Có rất nhiều hình ảnh, rất nhiều câu chuyện trong cách chống dịch của Việt Nam mà người dân ở các nước tự do, dân chủ, phát triển sẽ không tin, và không hiểu nổi.
Dòng người về quê sáng sớm hôm 1/10 bị chặn ở một chốt kiểm soát dịch tại TP HCM
Chẳng hạn, đó là hình ảnh của vô số hàng rào kẽm gai, chướng ngại vật kể cả xe tải, ống cống, những bức tường bằng tôn… được dựng lên để ngăn những khu vực bị cách ly, không cho người dân được bước ra ngoài.
Hay hình ảnh hàng ngàn hàng vạn người dân ùn ùn kéo nhau từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…tháo chạy về quê ở miền Trung, miền Bắc, đi bằng xe gắn máy, xe tự chế, và kể cả đi bộ, vượt hàng trăm hàng ngàn cây số, ăn ngủ vạ vật giữa đường, với đủ mọi cảnh đời bi đát.
Tha phương cầu thực ngay trên đất nước mình
Trong số các nạn nhân mới nhất có cả những người phụ nữ đang mang thai hay vừa mới sinh xong, những người mẹ đơn thân chở con, những đứa trẻ thơ bé bỏng, thậm chí chỉ mới chào đời được 10 ngày…
Trước đó nữa, khi Sài Gòn chưa "mở cửa", nhiều người còn phải tìm cách về quê "chui" bằng cách trốn trong thùng xe đông lạnh để qua chốt kiểm dịch ("Phát hiện 15 người trong thùng xe đông lạnh để "thông chốt" ở Bình Thuận", báo Lao Động). Trong số 15 người đó cũng có cả trẻ em và khi công an phát hiện thì vài người đã có dấu hiệu khó thở vì bị nhồi nhét trong thùng xe chật chội!
Trẻ em trong thảm cảnh 'tháo chạy về quê'
Tình cảnh những con người trốn trong thùng xe đông lạnh, khiến nhiều người bỗng liên tưởng đến thảm kịch 39 người Việt chết trong chiếc container xe tải tại Anh vào ngày 23/10/2019 mà dịp tưởng niệm hai năm tới đây sẽ được nước Anh làm một cách trân trọng. Họ là một trong các nhóm đông đảo bước lên hành trình tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh và cái chết đồng loạt đó đã làm rúng động lương tâm cả nước Anh và thế giới.
Đã bao năm sau chiến tranh, các thế hệ trẻ VN vẫn phải không chỉ phải liều mình vượt biên sang xứ người để mưu sinh, mà nay còn phải tha phương cầu thực ngay trên đất nước mình.
Có nơi như Cà Mau khi một cặp vợ chồng thợ hồ cùng gia đình chạy xe máy từ Long An mang theo đàn chó về đến nơi, lúc xét nghiệm cả hai vợ chồng dương tính với coronavirus liền bị đưa đi cách ly, còn đàn chó 13 con bị những người làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại địa phương đem đi hủy vì sợ chó cũng bị dịch. Vụ việc này đang làm chấn động dư luận người Việt trong và ngoài nước.
'Sướng khổ có nhau': hình ông Phạm Minh Hùng chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê tránh dịch khiến dư luận VN xúc động
Từ đâu nảy sinh vô số những câu chuyện thương tâm?
Dư luận đã nói rất nhiều về sự yếu kém, sai lầm trong cách phòng chống dịch của nhà nước Việt Nam thời gian qua khiến cho tình hình dịch bệnh thêm trầm trọng và đời sống của người dân hết sức khốn khổ ra sao. Tất cả những sự sai lầm ấy phát xuất từ nhiều nguyên nhân:
Một, năng lực yếu kém của những người lãnh đạo từ trung ương đến địa phương khi phải xử lý một cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.
Hai, chống dịch với tư duy thời chiến, duy ý chí, đảng độc quyền chống dịch không nghe theo lời khuyến cáo của các chuyên gia cho tới những lời chỉ trích của dư luận, không học theo kinh nghiệm của các nước khác (chỉ nhất nhất học theo Trung Quốc).
Ba, không ít cán bộ đã không coi dân ra gì. Và cuối cùng, chính là vì những người ngồi trên cao, ra những chỉ thị, chính sách sai lầm, vô lý, cực đoan, hà khắc kia không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì cả. Nếu những người có quyền từ trên xuống dưới phải chịu trách nhiệm như trong các xã hội tự do dân chủ, nhẹ thì từ chức, mất chức, nặng thì vô tù, có lẽ họ sẽ phải cẩn thận hơn.
