Group News: Tin copy

Một cựu binh Anh, người đã trở thành kẻ vận chuyển người lậu, tiết lộ với cách mình dùng du thuyền để vận chuyển hàng chục người di cư Việt Nam tới các bến du thuyền tư nhân tại các thị trấn ven biển trên khắp miền đông nam nước Anh.

ảnh

Người đàn ông này đã bị kết án và ngồi tù vào năm 2019, nhưng chúng tôi có thông tin rằng những kẻ vận chuyển người trái phép vẫn đang sử dụng những tuyến đường và phương pháp tương tự.

Lực lượng Biên phòng Anh (BF) mô tả điều này là "một rủi ro vô cùng đáng lo ngại".

Các bến du thuyên tư nhân "có an ninh không hơn gì một khu cắm trại cho xe kéo", một người quản lý cảng ở bờ biển Essex nói với chúng tôi. Một người nói: "Không có điều gì ngăn chuyện [vận chuyển người lậu] này xảy ra cả".

Người cựu binh chuyển thành kẻ chuyển lậu người nói trên — chúng tôi gọi là Nick — cũng đã kể về cách ông ấy dùng ô tô đưa người Albania lên phà. Những người này sau đó đã chuyển sang các xe tải đang đậu trên boong chở xe khi phà vượt eo biển Manche.

 

Những tuyến đường vận chuyển người lậu – dù là bằng du thuyền hay phà – đều "dễ dàng" và "ít rủi ro", Nick nói với chúng tôi.

Ông cho biết lý do quyết định lên tiếng vào thời điểm này là vì ông "tức giận" với việc mình bị phạt tù vì một tội mà đến giờ "vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được".

Ông khẳng định mình biết những người, trong năm vừa qua, sử dụng chính các tuyến đường và phương thức như ông từng làm.

Theo Nick, việc kết án ông là "vô nghĩa" nếu giới chức không siết chặt an ninh để ngăn chặn những kẻ vận chuyển lậu người khác.

Ông Charlie Eastaugh, giám đốc lực lượng hàng hải thuộc Lực lượng Biên phòng Anh, nói với BBC rằng việc bảo vệ hơn 11.000 dặm đường bờ biển của Anh là trách nhiệm của Lực lượng Biên phòng Anh, nhưng an ninh tại các bến cảng và bến du thuyền lại do các đơn vị tư nhân quản lý.

"Chúng tôi tuần tra 24/7, thực hiện cả những chiến dịch chủ động và phản ứng," ông cho biết – viện dẫn vụ một du thuyền sang trọng giấu 20 người Albania dưới khoang bị chặn lại khi đang trên đường tới thị trấn Newquay, hạt Cornwall vào tháng trước.

Câu chuyện của Nick là một ví dụ đặc biệt đáng chú ý về cách một công dân Anh dính dáng tới hoạt động vận chuyển người lậu xuyên quốc gia.

"Những câu chuyện và lời thú nhận của ông ấy cho thấy một nguy cơ đáng lo ngại đối với nước Anh về tình trạng chuyển người lậu và di cư bất hợp pháp qua đường biển," ông Charlie Eastaugh nhận định.

"Chúng tôi sẽ xem xét kỹ những yếu điểm mà ông ấy [Nick] đã chỉ ra," ông nói thêm.

Không giống nhiều người vượt eo biển Manche bằng xuồng nhỏ – vốn muốn tìm cách xin tị nạn – đa số những người do Nick vận chuyển không muốn bị cơ quan chức năng phát hiện.

Một khi đã đặt chân đến Anh, họ muốn biến mất không dấu vết trong nền kinh tế chợ đen ở đây. Nick kể ông nghe nói những người Việt này sẽ tới làm việc trong các trang trại trồng cần sa.

Việc chính Nick cũng đi cùng – đích thân lái du thuyền – cũng là điều lạ.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009, khi một người bạn Albania mà Nick quen ở công trường rủ ông tham gia – nói rằng làn da trắng và hộ chiếu Anh sẽ giúp Nick dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng ở biên giới.

