Giá đất không ngừng tăng cùng với quá trình đi lên của kinh tế Trung Quốc, nhiều người cảm thấy tin tưởng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không làm gì để xì hơi bong bóng trên thị trường bất động sản.
Khu tổ hợp nhà ở Sunshine Peninsula 5.000 căn tại ngoại ô thành phố Quảng Châu những ngày cuối tháng 9 đang trong khung cảnh vắng lặng, đìu hiu.
Khoảng một nửa trong số các tòa nhà đã được hoàn thành một nửa, người ta nhìn thấy trên đỉnh những thanh thép tua tủa, nửa còn lại trống hoác.
“Công việc xây dựng đã bị ngừng lại trong nửa tháng. Tôi chưa được biết thông tin khi nào công trình sẽ tiếp tục được xây dựng”, một công nhân xây dựng cho biết.
Tình trạng gián đoạn tại dự án Sunshine Peninsula và nhiều dự án khác thuộc tập đoàn China Evergrande có thể coi như bằng chứng rõ ràng nhất cho những cơn “sóng thần” mà việc doanh nghiệp bất động sản gần như lớn nhất Trung Quốc đã gây ra cho xã hội Trung Quốc.
Những gì đang diễn ra không khỏi gây ra tâm lý lo lắng và sợ hãi trong nhóm những người mua bất động sản, nhiều người đang lao vào biểu tình hoặc yêu cầu đền bù.
Bên trong khu vực xây dựng vô cùng yên tĩnh, thế nhưng gần đó là một khung cảnh ồn ào do nhiều người mua nhà gào thét đòi trả nhà và trả tiền.
Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi đã ký hợp đồng mua nhà tháng 8/2020, đã trả khoảng 2 triệu nhân dân tệ tức khoảng 310.000USD vào tài khoản ngân hàng của Evergrande. Tuy nhiên cuối cùng bà đã không nhận được nhà, giống như bao nhiêu người khác.
Giới chức địa phương đã yêu cầu ngừng bán căn hộ tại hai dự án của Evergrande ở tỉnh Hồ Nam trong tháng 7 vừa qua sau khi doanh nghiệp này bị phát hiện đã không chuyển tiền vào đúng tài khoản được yêu cầu để giám sát. Giới chức nghi ngờ rằng nhà sáng lập đang chuyển hướng tiền từ các dự án để trả tiền cho chủ nợ.
Trong thời gian gần đây, Evergrande không phải doanh nghiệp Trung Quốc lớn duy nhất đương đầu với khủng hoảng, tập đoàn du lịch HNA vầ công ty sản xuất chip Tsinghua cũng đã bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau phá sản. Tuy nhiên, cho đến nay chưa doanh nghiệp nào gây ra cú sốc kiểu như Evergrande. Cuộc khủng hoảng Evergrande càng làm xấu đi quan điểm của công chúng Trung Quốc với thị trường bất động sản.
Người ta từng cho rằng giá bất động sản sẽ chỉ tăng, không giảm. Giá đất không ngừng tăng cùng với quá trình đi lên của kinh tế Trung Quốc, nhiều người cảm thấy tin tưởng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không làm gì để xì hơi bong bóng trên thị trường bất động sản.
Kết hợp với quan niệm xã hội rằng kết hôn phải có nhà, tất cả các yếu tố trên đồng nghĩa sẽ có không ít người dồn tất cả “trứng vào một giỏ”.
Tình hình của Evergrande đã làm tổn hại đến niềm tin của người dân vào những huyễn hoặc trên thị trường bất động sản Trung Quốc.
Chính quyền thành phố An Khánh thuộc tỉnh An Huy – Trung Quốc vào ngày 22/9 đã hủy quyền sử dụng đất từng cấp cho tập đoàn Evergrande sau khi doanh nghiệp này không thể trả được các loại phí cần thiết. Như vậy toàn bộ các dự án phát triển của Evergrande tại đây bị xóa sổ.
Khu đất rộng hơn 110.000 mét vuông này lẽ ra sẽ được phát triển dự án 19 tòa nhà cao tầng cũng như nhiều tòa nhà văn phòng và cơ sở kinh doanh thương mại. Chính quyền thành phố sẽ tổ chức đấu thầu cho doanh nghiệp khác.
Tại Trung Quốc, những mối quan hệ với chính phủ có thể giúp doanh nghiệp thành công nhưng cũng có thể phá hủy doanh nghiệp đó. Quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Evergrande Hứa Gia Ấn có nhiều khác biệt. Chính quyền địa phương thông qua quyết định mới nhất đã gửi đi thông điệp rõ ràng rằng chính phủ sẽ không cứu tập đoàn này.
Evergrande tuy nhiên chưa dừng hết các dự án bất động sản. Tập đoàn có kế hoạch mở sân vận động tại ngoại ô thành phố Quảng Châu vào cuối năm 2022. Hoạt động xây dựng tại dự án 12 tỷ USD này hiện vẫn đang diễn ra, đây cũng sẽ là “căn nhà mới” của đội bóng Guangzhou FC thuộc Evergrande.
Nhiều người đang nói về khả năng sân vận động này có thể được bán để Evergrande thu tiền về, chính vì vậy Evergrande đang ưu tiên hoàn thành dự án. Mọi chuyện với Evergrande sẽ cần thêm một thời gian nữa mới có thể có câu trả lời cuối cùng.
Theo Nhịp sống doanh nghiệp
Comments powered by CComment