Dùng chung phòng giam bẩn thỉu với hàng chục người khác, liên tục bị thiếu ngủ, các phòng giam sáng đèn 24 giờ mỗi ngày; vệ sinh kém và lao động cưỡng bức.

Công dân Úc Matthew Radalj đã bị giam trong 5 năm tại một trung tâm giam giữ ở Bắc Kinh, tương tự như hình ảnh chụp năm 2012 ở trên
Đó chỉ là một số trong những gì tù nhân trong các nhà tù Trung Quốc phải chịu đựng, theo lời kể của công dân Úc Matthew Radalj, người đã trải qua 5 năm tại nhà tù Số 2 Bắc Kinh - một cơ sở giam giữ dành cho tù nhân quốc tế.
Radalj, hiện đang sống bên ngoài Trung Quốc, đã quyết định công khai trải nghiệm của mình và mô tả việc bản thân phải chịu đựng cũng như chứng kiến những hình phạt thể xác nghiêm trọng, lao động cưỡng bức, bỏ đói và tra tấn tinh thần.
BBC đã xác minh được lời khai của Radalj thông qua một số cựu tù nhân từng bị giam giữ cùng thời điểm với ông.
Nhiều người yêu cầu giấu tên vì lo sợ sự trả thù đối với những người thân vẫn còn sống ở Trung Quốc. Những người khác nói rằng họ chỉ muốn cố gắng quên đi trải nghiệm đó và sống tiếp.
Chính phủ Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận của BBC.
Màn chào đón ác nghiệt
"Khi mới đến đó, tôi ở trong tình trạng thực sự tồi tệ. Họ đánh tôi liên tục trong hai ngày tại đồn cảnh sát đầu tiên. Tôi đã không ngủ, không ăn, không uống nước trong 48 tiếng đồng hồ và sau đó bị ép ký một chồng hồ sơ dày cộm," Radalj kể về những ngày đầu bị giam cầm ở Trung Quốc, bắt đầu từ vụ bắt giữ vào ngày 2/1/2020.
Người từng sống ở Bắc Kinh này khẳng định mình bị kết án oan sau một cuộc ẩu đả với những chủ cửa hàng tại một chợ điện tử, xuất phát từ tranh chấp về giá sửa màn hình điện thoại đã thỏa thuận.
Ông này kể rằng sau cùng mình đã ký vào một bản nhận tội cướp của giả mạo, sau khi được cho biết rằng việc cố gắng chứng minh sự vô tội của mình là vô ích trong một hệ thống có tỷ lệ kết án hình sự gần như 100% cũng như hy vọng điều này sẽ rút ngắn thời gian ngồi tù.
Hồ sơ tòa án cho thấy điều này ít nhất cũng có tác dụng phần nào, giúp ông nhận bản án bốn năm.
Khi vào tù, ông này cho biết ban đầu mình phải trải qua nhiều tháng trong một trung tâm giam giữ riêng biệt, nơi ông phải chịu một "giai đoạn chuyển tiếp" tàn bạo hơn.

,Radalj đã sống ở Bắc Kinh nhiều năm trước khi bị bắt vào tháng 1/2020
Trong khoảng thời gian này, tù nhân phải tuân theo những quy tắc vô cùng khắc nghiệt trong điều kiện mà ông mô tả là kinh khủng.
"Chúng tôi bị cấm tắm rửa hoặc vệ sinh cá nhân, điều đó đôi khi kéo dài hàng tháng trời. Ngay cả nhà vệ sinh cũng chỉ được sử dụng vào những khung giờ cố định và rất bẩn thỉu - chất thải từ các nhà vệ sinh ở tầng trên liên tục nhỏ giọt xuống người chúng tôi."
Cuối cùng, ông được chuyển đến khu tù "bình thường", nơi các tù nhân phải ngủ chung trong những phòng giam chật chội và đèn không bao giờ tắt.
Chúng tôi cũng ăn uống ngay trong phòng đó, ông kể thêm.