Một bộ máy vô cảm, xa rời thực tế, xa dân
Đại dịch đã bóc trần nhiều sự thật mà nhà chức trách bấy lâu nay hoặc bưng bít, hoặc chỉ đạo báo chí tuyên truyền tô vẽ.
Mới đây, tôi thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 4 của đảng CSVN hôm 7/10.
Ngay khi ông nói về "Tính ưu việt của chế độ XHCN nước ta tiếp tục phát huy cao độ", về việc Việt Nam đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ ba, đã kịp thời hỗ trợ cho dân, an ninh chính trị trật tự an toàn được giữ vững, về tài lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của đảng, đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ 20 như thế nào, thì báo chí, mạng xã hội đăng đầy những hình ảnh người dân ùn ùn kéo về quê, người dân phẫn nộ vì không nhận được tiền, người dân phá hàng rào của chốt chặn để về quê, cảnh sát cơ động đánh dân, người dân đang điều trị COVID-19 nằm la liệt trong bệnh viện.
Những hình ảnh thật khác xa giữa những lời nói của ông Tổng Bí thư và thực tế.
Trạm kiểm soát số 5 đặt dưới chân đèo Hải Vân, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) đón hàng trăm người dân vào khai báo y tế lúc 17h ngày 4/10
Nhưng có phải chỉ một mình ông Tổng Bí thư "nằm mơ giữa ban ngày"? Không, đã từng có vô số những lời phát ngôn của rất nhiều quan chức, các ông nghị bà nghị Việt Nam cho thấy họ không chỉ hoang tưởng về những "thành tích" của đảng, của chế độ, mà họ còn xa rời thực tế, xa dân đến mức nào.
Như trong những ngày này, những hình ảnh những người phụ nữ có mang, trẻ nhỏ khổ sở trên đường về quê, cũng là phụ nữ nhưng chẳng ai nghe bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nói gì?
Rồi bao nhiêu hội đoàn, các đại biểu Quốc hội trên danh nghĩa là đại diện cho các cử tri ở Sài Gòn và mấy tỉnh mà người dân bỏ đi như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…họ nói gì?
Theo tôi, vì họ không bao giờ phải trải qua những gì người dân gánh chịu, không bao giờ đặt mình vào vị trí của người dân nên họ không sao hiểu nổi. Không những thế, trước bao nhiêu nỗi khổ của dân họ đã quen im lặng.
Không lường không tính trước, "vỡ" tới đâu chắp vá, sửa chữa tới đó
Còn ta thử xem có đại biểu Quốc hội đã lên tiếng thì họ nói gì.
Trên trang Zing News có đăng bài "Đại biểu Quốc hội hiến kế trước dòng người tự kéo nhau về miền Tây", trích ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội QH VN:
"Việc này nằm ngoài mọi kịch bản, dự tính của Chính phủ và các tỉnh, thành. Các tỉnh miền Tây không thể hình dung về một đợt di dân lớn như thế, và nó diễn ra quá bất ngờ nên chính Chính phủ cũng không thể lường về kịch bản như vậy", ông Phong nêu quan điểm.
Bởi lẽ đó, vị đại biểu cho rằng hầu hết địa phương ở các tỉnh Tây Nam Bộ không có chuẩn bị gì, lúng túng và rối hoàn toàn trước dòng người đổ về. Ông cũng nhận định chưa có sự phối hợp và thống nhất giữa các địa phương nên dẫn đến mỗi nơi làm một kiểu khiến nhiều người dân "mắc kẹt".
Ông Phong đã nói lên một sự thật, đó là từ trung ương đến địa phương đã không lường được và cũng không chuẩn bị cho kịch bản hàng ngàn hàng vạn người bỏ về quê. Họ không lường, không tính trước vì tầm nhìn quá ngắn, vì không có kinh nghiệm, vì không đặt mình vào hoàn cảnh của người dân?
Từ đầu đại dịch tới giờ nhà cầm quyền Việt Nam tôi thấy thực sự toàn là bị động, không tính, không lường trước như vậy. Không tính trước là dịch có thể sẽ bùng phát mạnh ở Việt Nam và nếu bùng phát mạnh thì nền y tế sẽ chịu không nổi, cho nên chậm mua vaccine, không đầu tư nâng cấp ngành y tế cũng không hạn chế những cuộc tụ tập đông người, vẫn tổ chức bầu cử, thi cử, lễ lạt.
