Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã bắt đầu vận hành từ ngày 6/11, chậm 6 năm so với dự kiến ban đầu.
Từ sớm, lực lượng công an được tăng cường để bảo vệ an ninh trong sân ga khi các lãnh đạo và nhà báo đi thử chuyến tàu đầu tiên trước khi mở cửa chính thức cho dân.
Nhiều người dân tranh thủ chụp ảnh cùng mô hình đoàn tàu trước giờ tàu chạy chính thức.
Trong 15 ngày đầu, hành khách được đi tàu miễn phí. Sau đó, giá vé một lượt là 8.000 đồng/chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến.
9h sáng 6/11, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vận hành thương mại, sau 10 năm xây dựng. Hàng trăm người dân có mặt tại ga, chờ đợi lên tàu.
Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao dự án đường sắt Cát Linh cho Hà Nội quản lý.
Mỗi người dân được phát một thẻ đi tàu. Trong 15 ngày đầu, hành khách được miễn phí vé và được phát sổ tay hướng dẫn đi tàu.
Giá vé dự kiến là 8.000 đồng mỗi lượt với chặng ngắn và 15.000 đồng toàn tuyến. Ngoài ra, còn có vé ngày 30.000 đồng, vé tháng 100.000- 200.000 theo đối tượng khách. Người được miễn phí đi xe buýt ở Hà Nội cũng được miễn phí đi tàu điện.
Người dân xếp hàng quẹt thẻ để vào trong khu vực sân đỗ của ga Cát Linh.
Toa xe kín chỗ ngồi, nhiều người phải đứng. Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Metro Hà Nội, cho biết sáng nay mỗi chuyến tàu có khoảng 400 đến 500 hành khách, nằm trong kế hoạch dự kiến của đơn vị. Cứ 15 phút có một chuyến tàu; tần suất chạy tàu sẽ được điều chỉnh sau 15 ngày đầu miễn phí.
Cùng đi với một người bạn đến ga Cát Linh từ 7h, ông Trần Ngọc Quỳnh ở quận Hoàng Mai, cho biết "rất phấn khởi vì chờ đợi khá lâu mới được thấy tuyến tàu điện hoạt động". Từng đi nhiều tàu điện ở châu Âu, ông Quỳnh đánh giá đoàn tàu ở Hà Nội chạy êm, các hạng mục nhà chờ, sảnh, thang máy bố trí hợp lý, thuận lợi cho hành khách.
Gia đình anh Ngọc, chị Trang vui mừng khi lần đầu đi tàu điện trên cao. "Cả nhà háo hức suốt từ hôm qua đến giờ. Bản thân tôi làm về cầu đường nên càng muốn trải nghiệm xem nó như nào", anh Ngọc nói.
Tàu đi qua đoạn Vành đai 3 trên cao đoạn đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, người dân cùng ngắm đường phố từ trên tàu.
Có 52 tuyến xe buýt dọc đường sắt này, riêng ga Cát Linh 16 tuyến buýt. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ, bố trí dịch vụ trông xe cá nhân tại các bến.
Nhân viên của nhà ga liên tục nhắc nhở người dân đi tàu phải giữ khoảng cách an toàn khi tàu ra vào các ga.
Do đây là tổ hợp đường sắt đô thị đầu tiên, Hà Nội đã lập tổ công tác đặc biệt để xử lý những tình huống cấp bách. Các quận dọc tuyến đường sắt đi qua đều có lực lượng công an ứng trực bảo vệ an ninh, an toàn.
Bạn trẻ ghi hình đoàn tàu điện, từ ban công một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Một hành khách đi thử tàu ngày mở cửa cho BBC biết có đông người đi thử tàu, nhưng không thấy có bãi đỗ xe cho hành khách ở ga Cát Linh.
Tổng thời gian tàu chạy từ bến Cát Linh đến bến Yên Nghĩa, Hà Đông là khoảng 25 phút.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km với 12 nhà ga do tổng thầu Trung Quốc thực hiện.
Việc không đảm bảo tiến độ, liên tục đội vốn đã gây ra nhiều tranh cãi của dự án này đã gây rất nhiều bức xúc.
TH( Tổng Hợp)
Comments powered by CComment