Với việc ông Tô Lâm làm tổng bí thư, hàng loạt câu hỏi được đặt ra về bức tranh chính trị sắp tới của Việt Nam, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng và chính sách ngoại giao.
Việc ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư “không phải là điều bất ngờ”, theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer
Đánh giá với BBC News Tiếng Việt ngày 3/8, Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm tại Đại học New South Wales (Úc), cho rằng việc ông Tô Lâm nhậm chức tổng bí thư “không phải là điều bất ngờ”.
Theo ông Thayer, sẽ không có thay đổi gì lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam trong thời gian từ bây giờ cho tới Đại hội 14, diễn ra vào tháng 1/2016.
“Ông Tô Lâm sẽ hoàn toàn tập trung vào việc giám sát các công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026.
“Với vai trò là trưởng Tiểu ban Nhân sự chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt các ứng cử viên cho Ban Chấp hành Trung ương mới, ông Tô Lâm sẽ đặc biệt cảnh giác để loại bỏ những ứng cử viên liên quan đến tham nhũng hoặc không đạt tiêu chuẩn của đảng,” Giáo sư Thayer nhận định.
Khi Đại hội 14 diễn ra, ông Tô Lâm sẽ hơn 68 tuổi. Chiếu theo quy định hiện nay về độ tuổi tái cử vào Bộ Chính trị, thì ông Tô Lâm sẽ quá tuổi.
“Nếu ông Tô Lâm muốn tiếp tục tại nhiệm, ông sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65, có thể viện dẫn việc ông có quá trình công tác xuất sắc,” ông Thayer nói.
Điều này có nghĩa là “trường hợp đặc biệt” sẽ được áp dụng cho ông Tô Lâm, tương tự ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.
Tiếp tục chống tham nhũng
Tại buổi họp báo sau khi nhậm chức, ông Tô Lâm khẳng định sắp tới công cuộc chống tham nhũng sẽ được tiếp tục, với phương châm, giải pháp như thời gian qua.
Theo lời ông Tô Lâm, chống tham nhũng vẫn sẽ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, như những gì ông Nguyễn Phú Trọng từng nói nhiều lần.
“Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng,” ông Tô Lâm phát biểu.
Tuy nhiên, cách thức chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây từng được đánh giá là đã thất bại, do không giải quyết được các nguyên nhân xuất phát từ đặc thù của hệ thống.
Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 22/7, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng đã hoàn toàn thất bại.
"Không giải quyết triệt để những vấn đề nội tại trong hệ thống thì không giải quyết được tham nhũng. Các vấn đề đó bao gồm thiếu tự do ngôn luận, tự do báo chí, xã hội dân sự, thiếu một nhà nước pháp quyền với một hệ thống tư pháp độc lập, không có một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực,” ông Quang A phân tích.
Giờ đây, với phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”, có khả năng là ông Tô Lâm vẫn sẽ giữ phương pháp chống tham nhũng cũ.
Bình luận với BBC ngày 28/7, Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) từng cho rằng chiến dịch “đốt lò” được ông Tô Lâm sử dụng để gia tăng quyền lực và cơ hội kế nhiệm chức vụ tổng bí thư.
“Với sức mạnh to lớn của Bộ Công an, ông ấy bắt đầu điều tra các đối thủ, dưới danh nghĩa chống tham nhũng và âm thầm xây dựng hồ sơ chống lại các đối thủ trong Bộ Chính trị.”
Ngày 21/7, Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng ông ông Tô Lâm sẽ tiếp tục “chiến dịch đốt lò” nếu điều đó trao cho ông ấy một công cụ chính trị uy quyền hơn, và cũng sẽ tiếp tục “nền ngoại giao cây tre” cho đến khi nào bối cảnh quốc tế mang đến lý do thuyết phục khiến ông thay đổi cách tiếp cận đó.
“Phát triển kinh tế là một trong những ưu tiên của ông Tô Lâm nhưng chỉ đóng vai trò phụ trợ trong nhu cầu củng cố quyền lực của mình. Giới đầu tư có thể đặt cược vào giới lãnh đạo coi lĩnh vực doanh nghiệp là ưu tiên, nhưng họ nên biết ai mới nắm thực quyền trong quốc gia này,” ông nói thêm.
‘Thiếu kinh nghiệm ngoại giao’
Ngay sau khi hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương kết thúc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đã chủ trì họp báo trong nước, quốc tế.
Tại đây, trong bài phát biểu, ông Tô Lâm có nhắc tới chính sách ngoại giao của Việt Nam.
Về chính sách ngoại giao, ông Tô Lâm khẳng định sẽ “không có gì thay đổi”. Theo ông Tô Lâm, đường lối ngoại giao cho thấy những hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Tô Lâm được đánh giá là “thiếu kinh nghiệm” trong vấn đề ngoại giao, theo bài viết ngày 31/7 trên trang DW, hãng truyền thông lớn của Đức.
“Nhận định với DW, các nhà phân tích cho rằng Tô Lâm thiếu các kỹ năng về chính sách đối ngoại so với ông Trọng.
“Phần lớn ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản, hiện nằm trong tay quân đội và cảnh sát, cũng có phần thiếu trong vấn đề này,” bài viết nêu.
Tuy nhiên, cũng trong bài viết này, ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS (Singapore), lại cho rằng “chính sách đối ngoại của Việt Nam được quyết định tập thể bởi Bộ Chính trị”.
“Do đó, sự trỗi dậy của phe an ninh khó có khả năng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Ông Nguyễn Khắc Giang, tiến sĩ khoa học chính trị tại ISEAS, cho rằng Việt Nam sẽ tập trung hơn vào các vấn đề đối nội, nên khả năng cao là chính sách ngoại giao sẽ không có gì thay đổi.
Vào ngày 18/7, ông Carl Thayer đánh giá với BBC rằng ông Tô Lâm sẽ phải "học nhiều" để có kinh nghiệm nếu muốn trở thành tổng bí thư, đặc biệt là tăng cường khả năng xây dựng sự đồng thuận của tập thể.
"Ở Úc, chúng tôi có câu nói rằng ông ấy phải gắn biển số 'xe tập lái' để cảnh báo mọi người rằng đây là một công việc mới và hãy tránh xa ông ấy.
“Ở vị trí bộ trưởng (Công an), ông Tô Lâm có quyền lực trực tiếp, ông có thể ra lệnh. Ông không cần phải kêu gọi sự đồng thuận.
“[Bây giờ] ông ấy là một phần của quy tắc hoạt động của Bộ Chính trị, nơi có cơ chế xây dựng sự đồng thuận và lãnh đạo tập thể. Và đó sẽ là mảnh đất mới đối với ông Tô Lâm. Công tác xây dựng sự đồng thuận là điều mà ông ấy phải học hỏi.
Comments powered by CComment