Người bạn đó – chúng tôi gọi là Matt – hứa trả Nick 3.500 bảng Anh (khoảng 123 triệu VND) cho mỗi người nhập cư được đưa trót lọt vào Anh.

Khi đó, Nick đang là thợ xây tự do, nhưng tình hình kinh doanh đã sa sút nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 2000, khiến ông rơi vào cảnh túng quẫn.

Nick kể rằng vợ ông lúc ấy cũng sắp sinh con và ông sẵn sàng làm mọi thứ để chu cấp cho gia đình.,.

Matt có cuộc nói chuyện ngắn gọn với BBC và xác nhận những chi tiết trong câu chuyện của Nick. Chúng tôi đã không tiếp tục phỏng vấn Matt vì ông ấy đòi thù lao.

Thời gian đầu, Nick đón những người nhập cư trái phép đang trốn ở các khu vực gần bến phà bên phía Pháp, rồi giấu họ trong cốp xe.

Theo lời Nick, thường những người này là đàn ông Albania, không có giấy phép làm việc ở Anh.

Nhiều người đã vượt eo biển Manche ba, bốn lần rồi sau đó bị trục xuất ra khỏi Anh.

Tuy nhiên, một số hành khách khác – ví dụ như những người tới từ Sri Lanka – lại có ý định xin tị nạn, Nick kể.

Khi lên phà, Nick sẽ chọn sử dụng một chiếc xe tải mà đồng bọn chờ sẵn bên kia bờ có thể dễ dàng nhận diện. Nick sẽ gửi cho họ một bức ảnh và thông báo biển số xe.

Khi đó chỉ cần bảo người di cư leo lên nóc xe tải, ông giải thích.

"Đưa cho họ một con dao… chỉ cần rạch một bên hình chữ V, rồi chui vào là xong."

Những tuyến đường vận chuyển người lậu – dù là bằng du thuyền hay phà – đều "dễ dàng" và "ít rủi ro", Nick nói

Những tuyến đường vận chuyển người lậu – dù là bằng du thuyền hay phà – đều "dễ dàng" và "ít rủi ro", theo Nick

Khi chiếc xe tải này cập bến, thành viên trong đường dây chuyển lậu đang chờ sẵn sẽ bám theo, rồi đón người di cư khi xe tải dừng lại ở một điểm nào đó.

Tài xế xe tải hoàn toàn không biết gì và cũng không liên quan đến vụ việc, Nick khẳng định.

"Tôi đang nói cho các bạn biết rằng việc đó dễ dàng đến mức nào," Nick nói với chúng tôi – nhấn mạnh rằng lẽ ra ông sẽ không bao giờ bị bắt, nếu không vì một người bạn mà ông dẫn theo trong một chuyến đi, có những cử chỉ khả nghi khiến giới chức Pháp chú ý. Kết quả là Nick bị giam 5 tháng trong một nhà tù ở Pháp.

Matt cũng đã bị bắt và lãnh án 7 năm tù ở Anh.

Matt "xộ khám" sau vụ một người di cư nhảy khỏi xe tải đang chạy với tốc độ cao để khỏi phải trả tiền cho đường dây, và bị đứt lìa một bàn chân.

Năm 2017, Nick gặp lại Matt (được thả tự do sớm). Cả hai tiếp tục tổ chức đưa người vượt biên qua eo biển Manche.

Lần này, theo lời Nick, ông đứng ra điều phối một kế hoạch dùng du thuyền đưa người Việt từ Pháp tới bến du thuyền Ramsgate (Anh).

Nick kể rằng một đầu mối của Matt - một phụ nữ gốc Việt mà chúng tôi gọi là Lin - đã dàn xếp sự vụ này.

Bà ấy đã sống ở Anh hơn 10 năm và từng ngồi tù vì trồng cần sa và rửa tiền thu được từ việc buôn bán ma túy.

Nick nói Lin đã trả cho ông và Matt 12.000 bảng Anh (khoảng 420 triệu VND) cho mỗi người di cư được đưa trót lọt.