Theo Radalj, tù nhân người châu Phi và Pakistan chiếm số lượng lớn nhất trong cơ sở giam giữ này, nhưng cũng có những người đàn ông bị giam đến từ Afghanistan, Anh, Mỹ, Mỹ Latinh, Triều Tiên và Đài Loan. Hầu hết họ đều bị kết án vì tội vận chuyển ma túy.
Hệ thống điểm 'hạnh kiểm tốt'
Radalj cho biết các tù nhân thường xuyên phải chịu đựng những hình thức mà ông mô tả là tra tấn tâm lý.
Một trong số đó là "hệ thống điểm hạnh kiểm tốt", về lý thuyết, là một cách để giảm án.
Tù nhân có thể đạt tối đa 100 điểm hạnh kiểm tốt mỗi tháng bằng cách thực hiện những việc như học tài liệu của Đảng Cộng sản, làm việc trong nhà máy của nhà tù hoặc tố cáo các tù nhân khác. Khi tích lũy đủ 4.200 điểm, về cơ bản có thể được sử dụng để giảm thời gian thụ án.
Điều đó có nghĩa là một tù nhân sẽ phải đạt điểm tối đa mỗi tháng trong suốt ba năm rưỡi thì mới đủ điều kiện để xem xét giảm án.
Radalj nói rằng trên thực tế, hệ thống này được sử dụng như một phương tiện tra tấn và thao túng tâm lý.
Ông cáo buộc các quản giáo cố tình đợi đến khi một tù nhân gần đạt được mục tiêu này thì lại phạt họ vì bất kỳ một trong vô số lỗi có thể xảy ra - điều sẽ xóa sạch điểm tích lũy được vào thời điểm quan trọng.
Những lỗi này bao gồm cả việc tích trữ hoặc chia sẻ thức ăn với các tù nhân khác, đi "không đúng cách" trong hành lang bằng cách đi chệch khỏi vạch kẻ trên sàn, treo tất trên giường không đúng cách, hoặc thậm chí đứng quá gần cửa sổ và nhiều lỗi khác nữa.

Cổng vào nhà tù Số 2 Bắc Kinh - chụp vào năm 2012 - nơi Radlj bị giam giữ
Những tù nhân khác từng nói với BBC về hệ thống tích điểm này mô tả nó như một trò chơi trí tuệ được thiết kế để bẻ gãy tinh thần.
Cựu tù nhân người Anh Peter Humphrey, người đã trải qua hai năm bị giam ở Thượng Hải, cho biết cơ sở giam giữ của ông cũng có một hệ thống tính toán và giảm án tương tự nhưng bị thao túng để kiểm soát tù nhân và ngăn chặn việc giảm án.
"Có camera ở khắp mọi nơi, thậm chí ba chiếc trong một phòng giam," ông kể.
"Nếu anh bước qua vạch kẻ trên sàn và bị quản giáo hoặc camera phát hiện, anh sẽ bị phạt. Tương tự là những lỗi như anh không dọn giường đúng tiêu chuẩn quân đội hoặc đặt bàn chải đánh răng không đúng vị trí trong phòng giam."
"Ngoài ra còn có áp lực nhóm lên các tù nhân, cả nhóm trong phòng giam sẽ bị phạt nếu một tù nhân làm bất kỳ điều nào trong số này."
Một cựu tù nhân khác nói với BBC rằng trong 5 năm ở tù, ông chưa từng thấy điểm số được sử dụng để giảm án bất kỳ lần nào.
Radalj cho hay có một số tù nhân - bao gồm cả ông - đã không thèm bận tâm đến hệ thống tích điểm này.
Vì vậy, nhà chức trách đã dùng đến các biện pháp khác để gây áp lực tâm lý.
Những biện pháp này bao gồm cả cắt bớt thời gian gọi điện thoại cho gia đình hàng tháng hoặc giảm bớt những lợi ích khác mà tù nhân được hưởng.
Kiểm soát bằng thức ăn
Nhưng hình phạt hàng ngày phổ biến nhất liên quan đến việc cắt giảm khẩu phần ăn.
