Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vừa được Bộ Chính trị phân công đảm nhận nhiệm vụ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi lãnh đạo này đang phải “tập trung điều trị tích cực”, cơ quan đứng đầu đảng Cộng sản ra thông báo hôm 18/7 nhưng không cho biết cụ thể tình hình sức khoẻ của người đứng đầu trong nhóm “tứ trụ” nghiêm trọng đến mức nào.
“Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung huy động đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia đầu ngành và những điều kiện thuận lợi nhất để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Tổng Bí thư”, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn thông báo của Bộ Chính trị nói.
Sức khỏe của ông Trọng là chủ đề được đồn đoán trong nhiều năm qua khi ông đã không thể thực hiện chuyến đi thăm Mỹ vào năm ngoái. Trong khi đó, ông Lâm từ lâu đã được nhiều người coi là ứng cử viên hàng đầu để thay thế ông Trọng khi nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tiền lệ đứng đầu Đảng Cộng sản của ông kết thúc vào năm 2026.
Người đốt lò
Tổng bí thư Trọng, 80 tuổi, một nhà tư tưởng Mác-Lênin, được biết đến nhiều nhất trong vai trò đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng kể từ năm 2017, mà nhiều người coi là cuộc đàn áp tham nhũng kiểu Trung Quốc được ví von là “chiến dịch đốt lò”.
Ông Trọng đã giữ chức vụ tổng bí thư từ năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2026. Với việc giữ chức vụ tổng bí thư được 13 năm, ông Trọng là người có thời gian tại vị lâu nhất kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Việc Bộ Chính trị ra thông báo chính thức về sức khoẻ của tổng bí thư là một động thái bất thường khi Bộ này đã không làm như vậy trong những lần trước đó khi có những thông tin đồn đoán liên quan đến tình trạng sức khoẻ của ông Trọng.
Cũng trong ngày 18/7, Bộ Chính trị cũng ra quyết định trao Huân chương Sao Vàng tặng ông Trọng và ông Lâm ngay sau đó đã ký quyết định tặng thưởng huân chương này cho ông Trọng vì “đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc”, TTXVN đưa tin.
Huân chương Sao Vàng được cho biết là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dành để tặng cho các cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Việc ra thông báo cùng với quyết định tặng thưởng huân chương dành cho ông Trọng đột ngột diễn trong cùng một ngày của Bộ Chính trị khiến nhiều người tin rằng tình hình sức khoẻ của nhà lành đạo này đang ở mức độ rất nghiêm trọng.
Thông tin sức khỏe của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản đã được đưa vào danh mục bí mật nhà nước ở Việt Nam.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, hình ảnh của ông Trọng do hãng thông tấn Nga chụp cho thấy vóc dáng bị phù nề của ông, được cho là có thể do tác dụng phụ của thuốc, theo Nikkei Asia. Trong khi đó, hình ảnh này không xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.
Những hình ảnh của ông tại các sự kiện công cộng trong những tháng gần đây cho thấy rõ sức khoẻ yếu kém của ông, và ông cũng đã bỏ lỡ một số cuộc họp cấp cao theo lịch trình.
Người kế nhiệm
Những người được cho là có khả năng để kế nhiệm ông Trọng trong nhóm “tứ trụ” hiện nay chỉ có ông Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, là những người hội đủ điều kiện hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm trong Bộ Chính trị để được đề cử vào vị trí này.
“Nhìn vào tình hình hiện tại, ông Lâm có cơ hội cao nhất để trở thành quyền bí thư đảng cho đến năm 2026”, chuyên gia Nguyễn Khắc Giang của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, đưa ra nhận định với Reuters.
Ông Lâm, từng là bộ trưởng Công an, người được phân công tạm thời đảm nhận công việc của ông Trọng, nếu chính thức được bổ nhiệm giữ “quyền Bí thư” thì cần phải có quyết định mới từ Bộ Chính trị.
Ông Lâm đã được bầu làm chủ tịch nước vào tháng 5 sau khi một loạt lãnh đạo cấp cao của Việt Nam từ chức vì bị cáo buộc có những hành vi sai trái nhưng không được nêu rõ.
Được xem là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc trấn áp, chống tham nhũng, ông Lâm sau khi đắc cử đã hứa sẽ “kiên quyết và kiên trì tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng”, bất chấp tác động tiêu cực của nó đối với đầu tư công.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học News South Wales, nói với Bloomberg rằng diễn biến mới nhất của chính trường Việt Nam đặt ông Lâm vào một vị trí vững chắc để trở thành người đứng đầu Đảng tiếp theo. Tuy nhiên, theo vị giáo sư chuyên có những phân tích về chính trường Việt Nam, điều này không được đảm bảo.
“Ông Lâm sẽ đảm nhận vai trò tạm thời,” GS Thayer nói với Bloomberg.
Trong khi nhận định rằng việc ông Trọng để cho ông Lâm tạm nắm quyền vì vấn đề sức khỏe là “chưa từng có tiền lệ”, GS Thayer cho rằng “họ đang đi theo kịch bản được ghi trong các quy định và nội quy đảng.”
Sau khi thông báo về tình hình sức khoẻ của ông Trọng được đưa ra hôm 18/7, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng 0,5%, theo Reuters.
Hãng thông tấn Anh dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây ở Hà Nội nói ông thấy quyền lực tăng lên của ông Lâm là điều tốt cho sự ổn định. Tuy nhiên, nhà ngoại giao giấu tên này nói thêm: “Chúng ta sẽ cần xem liệu điều này có tác động đến các chính sách kinh tế, đối ngoại và đối nội hay không và theo hướng nào”.
Trong tuyên bố hôm 18/7, cơ quan quyền lực nhất của Đảng Cộng sản kêu gọi quân đội và nhân dân “tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng”.
Mặc dù Việt Nam không chính thức có người nắm quyền tối cao nhưng chức tổng bí thư luôn được xem là vị trí quyền lực nhất tại quốc gia độc đảng.
Theo VOA
Comments powered by CComment