Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, nhiều gia đình ở Sài Gòn phải thay đổi nơi sinh sống, nhiều phận người bỗng nhiên đổi thay mãi mãi, không bút mực nào kể xiết. Một cách tình cờ, tôi chứng kiến hai bi kịch gia đình ở gần mình thời điểm đó.

Xứ đạo mà tôi sống là ở huyện Hóc Môn, vùng ngoại ô của Sài Gòn. Sau khi Sài Gòn bị “giải phóng,” cả xứ đạo đang an lành bỗng có nhiều xáo trộn.
Một số gia đình hàng xóm của tôi bán nhà cửa để dắt díu nhau đến phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, mua đất làm vườn, số khác ra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tìm đường vượt biên. Ngoài ra, lại có một số gia đình khác bỗng có thêm thân nhân từ phía Bắc vào thăm hay ở lại.
Bà B. vốn thân với bà ngoại và cha mẹ tôi. Nhà bà ở cạnh chợ địa phương, nên bà vừa bán tạp hóa, vừa bốc thuốc Nam vì bà từng là lang y ngoài Bắc.
Với tính cách ôn hòa và điềm tĩnh, bà B. nhận được sự kính nể của mọi người, trong đó có mẹ tôi. Mẹ tôi coi bà như người mẹ thứ nhì và đã chọn bà B làm mẹ đỡ đầu khi tôi chịu nghi thức “rửa tội” ở nhà thờ.
Bà B. một mình nuôi hai cô con gái và một cậu con trai. Cả ba cô cậu đều ngoan hiền và vâng lời mẹ, đi học về là phụ bà bán hàng.
Khi bộ đội miền Bắc tràn vào Sài Gòn một thời gian thì nhà bà xuất hiện… ông B. từ ngoài Bắc vào sống cùng, vì họ vốn là vợ chồng. Trong biến cố chia cắt đất nước, hàng triệu người Bắc phải di cư vào Nam năm 1954, không hiểu vì lý do gì ông B. kẹt lại quê nhà, chỉ một mình bà đưa ba con vào Sài Gòn.
Điều tréo ngoe là ông B. không vào Nam một mình mà dắt theo một cậu con trai khoảng 10 tuổi, con của người vợ thứ nhì.
Thế là niềm vui trùng phùng chẳng tày gang, bà B. không buồn nói chuyện với chồng và ngủ riêng, mặc cho ông B. giãi bày và năn nỉ. Lúc đó hai cô con gái của ông bà đã lập gia đình, trong đó cô con gái thứ có nhà riêng gần gia đình chồng tại Hố Nai.
Trước sự ghẻ lạnh của bà, ông đành dắt cậu con trai nhỏ về dưới nhà cô con gái thứ để gửi cô chăm sóc, đồng thời phụ việc làm ruộng làm vườn với vợ chồng cô. Từ lúc vào Sài Gòn sum họp với bà vợ, ông B. không trở về Bắc nữa mà chỉ đi đi về về giữa Hố Nai và Sài Gòn.
Ông B. là người bặt thiệp, ưa giúp đỡ người khác nên hạp tánh cha mẹ tôi. Một cách gián tiếp, bà ngoại và cha mẹ tôi và cả ba người con chung của ông bà đều muốn giúp đỡ ông bà hàn gắn tơ duyên.
Nhưng mặc tất cả, bà B. vẫn giữ thái độ lạnh lùng, không hé răng nói nửa lời với chồng. Hễ có khách đến chơi nhà thì hoặc ông hoặc bà ra tiếp. Nếu ông B. ở trên nhà thì bà B. ở dưới bếp và ngược lại.
Vẻ hoạt bát thân thiện của ông dần nhường chỗ cho sự chán nản, ngại ngần khi gặp người quen hỏi han. Còn bà thì từ khi sum họp với chồng đã mất hẳn vẻ tươi vui vốn có. Bà trở nên trầm lặng, kiệm lời với tất cả và mẹ tôi cũng ái ngại không ghé thăm bà mỗi lần đi chợ như trước nữa.
Rồi một hôm lúc rạng sáng, cậu D., con trai út của ông bà B., vào nhà nhờ cha tôi đánh xe chở cha cậu đi bệnh viện. Lúc đó ông B. đã bất tỉnh không còn nhận thức. Cậu D. kể với cha tôi là cha mình uống rượu cả đêm với con rể, chồng của bà chị cả, và đến rạng sáng thì nằm lăn ra không biết gì nữa. Cha tôi đã đưa ông B. đi cấp cứu nhưng không còn kịp nữa.