Nhiều cựu tù nhân kể với BBC rằng các bữa ăn tại nhà tù Số 2 Bắc Kinh chủ yếu là bắp cải nấu trong nước bẩn, đôi khi có thêm vài mẩu cà rốt và nếu may mắn thì có vài lát thịt nhỏ.
Họ cũng được ăn màn thầu - một loại bánh bao phổ biến ở miền bắc Trung Quốc. Hầu hết các tù nhân đều bị suy dinh dưỡng, Radalj nói thêm.
Một tù nhân khác mô tả việc các bạn tù ăn rất nhiều màn thầu vì họ luôn đói. Ông cho biết chế độ ăn uống của họ quá nghèo dinh dưỡng - và họ chỉ được tập thể dục ngoài trời nửa giờ mỗi tuần - đến nỗi phần thân trên của họ yếu ớt nhưng bụng lại phình to ra do ăn quá nhiều màn thầu.
Tù nhân có cơ hội bổ sung chế độ ăn uống bằng cách mua thêm khẩu phần ít ỏi, nếu người thân gửi tiền vào thứ gọi là "tài khoản" của họ: về cơ bản là một hồ sơ ghi lại số tiền được gửi để mua các vật dụng như xà phòng hay kem đánh răng.
Họ cũng có thể dùng số tiền này để mua các mặt hàng như mì gói hoặc bột sữa đậu nành. Nhưng ngay cả "đặc ân" này cũng có thể bị tước đoạt.
Radalj kể lại ông mình đã bị cấm không được mua thêm bất kỳ thứ gì trong 14 tháng vì từ chối làm việc trong nhà máy của nhà tù - nơi các tù nhân được yêu cầu lắp ráp các mặt hàng cơ bản cho các công ty hoặc biên soạn tờ rơi tuyên truyền cho Đảng Cộng sản cầm quyền.

Các phương tiện truyền thông đã được tiếp cận một cách hiếm hoi để xem bên trong một nhà tù khác ở Bắc Kinh - Nhà tù Số 1 - vào năm 2012
Tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi họ còn bị bắt làm việc tại một "trang trại", nơi họ thực sự trồng được rất nhiều rau củ, nhưng lại không bao giờ được phép ăn.
Radalj kể rằng nông trại này được trưng ra cho một bộ trưởng tư pháp đến thăm như một ví dụ về cuộc sống nhà tù "ấn tượng" ra sao.
Nhưng theo ông, tất cả chỉ là một màn trình diễn.
"Chúng tôi trồng cà chua, khoai tây, bắp cải và đậu bắp, rồi đến cuối vụ, họ sẽ đẩy hết xuống một cái hố lớn và chôn đi," ông nói thêm. "Và nếu anh bị bắt gặp mang một quả ớt hoặc một quả dưa chuột ở khu vực chung, anh sẽ bị biệt giam ngay lập tức trong tám tháng."
Một tù nhân khác cho hay thỉnh thoảng họ đột nhiên nhận được protein, chẳng hạn như một chiếc đùi gà, để chế độ ăn uống của họ trông tốt hơn khi các quan chức đến thăm nhà tù.
Humphrey cho biết có những hạn chế về thực phẩm tương tự trong nhà tù Thượng Hải của ông, đồng thời nói thêm rằng điều này dẫn đến sự tranh giành quyền lực giữa các tù nhân:
"Nhà bếp do các lao động tù nhân quản lý. Những người làm ở đó đã trộm những thứ tốt nhất để sau đó có thể phân phát lại."
Radalj mô tả một cuộc xung đột giữa các nhóm người châu Phi và Đài Loan tại nhà tù Số 2 Bắc Kinh về vấn đề này.
Các tù nhân người Nigeria làm việc trong bếp và "nhận được những lợi ích nhỏ, chẳng hạn như một túi táo mỗi tháng hoặc một ít sữa chua hoặc một vài quả chuối", ông nói.

