Group News: Tin sản xuất

Vô cùng tiếc thương nhạc sỹ Phú Quang, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đã cho phép TTXVIETNAM đăng lại bài phỏng vấn năm xưa của chị như một nén tâm nhang thắp cho người nhạc sỹ tài hoa...

Nhạc sỹ Phú Quang 'Hà Nội phố' qua đời sau nhiều năm bạo bệnh

Có những bài hát mà vào lúc tâm hồn u ẩn nhất, người ta thường nghe đi nghe lại để tìm sự sẻ chia, an ủi. Những nhạc sĩ tác giả hẳn cũng từng trải qua trạng thái tâm hồn của người nghe, đã trải lòng mình trên từng nốt nhạc, từng lời ca, để sau đó, nó trở thành nét đẹp chung của những người yêu nhạc.

Nhac sy Phu Quang: 'Toi viet ca khuc tu nhung dam chim'
 

Phú Quang là một trong những nhạc sĩ ấy. Nhiều bài hát của anh đã bầu bạn với người nghe vào những lúc khó khăn của cuộc đời, giúp họ lắng mình lại, thanh lọc mình để tìm cách vượt qua. Bằng tình yêu và tài năng, người nghệ sĩ đã nối kết trái tim mình cùng thế giới rộng lớn của tha nhân, để được hưởng niềm hạnh phúc của Cho và Nhận…

*Thời tiết đang là mùa xuân và trong anh có tràn đầy cảm xúc như với mùa thu? Và vì sao mùa thu lại “chiếm hữu” được nhạc sĩ Phú Quang?

-Phải nói thật với bạn là tôi vốn dĩ mang trong mình một khát vọng tự do- thứ tự do lành mạnh, nên không chỉ mùa thu mà có lẽ còn nhiều thứ nữa không thể “chiếm hữu” được tôi. Có điều mùa thu và mùa đông là những khi đất trời đằm thắm lại, lặng lẽ hơn nên nó hợp với “tạng” của tôi, một kẻ từ khi sinh ra đã không gặp nhiều may mắn.

*Đắm đuối, da diết và lắng sâu là cảm xúc thường xuyên trong âm nhạc Phú Quang. Có phải đó là cách anh “trò chuyện”cùng âm nhạc? Còn khi đã ra khỏi cuộc trò chuyện?

-Khi người ta đã đắm đuối, da diết và lắng sâu thì tôi nghĩ lúc đó không thể “trò chuyện” được mà chỉ có thể đắm chìm thôi. Những tác phẩm của tôi được viết ra trong tâm trạng đắm chìm ấy. Còn khi đã ra khỏi cảm giác đó thì tôi cũng sống bình thường như tất cả mọi người.

Nhac sy Phu Quang: 'Toi viet ca khuc tu nhung dam chim'
 

Chân dung Phú Quang qua nét vẽ Đỗ Hoàng Tường

*Cảm xúc đầu tiên đã “gieo giống” âm nhạc trong anh ngày tuổi nhỏ?

-Đấy là lần đầu tôi được anh tôi dẫn đi xem phim Chú bé nhạc sỹ. Khi ra về, tôi cứ cầm một cái que gỗ và vuốt dọc các hàng rào hệt như chú bé trong phim. Hình như anh tôi đã mỉm cười. Sau đó, ông ấy “bồi” thêm cho tôi một đêm nhạc của 20 học sinh sơ cấp dàn dây của trường nhạc, và tôi đã thật sự… ngơ ngẩn…

*Tác phẩm đầu tiên của anh?

-Năm 17 tuổi, sau khi thất vọng bởi sự chân thành của mình bị người xung quanh lừa dối, tôi viết tác phẩm đầu tay cho đàn cello và piano. Nó có tựa là Niềm tin. Nhạc sỹ Triều Dâng sau khi nghe đã khuyên tôi: “Mày tránh xa ban biên tập đài trong một tuần đi”. Tôi hỏi lại và được trả lời: “Nếu không thì người ta sẽ nói: Hơi đâu đi duyệt tác phẩm của thằng trẻ ranh”. Ông lẳng lặng đưa tác phẩm ra duyệt mà không giới thiệu tác giả. Mọi người hỏi thì ông chỉ cười: “Tác giả này quen, vấn đề là các anh nghe có được không và có thông qua không?”. May mắn cho tôi là tất cả ban biên tập đều công nhận tác phẩm tốt. Ông Triều Dâng bắt tất cả mọi người ký vào sổ, xong xuôi ông mới cười khà khà: “Là thằng Quang Corno (hồi đó tôi còn biểu diễn kèn)… Nó thường chơi trong tất cả các buổi thu nhạc có kèn Corno.”… Khi đó, tôi đã ngộ ra một điều rất lớn: Sáng tác là cách giải thoát mình khỏi những bức xúc chẳng thể bộc lộ cùng ai…

