Group News: Tin copy

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ, ai sẽ kế nhiệm? Nhiều chú ý đang đổ dồn vào Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ông Trọng và ông Tô Lâm

 

Giáo sư Alexander L Vuving tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ) ngày thứ Sáu 19/7 đánh giá rằng ông Tô Lâm "đang đứng trước cơ hội lớn nhất" để kế nhiệm ông Trọng.

David Hutt, nhà nghiên cứu từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á (CEIAS), ngày 19/7 có chung nhận định.

"Ông Tô Lâm dường như là một sự thay thế. Ông Phạm Minh Chính không thể vừa làm thủ tướng vừa làm tổng bí thư được. Vì vậy, ông Tô Lâm sẽ có thêm 16 tháng tới để giành lợi thế trước Đại hội Đảng lần thứ 14.

Nhưng từ giờ tới đó nhiều diễn biến có thể xảy ra và ai cũng có quân bài tủ, điều này còn phụ thuộc vào việc ông Tô Lâm có thể giữ đủ đồng minh hay không. Tôi cũng muốn nhắc lại là đã từng có suy nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thua ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc tranh đua quyền lực vào năm 2016," nhà nghiên cứu David Hutt nói với BBC.

Chủ tịch nước kiêm nhiệm tổng bí thư?

Ông Tô Lâm và ông Putin

Chủ tịch nước Tô Lâm (thứ hai từ trái) trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội vào ngày 20/6/2024

Vào ngày 18/7, khi ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.

Chủ trì các công việc của Đảng vốn là quyền hạn của tổng bí thư.

Giáo sư Zachary Abuza từ Trường National War College, thuộc Đại học National Defense (Mỹ), nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng thông báo ngày 18/7 là một cách nói nhằm xác nhận hoặc hợp thức hóa việc ông Tô Lâm giữ các chức năng của tổng bí thư trong thời gian còn lại trước Đại hội 14 vào tháng 1/2026.

Trên thực tế thì ông Tô Lâm sẽ đóng vai trò như quyền tổng bí thư trong thời gian còn lại của khóa 13, hướng tới Đại hội 14.

"Việc Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng giúp củng cố sức mạnh của ông Tô Lâm, thế nên ông ta đang ở một vị trí rất mạnh để kế nhiệm ông Trọng trong lâu dài. Trong khoảng thời gian từ nay đến Đại hội 14, có thể thấy ông Tô Lâm sẽ vừa đảm đương chức vụ tổng bí thư vừa kiêm chủ tịch nước. Điều này trao cho ông ta quyền lực rất to lớn."

"Tôi nghĩ thông báo của Bộ Chính trị gần như cho thấy có sự đồng thuận về việc ông Tô Lâm sẽ chính thức trở thành tổng bí thư vào Đại hội 14 và họ chỉ đang đẩy nhanh quy trình này trong thời kỳ xảy ra bất ổn chính trị chưa từng có. Khi mà ông Tô Lâm đang tìm kiếm quyền lực, ta có thể thấy 44% ủy viên Bộ Chính trị được bầu vào tháng 1/2021 đã bị loại."

Thách thức nào cho ông Tô Lâm?

Ông Phạm Minh Chính

Theo Quy định 214 năm 2020 của Bộ Chính trị, ở thời điểm hiện tại, chỉ có Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đủ tiêu chuẩn để đảm đương chức tổng bí thư

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai người đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị và đang trong nhiệm kỳ thứ hai.

Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, tính ở thời điểm hiện tại, chỉ có Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đủ tiêu chuẩn để đảm đương chức tổng bí thư do đã làm ít nhất là trọn một nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị.

Trong một bài viết ngày 19/7 trên trang Asia Sentinel, ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, viết:

"Hiện chỉ còn một người có khả năng ngáng đường ông Tô Lâm trở thành tổng bí thư, đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính."

"Cả ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính đều có thời gian công tác đáng kể trong Bộ Công an, nhưng điều này không khiến họ trở thành đồng minh. Ông Phạm Minh Chính đã rời Bộ Công an để làm bí thư tỉnh Quảng Ninh và sau đó giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng chính phủ vào tháng 5/2021.

Trong khi đó, ông Tô Lâm là thứ trưởng Bộ Công an từ năm 2010 đến năm 2016, rồi làm bộ trưởng cho tới khi được bầu làm chủ tịch nước vào tháng 5/2024."

Tới thời điểm Đại hội 14, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị, tức thõa mãn Quy định 214 cho chức danh tổng bí thư.

Theo thông lệ, tổng bí thư là người đã hoàn thành một nhiệm kỳ trong "Tứ Trụ" hoặc thường trực Ban Bí thư. Tới thời điểm Đại hội 14, chỉ có ông Phạm Minh Chính đáp ứng tiêu chí này (ông Tô Lâm mới vào "Tứ Trụ" giữa kỳ). Nhưng có lẽ trong bối cảnh thiếu người như hiện nay, các thông lệ có thể được bỏ qua.