Khi nhiều quốc gia trên thế giới đã tính toán đến chuyện "sống chung với COVID", thì riêng Việt Nam vẫn say sưa với chính sách "Zero COVID", đổ hàng đống tiền vào việc truy vết, xét nghiệm đại trà, cách ly tập trung…hết sức tốn kém mà không hiệu quả, cuối cùng mới nhận ra.
Nhiều ngành dịch vụ tiếp tục bị thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid
Khi nhiều quốc gia trên thế giới đã tính toán chống dịch nhưng phải vừa bảo đảm đời sống của người dân, không để cho dân bị thiếu đói, bị ảnh hưởng cả về tâm lý, sức khỏe tâm thần, vừa bảo đảm kinh tế không bị hoàn toàn tê liệt, các chuỗi cung ứng không bị đứt gãy v.v…thì VN chỉ hăng say với thành tích chống dịch, mà bỏ quên hai yếu tố còn lại.
Các nước dân chủ, phát triển họ phải bỏ ra bao nhiêu tiền cứu trợ cho dân để người dân yên tâm ai ở nhà đó. Tại Anh, chính phủ đi vay tiền cả nghìn tỷ bảng để trợ cấp cho dân và khi hết dịch là có ngay lực lượng lao động có thể đi làm trở lại, cũng như bỏ tiền ra hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn để không bị phá sản. Họ đã tiên liệu trước mỗi một doanh nghiệp phá sản là kéo theo bao nhiêu con người bị thất nghiệp, kinh tế bị thiệt hại. Còn Việt Nam không tính đường dài, vỡ ra tới đâu thì loay hoay sửa chữa tới đó, càng sửa càng sai và thiệt hại trước mắt cũng như về lâu dài đã rõ.
Việc hàng trăm ngàn, có khi cả triệu con người bỏ về quê và có thể nhiều người trong số đó sẽ không quay lại, khiến cho các thành phố như Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…sẽ bị thiếu lao động trầm trọng, trong khi các địa phương khác đang đau đầu không biết giải quyết công ăn việc làm cho người dân trở về ra sao.
Bao giờ thì sẽ hết những cuộc 'bỏ phiếu bằng chân'?
Sự kiện dòng người tháo chạy về quê, có những người gọi là một cuộc "bỏ phiếu bằng chân", còn gợi lên trong nhiều người những liên tưởng, so sánh đau xót trong quá khứ.
Nhớ lại, kể từ khi Đảng Cộng sản du nhập vào đất nước này, có bao nhiêu cuộc tháo chạy, "bỏ phiếu bằng chân" của người dân như một cách phản kháng không lời mà rõ ràng, quyết liệt nhất?
Chỉ nêu ra vài ví dụ.
Cuộc "bỏ phiếu bằng chân" thứ nhất là hơn một triệu người di cư từ Bắc vào Nam trong những năm 1954-1955 khi đất nước bị chia đôi.
Người Bắc di cư vào Nam năm 1954
Cuộc "bỏ phiếu bằng chân" thứ hai làm rúng động lương tâm nhân loại, là hàng trăm ngàn, hàng triệu người miền Nam bỏ đất nước ra đi vượt biển tìm tự do ngay sau ngày thống nhất chưa bao lâu, bất chấp cái chết, bất chấp bao hiểm nguy, cướp bóc, hải tặc..., thế giới từ đó biết thêm hai chữ "thuyền nhân" (boat people).
Và dòng người ra đi đó vẫn chưa hề dừng lại, trong suốt 46 năm qua, thêm nhiều lý do khác nhau, bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều thành phần dân chúng khác nhau, kể cả những người giàu có, thành đạt, kể cả con cái, gia đình họ hàng và chính bản thân một số quan chức đảng cộng sản.
Nay cuộc "bỏ phiếu bằng chân" lại diễn ra khi hàng vạn người dân tháo chạy khỏi Sài Gòn và các thành phố khác ở miền Nam để tìm đường về quê, vì chịu không nổi công cuộc "chống dịch như chống giặc" này.
Bao giờ thì hết những cuộc tháo chạy, hết những cuộc "bỏ phiếu bằng chân", thay vào đó người dân Việt có thể đàng hoàng bỏ lá phiếu chọn chính đảng đủ tư cách, năng lực lên cầm quyền, chọn những con người xứng đáng lên lãnh đạo đất nước?
Theo BBC
Comments powered by CComment