Đến trưa, cha tôi chở thi thể ông B. về nhà và cùng phụ với các con ông lo đám tang cho ông. Năm đó là 1985, ông hưởng thọ 61 tuổi. Cái chết của ông B. là cú sốc đối với các con ông, vì ông vốn khỏe mạnh không có bệnh tật gì trước đó.
Khi về nhà, cha tôi chép miệng thở dài với mẹ tôi: “Ông ấy chết sớm vì buồn phiền quá.”
Không ai ngờ, sau đám tang chồng, bà B. ngã bệnh đột ngột và chưa đầy một tháng kể từ ngày ông mất, bà cũng qua đời, thọ 61 tuổi bằng tuổi ông, dù trước đó bà chẳng bị bệnh gì. Có lẽ khi phải tỏ ra lạnh nhạt và im lặng với ông gần 10 năm, bà cũng đau khổ chẳng kém.
Trong nghĩa trang của giáo xứ, các con ông bà B. đã chọn chỗ chôn cha mẹ mình cạnh nhau, với kiểu bia và kiểu mộ y hệt nhau. Thỉnh thoảng vào nghĩa trang, tôi thường đến viếng mộ ông bà, thì thầm với bà: “Giờ bà đã nói chuyện với ông chưa?” và hỏi ông: “Ông ơi, giờ ông đã vui hơn chưa?”

Nếu bi kịch gia đình của ông bà B. ám ảnh cha mẹ tôi, thì bi kịch gia đình của bạn G. lại ám ảnh tôi một thời gian dài.
G. là bạn thân của tôi hồi năm lớp Tám. Ngày đầu tiên vào lớp, tôi ngồi gần G., cô bạn có mái tóc đen dài ngang vai, nước da trắng và đôi mắt đen to tròn, dáng người nhỏ nhắn cân đối. Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn nhớ nụ cười xinh và tính nết hiền lành của bạn.
Điều đặc biệt hơn, tôi thường nghĩ về đứa em út của G., đứa trẻ mà tôi chưa hề thấy mặt vì nó đã bị cho làm con nuôi ngay từ lúc mẹ G. mới sanh ở bệnh viện. Liệu đứa trẻ ấy khi lớn lên có trăn trở, tìm kiếm mẹ ruột và các anh chị cùng mẹ khác cha của mình?
Giống như tôi, G.cũng là chị hai trong gia đình và có năm đứa em san sát nhau, đứa út là em trai 5 tuổi. Nhà G. gần trường hơn nhà tôi, nên mỗi khi đi học về, tôi thường ghé nhà bạn chơi.
Đó là ngôi nhà rộng rãi với nửa phía trước là tiệm may thêu của cô H., mẹ G. Cô nhỏ hơn mẹ tôi vài tuổi và rất đẹp, một vẻ đẹp tươi tắn hiếm thấy ở xứ tôi. Tôi nhớ mỗi lần ghé nhà G., cô H. thường hay hỏi chuyện tôi.
Còn cha của G. đâu? Do là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa nên ông phải đi “học tập cải tạo.” Vì thế, ngoài giờ học, G. túi bụi dọn dẹp nhà cửa và phụ mẹ đi chợ, nấu ăn cho các em, để mẹ may thêu kiếm tiền.
Những ngày tháng đó, khách hàng đến tiệm của mẹ G. đa số là các “chú bộ đội.” Họ thường mang đến những bộ quân phục rộng thùng thình và yêu cầu mẹ G. cắt gọn lại cho vừa vặn. Nhờ sự chu đáo, cô H. được rất nhiều khách hàng yêu quý, điều này tôi không ngạc nhiên chút nào.
Một ngày kia, khi đến nhà G chơi, đứa em trai út của G. đã chạy ra khoe với tôi: “Em sắp có em rồi!”
“Có em ở đâu?,” tôi tròn mắt ngạc nhiên hỏi lại. Từ trong nhà bước ra, cô H. đã nghe được lời đứa con trai út nên vẫy tôi vào buồng của cô rồi đóng cửa lại. Khi cô thừa nhận đang có bầu, tôi hoàn toàn sửng sốt. Nhưng câu chuyện tình yêu mà cô kể sau đó, càng khiến tôi sửng sốt hơn.
