Một thước đo chính cho biết số lượng người Mỹ sống trong cảnh nghèo khó vào năm 2021 đã giảm xuống mức thấp kỉ lục một phần lớn nhờ vào các biện pháp trợ giúp của chính phủ liên bang nhằm hỗ trợ các hộ gia đình suốt đại dịch COVID-19, Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ cho biết ngày 13/9.
Tỉ lệ nghèo bổ sung (supplemental poverty rate) giảm xuống còn 7,8% trong năm 2021 từ mức 9,2% được điều chỉnh tăng lên vào năm 2020, theo một thước đo có tính đến hỗ trợ của chính phủ được cung cấp thông qua các chương trình như trợ giúp thực phẩm, tín dụng thuế và chi phiếu kích thích tiêu dùng. Đó là tỉ lệ thấp nhất kể từ khi văn phòng bắt đầu thu thập dữ liệu này vào năm 2009.
Số người sống trong nghèo khó được thống kê dưới thước đo này đã giảm gần 4,5 triệu người xuống còn 25,6 triệu người, từ hơn 30 triệu người vào năm 2020, với một tập hợp các khoản tín dụng thuế như tín dụng thuế thu nhập đạt được và tín dụng thuế trẻ em góp phần lớn đẩy tỉ lệ nghèo đi xuống. Chỉ riêng những khoản tín dụng đó đã giúp khoảng 9,6 triệu người thoát nghèo vào năm ngoái, các quan chức Cục Điều tra Dân số cho biết.
Mức giảm rõ rệt nhất ở nhóm dưới 18 tuổi, số trẻ em sống trong nghèo khó giảm xuống còn 3,8 triệu người, giảm gần 50% từ mức 7,2 triệu vào năm 2020. Tỉ lệ nghèo ở trẻ em giảm từ 9,7% xuống còn 5,2%.
Sự sụt giảm đó phần lớn là nhờ tín dụng thuế trẻ em hoàn lại được tăng cường, một biện pháp nằm trong chương trình giải cứu kinh tế American Rescue Plan của Tổng thống Joe Biden được ban hành vào tháng 3 năm 2021, theo Liana Fox, một quan chức từ bộ phận thu thập số liệu thống kê của Cục Điều tra Dân số. Nếu không có tín dụng thuế trẻ em, tỉ lệ trẻ em nghèo sẽ chỉ giảm xuống còn 9,2%.
Tuy nhiên, tỉ lệ nghèo ở những người lớn tuổi lại không giảm nhiều bằng ở trẻ em. Số người từ 65 tuổi trở lên sống trong nghèo khó năm ngoái đã tăng gần 900.000 người lên mức 6 triệu người và tỉ lệ nghèo của nhóm này tăng từ 9,5% lên 10,7%.
Với một tỉ lệ lớn hơn của nhóm dân đó sống bằng thu nhập cố định, sự gia tăng này có thể là do những nguồn thu nhập không theo kịp với lạm phát gia tăng, bà Fox nói. Trong 12 tháng đến tháng 12 năm 2021, Chỉ số Giá Tiêu dùng đã tăng 7% và mức tăng hàng năm trung bình là 4,7% trong suốt năm đó, cao nhất kể từ năm 1991.
Đối với những người gốc Việt có thu nhập thấp, các chương trình trợ giúp của chính phủ là một cứu cánh quan trọng, đặc biệt là trong suốt đại dịch COVID-19.
Trinh Pham, giám đốc chi nhánh Atlanta của BPSOS, một tổ chức phi vụ lợi chuyên cung cấp các dịch vụ xã hội cho người Mỹ gốc Việt, cho biết số người tìm đến BPSOS nhờ hỗ trợ có gia tăng trong năm qua, đa phần là những người xin trợ cấp thất nghiệp.
Bà dẫn ra trường hợp một gia đình ba người đến Mỹ định cư trong những năm gần đây. Họ gặp nhiều khó khăn vì nguồn thu nhập eo hẹp và một thành viên bị thiểu năng, nhưng nhờ những trợ cấp trong đại dịch mà cuộc sống của họ “dễ thở hơn một chút.”
“Họ rất là mừng. Lo được cái Medicaid cho [người con mắc bệnh], rồi có thêm một ít thu nhập để họ có thể tự trang trải mướn một cái nhà riêng biệt để ở,” bà nói.
“Mình không thể tưởng tượng là số tiền một ngàn mấy đô la một tháng cho ba người, vừa tiền nhà, tiền ăn, tiền ở, tiền xe thì họ cũng vẫn là khó khăn, nhưng mà gói ghém vẫn đỡ hơn là một ngàn mấy thu nhập từ đi làm.”
Tỉ lệ nghèo chính thức của Mỹ, không tính các khoản hỗ trợ kích thích chi tiêu hoặc một số chương trình khác của chính phủ, không thay đổi bao nhiêu, tăng lên mức 11,6% vào năm 2021 từ mức 11,5% đã được sửa đổi tăng lên vào năm 2020. Theo tỉ lệ này, khoảng 37,9 triệu người sống trong nghèo khó vào năm ngoái, nhiều hơn 385.000 người so với năm 2020.
Cục Điều tra Dân số cho biết thu nhập trung bình của hộ gia đình năm ngoái ít thay đổi ở mức 70.800 đô la.
Theo VOA
Comments powered by CComment