Quang Minh đã được đăng tải trên báo Lao Động, nhưng bị gỡ ngay sau đó.

"Tôi được biết là có chỉ thị gỡ bài, bạn phóng viên liên hệ đặt tôi viết cũng không nói rõ là đến từ đâu, nhưng theo phỏng đoán của tôi là đến từ một cấp lãnh đạo cao chỉ đạo, không muốn một bài phản biện gây bất lợi cho dự án đến với cộng đồng", ông Minh nói với BBC.

"Tuy nhiên, bài viết đã được cộng đồng mạng lưu lại và chia sẻ rộng rãi, nên tôi nghĩ việc gỡ bài đã mang lại hiệu ứng ngược, làm cho bài viết được truyền tải nhanh hơn và rộng hơn, một điều mà những người gỡ bài đã không nghĩ đến trong thời đại 4.0."

Trong khi đó, trang Facebook cá nhân của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã bị đánh sập sau khi ông chia sẻ cảm nghĩ cá nhân về dự án nhà hát opera Hồ Tây.

Ông cho biết: "Tôi không rõ là hai sự kiện này có liên quan đến nhau không, nhưng về mốc thời gian thì là trùng khớp".

Đặng Hoàng Giang trong một sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc

Đặng Hoàng Giang trong một sự kiện thúc đẩy văn hóa đọc

Lấy ý kiến người dân: Liệu có minh bạch?

Tờ Hà Nội Mới ngày 1/8 dẫn lời ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: "Gần hai tháng qua, UBND quận Tây Hồ cũng đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại địa bàn theo đúng quy trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Cụ thể, ngày 15-7, lấy ý kiến cộng đồng các tổ chức, dân cư tại địa bàn quận; ngày 28-7, lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại 2 phường Quảng An, Tứ Liên. Kết quả cho thấy, đại bộ phận tổ chức, người dân trên địa bàn ủng hộ đồ án quy hoạch."

Tuy nhiên, trên các nhóm Facebook Cư dân Quảng An - Tây Hồ, Hội những người yêu Hồ Tây, xuất hiện hàng loạt hình ảnh người dân treo băng rôn trước nhà phản đối đồ án quy hoạch 1/500 tại bán đảo Quảng An, với lý do người được lấy ý kiến là cư dân phường khác, không phải ở vùng bị quy hoạch.

Cùng với đó là những video ghi lại cảnh người dân phản đối khi chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ những băng rôn này.

Người dân treo băng rôn trước nhà phản đối đồ án quy hoạch 1/500 tại bán đảo Quảng An

Người dân treo băng rôn trước nhà phản đối đồ án quy hoạch 1/500 tại bán đảo Quảng An

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho biết: "Việc một công trình quan trọng mang tính biểu tượng cho một thành phố thủ đô mà nhận được ý kiến trái chiều về vị trí, kích thước, thiết kế là một chuyện hết sức bình thường đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới".

"Điều quan trọng là cần phải có những buổi thảo luận minh bạch và có sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, và tôi đang không thấy điều này trên báo chí và các phương tiện truyền thông đạị chúng".

"Tôi nghĩ những công trình quan trọng cần được thảo luận trong công luận và trên báo chí, TV, mạng xã hội, có những buổi trưng cầu ý kiến người dân, không chỉ về hình hài của tòa nhà đó mà còn là đặt hàng bởi người A người B và cả vị trí của nó".

"Toàn bộ quá trình xây hay không xây, hình hài như thế nào cần phải được lấy ý kiến rộng rãi không chỉ của người dân Quảng An mà còn cả người dân Hà Nội và thậm chí là người dân cả nước."

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.