'Mọi người sẽ ghét tôi'

Nick, từng có tuổi thơ lênh đênh trên eo biển Manche cùng cha, nói với chúng tôi rằng ông biết bến du thuyền Ramsgate là một nơi rộng lớn, an ninh lỏng lẻo và "chẳng ai để mắt tới".

Nick giải thích rằng việc mình là thành viên có đăng ký tại bến nên không có lý do gì để người khác nghi ngờ.

Không chỉ vậy, theo Nick, đây còn là nơi thuận tiện để theo dõi hoạt động của Lực lượng Biên phòng Anh vì một đội tàu của họ cũng đóng tại đây.

"Sẽ có người ghét tôi vì chắc chắn giờ vẫn có hoạt động chuyển người lậu diễn ra," Nick nói, khẳng định rằng các bến du thuyền tư nhân ở các thị trấn ven biển Anh vẫn là những điểm nóng.

"Khi câu chuyện này được công bố, chắc chắn sẽ có rắc rối."

Tàu của Lực lượng Biên phòng tại Ramsgate, ảnh chụp vào tháng 5/2025

Tàu của Lực lượng Biên phòng tại Ramsgate, ảnh chụp vào tháng 5/2025

Hai người quản lý cảng, trả lời BBC với điều kiện ẩn danh, đồng tình với nhận định của Nick rằng các bến du thuyền tư nhân là mục tiêu dễ dàng cho các đường dây chuyển người lậu vì không có lực lượng túc trực 24/7.

Một người ở Essex so sánh mức độ an ninh ở các bến này chẳng khác gì khu cắm trại và cho biết việc giấu người trong một con thuyền là điều "dễ".

"Trong mùa cao điểm, khi bến cảng tấp nập người ra vào, việc đó lại càng dễ," người này nói.

Tại hạt Kent, Hội đồng Quận Thanet – cơ quan quản lý bến du thuyền Ramsgate – cho biết Lực lượng Biên phòng Anh, chứ không phải các cảng riêng lẻ, mới là "tuyến đầu trong xử lý các vụ nhập cư trái phép và hoạt động phạm pháp".

"Nhân viên tại cảng và bến luôn cảnh giác, và sẽ báo cáo bất kỳ mối nghi ngờ hay dấu hiệu bất thường nào để Lực lượng Biên phòng điều tra," một người phát ngôn cho biết.

ảnh minh họa tuyến đường

Theo ông Charlie Eastaugh, đại diện Lực lượng Biên phòng Anh, với hàng trăm cảng và bến du thuyền rải rác khắp Vương quốc Anh, việc bố trí lực lượng thường trực tại tất cả các điểm này là điều không khả thi.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Lực lượng Biên phòng vẫn nhận được "những nguồn tin rất hữu ích" từ cộng đồng hàng hải, và luôn nỗ lực đưa ra phản ứng kịp thời.

"Chúng tôi cần khả năng ứng phó với tình báo, để có thể phân bổ nguồn lực một cách hợp lý trên toàn lãnh thổ Vương quốc Anh."

Chúng tôi cũng đã phỏng vấn ông Tony Smith, cựu lãnh đạo Lực lượng Biên phòng.

Ông cho biết "phần lớn nguồn lực" hiện tại của lực lượng này đang được điều động tới Bộ Chỉ huy Đặc trách Tàu nhỏ (SBOC) – đơn vị chuyên xử lý các tuyến đường có số lượng lớn người di cư chen chúc trên những chiếc thuyền nhỏ vượt biển.

"Ưu tiên của tôi chắc chắn là có thể triển khai lực lượng rộng khắp hơn, để theo dõi toàn bộ đường bờ biển Anh nhằm phát hiện các mối đe dọa," ông nói và cho biết những thông tin mà BBC thu thập từ Nick sẽ là "một nguồn tình báo thực sự hữu ích."

Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 12.500 người vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ. Năm 2024 là thời điểm ghi nhận số người thiệt mạng cao kỷ lục khi thực hiện hành trình nguy hiểm này.