HÀ NỘI- MÙA ĐÔNG, MÙA LÁ RỤNG, VÀ NỖI BUỒN…

Phú Quang là một trong những nhạc sĩ đã ưu ái “tặng” các bài thơ đời sống thứ hai của chúng. Nhiều bài thơ khi đọc, thật khó hình dung nó sẽ trở thành âm nhạc, vậy mà anh đã thực hiện được “phù phép” từ sự đồng cảm rất đẹp của người nghệ sĩ…

*Cái gì trong một bài thơ “kêu gọi” anh đến với nó để hợp thành âm nhạc?

-Những bài thơ có thể kêu gọi tôi để làm thành âm nhạc chính là sự đồng điệu của tâm hồn. Và thực ra trong những bài hát mà tôi phổ thơ vẫn có rất nhiều lời của tôi (vì tôi không lấy nguyên văn) nhưng tôi vẫn vô cùng cám ơn các nhà thơ, bởi nếu không có họ gợi mở, chưa chắc tôi đã làm nên bài hát ấy. Cho nên dù chỉ lấy một số câu, một số từ, tôi luôn để tên nhà thơ trên tác phẩm của mình.

*Có phải “Em ơi Hà Nội phố” là thể hiện cao nhất cảm xúc chiến tranh trong anh? Còn trong đời thường, anh có quan tâm nhiều đến thời cuộc, chiến tranh?

-Ngoài “Em ơi Hà Nội phố” mà tôi viết cho ngôi nhà cũ của gia đình giờ đã thành đài kỷ niệm B52 trên phố Khâm Thiên thì tác phẩm “Hồi ức” là tác phẩm giao hưởng thơ sâu sắc nhất viết về nghĩa trang Trường Sơn. Đó là khi tôi đứng một mình trong một buổi chiều vần vũ mây đen mây vàng với gió Lào cát trắng, nhìn những ngôi mộ lúc đó còn rất ít được chăm sóc, lau lách mọc đầy… Tôi nghĩ về sự hy sinh, về những điều cao cả và những điều tầm thường, về sự mất mát có giá trị hay không nếu người ta quên đi những người đã ngã xuống... Nghĩ về chiến tranh, thời cuộc, tôi luôn tự hỏi “Tại sao con người cứ phải gây ra những hận thù thê thảm đến thế?”.

*Hà Nội trong anh luôn buồn và khắc khoải. Có phải từ chính những phản chiếu trong đời riêng/suy nghĩ của anh?

-Hà Nội không bao giờ là thành phố ồn ào. Những mùa đông, những mùa lá rụng và ngay cả những buổi chiều thu với gió heo may luôn chạm tới những nỗi buồn có khi rất vô cớ. Và bạn nói đúng, những cái đó được soi rọi vào âm nhạc của tôi.

*Anh đã sống ở Sài Gòn gần hai mươi năm quãng thời gian rất “đẹp” của một đời người, Sài Gòn đã “cho” anh những gì?

-Trước hết, tôi phải cám ơn Sài Gòn bởi thành phố phương Nam đó như một mảnh đất màu mỡ mà nếu gieo một hạt giống tốt thì người ta sẽ chắc chắn thu hoạch được những mùa hoa trái. Tôi từng nghĩ, mảnh đất ấy ngày xưa là nơi đến của những người miền Bắc giang hồ tứ chiếng hoặc những kẻ bị đi đày, nên tính cách người dân thường ngang tàng, và luôn “phù suy” hơn là “phù thịnh”.

*Khi trở về Hà Nội, có phải anh đã chọn sự bình yên thích hợp nhất cho mình?

-Tôi rời Sài Gòn về Hà Nội giữa lúc đang được Sài Gòn ưu ái, chỉ bởi một lý do rất bình thường: Nhớ quê mình quá! Nhớ tất cả những gì từ thuở ấu thơ, những dấu ấn không thể nguôi quên: cha mẹ, anh chị em, bạn bè, và biết bao nhiêu người thân thương khác...

*Người đàn bà đẹp trong âm nhạc của anh thường u buồn. Đó có phải vẻ đẹp anh muốn gần gụi?