Radalj, chụp ảnh cùng cha, nói mình có trách nhiệm với những người vẫn đang bị giam giữ
Sau đó, các tù nhân Đài Loan nói tiếng Quan Thoại đã thuyết phục được quản giáo để họ tiếp quản, giúp họ kiểm soát được các thực phẩm quý giá.
Điều này dẫn đến một cuộc ẩu đả lớn và Radalj kể rằng mình mắc kẹt ở giữa. Ông bị biệt giam 194 ngày sau khi đánh một tù nhân khác.
Trong phòng biệt giam, cuối cùng đèn cũng tắt, nhưng hóa ra gần như suốt thời gian đó ông phải ở trong bóng tối - một cảm giác hoàn toàn ngược lại với việc bị đèn chiếu sáng liên tục trước đây.
Khẩu phần ăn ít ỏi của ông đã bị cắt giảm một nửa. Không có sách vở để đọc và không có ai để nói chuyện trong khi bị giam giữ trong một căn phòng trống trải rộng 1,2m x 1,8m trong nửa năm.
"Anh sẽ phải phát điên, dù có muốn hay không, và đó là mục đích của việc biệt giam... Vì vậy, anh phải nhanh chóng quyết định liệu căn phòng của mình thực sự rất, rất nhỏ hay rất, rất lớn."
"Sau bốn tháng, bạn bắt đầu tự lải nhải nói chuyện với chính mình. Các quản giáo đi ngang qua và hỏi 'Này, anh ổn không?'. Và bạn kiểu như 'tại sao?'. Họ trả lời 'vì anh đang cười'."
Sau khi nghe cai ngục hỏi vậy, Radalj kể rằng trong đầu mình đã nghĩ và tự nhủ: "Không phải chuyện của các anh."
Theo lời Radalj, một đặc điểm khác trong cuộc sống ở các nhà tù Trung Quốc là những màn "kịch" tuyên truyền giả tạo mà các quan chức dàn dựng cho giới truyền thông Trung Quốc hoặc các quan chức đến thăm để vẽ ra một bức tranh màu hồng về điều kiện sống ở đó.
Ông kể, có một lần, một "phòng máy tính" được dựng lên. "Họ tập hợp mọi người lại và nói rằng chúng tôi sẽ có địa chỉ email riêng và có thể gửi email. Sau đó, họ quay phim ba người Nigeria đang sử dụng những chiếc máy tính này."
Ba tù nhân đó dường như tỏ ra bối rối vì những chiếc máy tính này thực chất không được kết nối internet - nhưng các cai ngục đã bảo họ cứ "diễn" đi.
"Mọi thứ đều được quay phim để tạo ra một hình ảnh giả về việc tù nhân được tiếp cận với máy tính," Radalj nói.
Nhưng ông khẳng định ngay sau khi chụp ảnh xong, những chiếc máy tính đó liền bị gói lại bằng ni lông và không bao giờ dùng đến nữa.
Hồi ký

Radalj đã viết nhật ký trong tù (ảnh) kể lại chi tiết thời gian anh ở sau song sắt
Trong phần lớn quãng thời gian đau đớn đó, Radalj đã bí mật ghi nhật ký bằng cách bóc lớp khẩu trang Covid ra và viết những dòng chữ nhỏ xíu bên trong, với sự giúp đỡ của một số tù nhân Triều Tiên, những người sau này cũng đã được thả.
"Tôi đang viết và những người Triều Tiên sẽ nói: 'Nhỏ hơn nữa... nhỏ hơn nữa đi!'."
Radalj cho biết nhiều tù nhân không có cách nào để gia đình họ biết mình đang ở tù.
Một số người đã không gọi điện thoại cho người thân vì không có tiền trong tài khoản. Với những người khác, đại sứ quán của họ đã không đăng ký số điện thoại gia đình cho hệ thống điện thoại của nhà tù. Chỉ những cuộc gọi đến các số điện thoại được phê duyệt chính thức mới hoạt động.
Vì vậy, sau khi có tin đồn rằng người đàn ông Úc này đang có kế hoạch tuồn những ghi chép của mình ra ngoài, họ đã chuyển thông tin để liên lạc với gia đình.