Tuy nhiên, các vụ vượt biển bằng thuyền nhỏ rất khác với "dịch vụ" của Nick.

Phần lớn những người vượt biển bằng thuyền nhỏ muốn được Lực lượng Biên phòng phát hiện và cứu trợ để rồi sau đó nộp đơn xin tị nạn ở Anh.

Các tay chuyển người lậu thường không có mặt trên các thuyền đó. Thay vào đó, chính những người di cư mà được giảm phí vận chuyển sẽ điều khiển tàu.

Khó có thể thống kê chính xác số lượng người nhập cư bất hợp pháp theo mô hình của Nick, vì không có con số chính thức cho lượng người vào Anh bất hợp pháp qua các cảng nhỏ, bến du thuyền hay bến tàu.

Những người di cư lội xuống nước để lên thuyền của một kẻ vận chuyển lậu trên bãi biển Gravelines, gần Dunkirk, để vượt eo biển Manche - ảnh chụp vào tháng 4/2024

,Những người di cư lội xuống nước để lên thuyền của một kẻ vận chuyển lậu người để vượt eo biển Manche - ảnh chụp vào tháng 4/2024 tại bãi biển Gravelines, gần Dunkirk

Nick kể rằng ông luôn tính toán kỹ càng về điều kiện thời tiết và thủy triều trước mỗi chuyến đi sang Pháp – thường xuất phát vào ban đêm từ hạt Kent.

Tại Pháp, ông cập bến tại những địa điểm kín đáo như các câu lạc bộ du thuyền hay những địa điểm kín đáo khác gần thành phố Dunkirk (Pháp) để đón nhóm người Việt được đưa tới từ một "nhà trú ẩn" ở Paris.

Nick kể mình thường chở bốn người mỗi chuyến.

Ông nói mình sẽ quay lại Ramsgate vào rạng sáng, trước khi mặt trời ló hẳn. Những người di cư được giấu kín trong khoang tàu cho đến tối hôm sau, khi một thành viên trong đường dây đến đón họ trong bóng tối.

Dù vậy, Nick nhớ rằng đôi lúc ông vẫn phải tìm cách để tránh bị lộ.

Có một khoảng thời gian, ông buộc phải đổi sang một bến du thuyền khác, vì một nhân viên cảng nghi ngờ sau khi thấy "người nước ngoài" quanh con thuyền của ông.

"Người nước ngoài" đó chính là một số người Việt.

Nick kể rằng mình sẽ đi thuyền từ Ramsgate đến Pháp và quay trở lại khi trời tối

Nick kể rằng mình sẽ đi thuyền từ Ramsgate đến Pháp và quay trở lại khi trời tối

Dù vậy, Nick vẫn che giấu được hoạt động này trong gần 18 tháng, trước khi bị bắt.

Một đơn vị cảnh sát chuyên điều tra tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức đã theo dõi Nick và Matt trong nhiều tháng.

Vào cuối mùa hè năm 2018, các sĩ quan phát hiện Nick điều khiển thuyền chở bốn người đàn ông Việt Nam. Ông bị truy tố với tội danh "âm mưu tổ chức nhập cư bất hợp pháp vào Vương quốc Anh" và sau đó lĩnh án tám năm tù.

Lin – người phụ nữ gốc Việt trả tiền cho Nick – cũng bị tuyên án tám năm tù. Cả hai đều phủ nhận cáo buộc, trong khi Matt, người Albania, nhận tội và được tuyên án nhẹ hơn: 5 năm 4 tháng.

"Tôi hối hận nhiều điều, nhưng tôi không chắc mọi chuyện sẽ khác đi," Nick nói khi nhớ lại quãng thời gian ông tham gia đường dây vận chuyển người lậu.

"Tôi nghĩ bản thân mình ngay từ đầu đã đi trên con đường tự hủy hoại rồi."

Gần đây, Nick bị đưa trở lại nhà tù vì vi phạm điều kiện phóng thích. Trong khi đó, cả Matt và Lin đều đã ra tù và hiện sống tại Anh.

theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.