Cô bảo mình có bầu với chú T., một trong các “chú bộ đội” hay lui tới nhà. Tôi biết mặt chú T. vì ông thường đến tiệm của cô.
Đó là một người đàn ông trẻ hơn cô H, quê miền Bắc, trong khi cô H. quê miền Tây. Phải thừa nhận là chú T. rất đẹp trai, với khuôn mặt góc cạnh và đôi mắt đa tình. Sửng sốt nhất là cô H. thú nhận rằng chú T. mới là “tình yêu của đời mình.”
Cũng theo lời cô H., chú T. đã về Bắc thưa chuyện với gia đình để vào Nam hỏi cưới cô.
Gương mặt của cô H. lúc ấy rất rạng rỡ, sau này tôi mới biết sự rạng rỡ đó chính là cô đang yêu và ngỡ rằng mình được yêu.
Một tháng sau, khi đến nhà G. chơi, tôi thấy vẻ lo lắng hiện lên trên gương mặt cô H. Cô cho hay đã gửi thư cho chú T. theo địa chỉ ở miền Bắc mà chú cho nhưng không nhận được hồi âm.
Vài tháng trôi qua, chú T. vẫn bặt vô âm tín.
Bất thình lình khi chúng tôi gần kết thúc niên học lớp Tám thì cha của G. quay trở về vì “học tập cải tạo tốt.”
Cảm giác ái ngại vì đã chứng kiến câu chuyện không vui ở nhà G., tôi không dám đến chơi nhà bạn nữa. Trong lớp, G. cũng trở nên trầm lặng, không rủ rê tôi đến chơi nhà như mọi khi. Bạn chỉ nói vắn tắt: “Cha mình không la rầy gì mẹ.”
Chuyện nhà cô H. khiến xứ đạo của tôi lúc ấy xôn xao. Mọi người luôn bàn tán và tỏ ra ngạc nhiên về thái độ của ba G.
Từ lúc trở về, ông miệt mài làm hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ để mang lên chợ thị trấn bán, trong nhà không to tiếng với vợ con bao giờ, còn ra ngoài lúc nào cũng vui vẻ, hòa nhã với hàng xóm.
Thời gian chúng tôi nghỉ Hè, cũng là lúc cô H. chuyển dạ sanh em bé. Ba ngày sau, cha mẹ G. trở về nhà mà không có em bé. Sau đó, G. nói với tôi rằng cha mẹ bạn đã cho em bé ở bệnh viện.
Trong lúc tôi bận rộn chuẩn bị sách vở cho niên học lớp Chín thì cũng là lúc gia đình G. bán nhà, thu dọn về quê ngoại một cách đột ngột.
Khi hay tin, tôi chạy đến nhà bạn thì chiếc xe vận tải đã chở đồ đạc cùng với gia đình bạn đã đi khuất dạng.
Tôi bước vào niên học mới buồn tênh vì mất đi một người bạn thân xinh xắn và hiền hậu.

Sắp 50 năm Sài Gòn mất tên, đứa bé – tưởng là kết quả của tình yêu nhưng sau đó trở thành nỗi ô nhục của gia đình, khiến người mẹ phải cho đi, nếu còn sống giờ cũng gần 50 tuổi rồi.
Còn chú T. nếu còn sống, chắc cũng “thất thập cổ lai hy,” có bao giờ chú nhớ đến mối tình với bà chủ tiệm may xinh đẹp ở miền Nam và tự hỏi số phận đứa con rơi của mình ra sao?
Than ôi, những kẻ lợi dụng tình yêu như chú T. không phải là duy nhất ở quê tôi thời điểm đó. Sau vụ cô H., vùng ngoại ô quê tôi rộ lên vài hoàn cảnh thương tâm của cô này, cô kia lấy phải anh chồng bộ đội đã có vợ ngoài quê miền Bắc.
Hậu quả là có người chấp nhận cảnh “vợ hai” trong buồn tủi, có người dứt khoát chia tay “anh bộ đội” và nuôi con một mình.
Đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn luôn nhớ tới khuôn mặt của người bạn thuở thơ ấu và tự hỏi cuộc đời bạn thế nào, liệu bạn có vướng phải bi kịch tình yêu như mẹ mình?
Theo Thiên Thanh/NVO
Comments powered by CComment