-Hình như những người đàn bà từng trải thì thế nào cũng gặp những nỗi buồn, giống như định mệnh. Tôi còn bị một nhược điểm là không hề thích những cặp chân dài kèm với một cái đầu ngắn… Nếu có điều gì không phải, mong các bạn tha lỗi…

*Sách có vai trò gì trong cuộc sống của anh? Và tiếng cười?

-Sách luôn làm tôi thấy bầu trời cao rộng hơn. Sách còn dạy tôi biết bỏ đi những điều tầm thường và hướng tới những điều tử tế. Tiếng cười là vũ khí tốt nhất để chống lại những điều buồn phiền và những kẻ xấu xa. Tôi thích lý luận này của AQ (Lỗ Tấn): Nếu bị một kẻ ti tiện hãm hại, thay vì buồn bực, ta sẽ cười cợt với suy nghĩ: “Nó hại mình thì khác gì nó hại bố nó”.

Nhac sy Phu Quang: 'Toi viet ca khuc tu nhung dam chim'
 

THÍCH CÁI GÌ MÀ CÓ ĐƯỢC, ĐÓ LÀ HẠNH PHÚC

*Đã từng trải qua những lần bệnh nặng và từng ngẫm ngợi về cái chết, anh đã rút ra “triết lý sống” nào?

-Hãy sống bằng một cái tâm lương thiện, “trời” sẽ thương!

*Anh có niềm tin tôn giáo/tâm linh không?

-Tôi không có một hình ảnh rõ ràng về Chúa Giê-Su, Phật Thích Ca hay là Mohamed, nhưng tôi luôn tin rằng ở tít trên cao kia có một Đấng Tối cao với cái đầu thông tuệ và tấm lòng nhân hậu. Tôi tin vào điều dân gian vẫn nói: “Sống có đức không sức mà ăn”.

*Hình như anh chưa từng có ý định tìm một Thái Thanh hay Khánh Ly cho âm nhạc của mình?

-Thực ra thì các ông Phạm Duy và ông Trịnh Công Sơn rất hạnh phúc vì đã có các bà Thái Thanh và Khánh Ly… Thế nhưng, có bao giờ bạn đặt câu hỏi ngược lại?

*So với ngày trẻ, tình yêu âm nhạc trong anh có khác đi không?

-Cái khác đầu tiên là tình yêu đó đã già đi theo năm tháng, mà người già thì chậm rãi hơn nhưng lại bình tĩnh hơn. Có lẽ vì thế mà âm nhạc của tôi càng về sau lại càng bớt ồn ào.

*Định nghĩa của anh về hạnh phúc?

-Bạn thích cái gì mà có được điều ấy thì đó là hạnh phúc. Đôi khi hạnh phúc rất đơn giản: kẻ đang thèm thuốc lá “điên cuồng” mà lại được ai mời điếu thuốc, thế là hạnh phúc rồi...

*Những chương trình sắp tới của anh?

-Năm 2016 tôi định dùng thời gian để đi du lịch nước ngoài và trong nước. Tôi cũng sẽ làm chương trình liên tục 6 ngày ở Hà Nội (với 3 nội dung khác nhau trong khả năng có thể). Tất cả sẽ được thông báo đầy đủ, và tôi hứa sẽ không “xê dịch” gì cả.

*Hoạt động nghệ thuật nào được anh yêu thích?

-Tự biết rõ mình nên tôi không bao giờ làm văn thơ hay vẽ tranh… Thay vào đó, tôi đọc sách, ngắm tranh, nghe nhạc, xem phim và nhiều thứ khác…

*Anh có tin âm nhạc của mình sẽ sống rất lâu hơn chính mình?

-Chuyện này bạn phải hỏi người nghe, hoặc nhờ các thầy bói…

*Nếu có thể làm lại, anh có thay đổi nhiều các chọn lựa của mình?

-Tôi xin lỗi bạn, vì tôi không thể trả lời những điều không bao giờ có trong đời sống.

*Cảm ơn anh vì đã trải lòng.

"Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm…” (Em ơi Hà Nội phố, thơ Phan Vũ).

“Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng/ Bóng ai như tôi đi qua cõi đời/ Nhặt lại mình trên ngọn gió/ Giống như con chim sẻ nọ/ Tha về từng cọng vàng khô…” (Nỗi buồn, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường).

“Và từ đó em lặng lẽ nói cười, lặng lẽ nát tan/ Và từ đó em thành sương thành lửa/ Tình nào không một nửa là mơ…) (Trong ánh chớp của số phận, thơ Ý Nhi).

Nhà Văn Ngô Thị Kim Cúc


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.