Quy định 214 còn nêu "trường hợp đặc biệt" cho chức danh tổng bí thư, có thể hiểu là dành cho các ứng viên thiếu một (hoặc một số) tiêu chuẩn theo quy định. Trường hợp này sẽ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định. Khi vấn đề đưa ra Ban Chấp hành Trung ương, nghĩa là cần có sự đồng thuận của khoảng 180 ủy viên Trung ương Đảng. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi ứng viên phải có uy tín để nhận được sự tín nhiệm của số đông.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Điều 26 Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 quy định quy trình bầu tổng bí thư như sau (trích nguyên văn):

  • Phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Tổng Bí thư khóa trước (tái cử hoặc không tái cử) làm triệu tập viên khai mạc và chủ trì cho đến khi bầu xong Đoàn Chủ tịch hội nghị. Đoàn chủ tịch báo cáo về yêu cầu, tiêu chuẩn Tổng Bí thư và dự kiến nhân sự Tổng Bí thư được Ban Chấp hành Trung ương khóa trước giới thiệu, ý kiến giới thiệu của Bộ Chính trị khóa mới, kết quả giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư của Đại hội để hội nghị tham khảo.
  • Họp tổ để thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử.
  • Đoàn Chủ tịch tổng hợp danh sách những người tự ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo hội nghị xem xét, quyết định.
  • Lấy phiếu xin ý kiến của hội nghị đối với những người ứng cử, được đề cử tại hội nghị (nếu cần).
  • Lập danh sách bầu cử, hội nghị biểu quyết thông qua số lượng và danh sách bầu cử.
  • Bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả bầu cử.

Vào ngày 18/7, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, nhận định với BBC News Tiếng Việt về diễn biến sắp tới:

"Tổng bí thư, hoặc người đang giữ quyền tổng bí thư, phải đề cử người kế nhiệm. Tình hình hiện tại không rõ ràng."

Giáo sư Carl Thayer đánh giá ông Tô Lâm sẽ phải "học nhiều" để có kinh nghiệm nếu muốn trở thành tổng bí thư.

"Ở Úc, chúng tôi có câu nói rằng ông ấy phải gắn biển số 'xe tập lái' để cảnh báo mọi người rằng đây là một công việc mới và hãy tránh xa ông ấy. Ở vị trí bộ trưởng (Công an), ông Tô Lâm có quyền lực trực tiếp. Ông không cần phải kêu gọi sự đồng thuận. Ông Nguyễn Phú Trọng từng giữ chức chủ tịch Quốc hội và từng phải thông qua luật với 500 đại biểu Quốc hội (tức phải tìm sự đồng thuận).

"Còn ông Tô Lâm, đây là nhiệm kì thứ ba của ông ấy trong Trung ương Đảng và nhiệm kỳ thứ hai trong Bộ Chính trị. Ông ấy sẽ là một phần của quy tắc hoạt động của Bộ Chính trị, một thuật ngữ khoa học chính trị về xây dựng sự đồng thuận và lãnh đạo tập thể. Và đó sẽ là mảnh đất mới đối với ông Tô Lâm.

Đó là công tác xây dựng sự đồng thuận mà ông ấy phải học hỏi, bởi vì hồi còn làm bộ trưởng Công an, ông ấy chỉ việc ban mệnh lệnh xuống.

Nhưng bây giờ ông Tô Lâm phải hoạt động như một phần của một tập thể. Ông ấy đã và đang ở trong tập thể đó, nhưng (trước khi làm chủ tịch nước thì) chưa từng ở trong “Tứ Trụ”. Vì vậy, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm cho ông Tô Lâm trong thời gian hơn một năm tới."

Ông Nguyễn Phú Trọng

Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời hồi tháng 9/2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm hai chức vụ là tổng bí thư và chủ tịch nước cho đến Đại hội 13 hồi đầu năm 2021.

Nhận định về khả năng ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm hai chức vụ này sau Đại hội 14, Giáo sư Zachary Abuza cho biết đây cũng là một khả năng.

"Tôi nghĩ ông Tô Lâm rất thích trường hợp của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình vừa là tổng bí thư, vừa làm chủ tịch nước, đại diện hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế và tôi cho rằng Tô Lâm sẽ làm điều tương tự. Ông Tô Lâm dường như yêu thích các chuyến công du quốc tế. Ông mới đi Campuchia, Lào và được cho sẽ đi Trung Quốc trong thời gian tới."

Giáo sư Zachary Abuza cho rằng nếu là tổng bí thư, ông Tô Lâm sẽ là một lãnh đạo "mang tính thực dụng" hơn ông Trọng vì với xuất thân trong ngành công an, ông không phải là một nhà tư tưởng cộng sản và sẽ nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam để duy trì "tính chính danh" của Đảng Cộng sản trong người dân.

Về phần mình, Giáo sư Alexander L Vuving có chung quan điểm khi cho rằng ông Tô Lâm là người theo chủ nghĩa thực dụng:

"Ông Nguyễn Phú Trọng là một người đi dây lão luyện nhưng cũng là một nhà tư tưởng cộng sản. Ông ấy kiên định đối với một số nguyên tắc mà bản thân đã tôn thờ. Không giống ông Trọng, ông Tô Lâm là một người theo chủ nghĩa thực dụng. Ông Tô Lâm sẽ tiếp tục 'chiến dịch đốt lò' nếu điều đó trao cho ông ấy một công cụ chính trị uy quyền hơn. Ông Tô Lâm sẽ tiếp tục 'ngoại giao cây tre' cho đến khi nào bối cảnh quốc tế mang đến lý do thuyết phục khiến ông thay đổi cách tiếp cận đó."

"Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình. Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này," ông nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày thứ Bảy 20/7.

 

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.