"Có 60 hoặc 70 người hy vọng tôi có thể liên lạc với những người thân của họ sau khi tôi ra ngoài để kể cho họ biết chuyện gì đang xảy ra."
Ông cuộn những mảnh khẩu trang lại chặt hết mức có thể bằng băng dính lượm lặt được từ xưởng và cố gắng nuốt cả búi to bằng quả trứng đó mà không để cai ngục nhìn thấy.
Nhưng ông không thể nuốt trôi.
Các cai ngục đã nhìn thấy những gì đang xảy ra qua camera và bắt đầu hỏi: "Tại sao anh nôn mửa? Tại sao anh cứ ọe? Có chuyện gì vậy?"
Vậy là ông bỏ cuộc và giấu búi giấy đó đi.
Khi sắp rời đi vào ngày 5/10/2024, ông được trả lại bộ quần áo cũ đã bị rách 5 năm trước trong cuộc giằng co khi ông bị bắt lần đầu.
Có một vết rách ở lớp lót áo khoác và ông nhanh chóng thả những ghi chép vào bên trong trước khi một cai ngục có thể nhìn thấy.
Radalj nói rằng ông nghĩ có ai đó đã báo cho các nhân viên nhà tù về kế hoạch của ông vì họ đã khám xét phòng và thẩm vấn trước khi ông rời đi.
"Anh có quên gì không?" các quản giáo hỏi.
"Họ lục tung hết đồ đạc của tôi. Tôi đã nghĩ họ sẽ đưa tôi trở lại phòng biệt giam. Sẽ có những cáo buộc mới."
Nhưng viên quản giáo giữ quần áo của ông đã không hề biết cuốn nhật ký bí mật đã được giấu bên trong.
"Họ kiểu như quát 'Cút khỏi đây ngay!'. Và mãi đến khi tôi đã lên máy bay, máy bay đã cất cánh rồi, và đèn báo thắt dây an toàn đã tắt, tôi mới dám thò tay vào áo khoác để kiểm tra."
Những ghi chép vẫn còn đó.
Cuộc sống sau khi ra tù

Radalj đã kết hôn với bạn gái lâu năm của mình sau khi trở về nhàNgay trước khi lên máy bay ở Bắc Kinh, một cảnh sát hộ tống ông ra cổng đã dùng thẻ lên máy bay của Radalj để mua thuốc lá miễn thuế cho bạn bè của mình.
"Anh ta bảo đừng quay lại Trung Quốc. Anh bị cấm 10 năm. Và tôi đáp 'ừ, tuyệt. Đừng hút thuốc. Có hại cho sức khỏe của anh đấy'."
Viên cảnh sát bật cười.
Ông trở về Úc và ôm chầm lấy cha mình tại sân bay Perth. Nước mắt tuôn rơi.
Sau đó, ông kết hôn với người bạn gái lâu năm và giờ họ dành thời gian làm nến và các sản phẩm khác.
Radalj nói rằng mình vẫn còn tức giận về những gì đã trải qua và còn lâu mới hồi phục hoàn toàn.
Nhưng ông đang liên lạc với danh sách bạn tù cũ của mình - "Tôi đã dành phần lớn thời gian sáu tháng qua để liên hệ với gia đình họ, vận động hành lang các đại sứ quán của họ để họ có thể cố gắng làm tốt hơn việc giúp đỡ những người này trong thời gian bị giam giữ."
Ông cho biết một số người trong số đó đã gần mười năm không nói chuyện với người thân ở quê nhà. Và việc giúp đỡ những người này cũng giúp ông tái hòa nhập cuộc sống cũ.
"Tự do mang lại một cảm giác biết ơn lớn lao," Radalj nói. "Bạn trân trọng sâu sắc những điều đơn giản nhất trong cuộc sống. Nhưng tôi cũng thấy mình mang một trọng trách đối với những người tôi đã bỏ lại trong tù."
Theo BBC
Comments powered by CComment