Lãnh tụ tối cao Trung Quốc có trình độ lớp 8 ? Tập Cận Bình được cho là có bằng thạc sĩ mác-xít, chính trị học và tiến sĩ luật. Nhưng luận án của ông có tên là ‘Nghiên cứu tiếp thị nông thôn ở Trung Quốc’ do một cộng sự viết. Mặc cảm thấp kém khiến ông Tập trở nên thô bạo chăng ? Theo L'Obs, những ‘thái tử đỏ’ khác không còn nhiều thời gian để mất, nếu họ muốn ngăn cản Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ.
Ông Tập Cận Bình trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Tập Cận Bình muốn là 'trời muốn' !
L’Obs dành đến 8 trang báo cho « Nhà độc tài Tập Cận Bình và sự phức tạp của ông ta ». Ngày 04/02 sắp tới, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ là một bậc thang mới cho chủ tịch Trung Quốc, nhưng thực ra ông ta là ai ?
Tại Bắc Kinh rất hiếm khi có tuyết, nhưng cả một hệ thống đường ống ngầm dưới lòng đất đã được lắp đặt để đưa 185 triệu lít nước đến những dàn đại bác, sẽ phun ra tuyết nhân tạo cho những đường trượt và khu vực xung quanh, tạo ra khung cảnh miền núi cao như vùng Alpes. Đó là tuyết giả, nhưng có hề gì. Khi chủ tịch Tập Cận Bình muốn, là Trung Quốc có thể làm được !
Chỉ trong vài năm, ông Tập đã áp đặt được ý muốn của mình lên tất cả các hồ sơ, trên mọi vấn đề. Mọi quyền hành tập trung trong tay đảng Cộng Sản, và sùng bái lãnh tụ lại lan tràn. Trong tất cả những cửa hàng ở Hoa lục, đều có chân dung Tập Cận Bình và những đồ vật mang hình ảnh ông, còn phổ biến hơn cả thời Mao Trạch Đông. Truyền hình không ngớt ca ngợi « sự lãnh đạo khôn ngoan » của chủ tịch, nhất cử nhất động đều được báo chí tuyên truyền.
Thậm chí có cả một ứng dụng mà 88 triệu đảng viên phải cài đặt trên điện thoại di động, về « tư tưởng Tập Cận Bình » dưới dạng những câu cách ngôn, những video phải xem. Ứng dụng này theo dõi người sử dụng, ghi lại thời gian họ « tụng niệm ». Trong xã hội giám sát chặt chẽ mà ông ta đã thiết trí, Tập Cận Bình chỉ huy Đảng như kiểu trùm mafia.
Bàn tay sắt sau chiếc mặt nạ nhân từ
Cách đây mười năm, khi mới lên cầm quyền và nói về « Giấc mộng Trung Hoa », không ai tại Trung Quốc hình dung được là ông ta sắp nhốt cả xã hội vào một nhà tù lớn. Dưới chiếc mặt nạ hiền hòa, là một ý chí sắt đá. Vừa ngự được trên ngai, hàng trăm ngàn cán bộ với cáo buộc tham nhũng bị thẳng tay thanh trừng. Một chế độ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ được đặt ra, Hồng Kông bị đàn áp bất chấp cam kết với quốc tế. Và gần đây một loạt quyết định ập xuống : những ngôi sao có hàng triệu người theo dõi biến mất, các tỉ phú bị trấn áp, giáo dục tư nhân bị xóa sổ. Trong trường học, giáo viên không còn được dùng sách giáo khoa nước ngoài hoặc dịch từ ngoại ngữ khác, tuổi trẻ thay trò chơi video bằng « tư tưởng Tập Cận Bình ».
Bàn tay sắt cũng chứng tỏ quyền uy với bên ngoài. Bắc Kinh chèn ép Litva vì dám cho mở văn phòng đại diện Đài Loan, gặm nhấm lãnh thổ của quốc gia tí hon Bhutan, giành giật Himalaya với Ấn Độ, đòi Indonesia ngưng khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của chính nước này, cho hàng trăm chiến đấu cơ bay sát Đài Loan thị uy…Tóm lại, không một biên giới nào được Tập Cận Bình chừa ra.
Bà Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường Đảng trung ương nhìn nhận đã là một trong số những người ngây thơ tin rằng ông Tập sẽ làm chế độ cởi mở hơn. Bà phải tị nạn ở Hoa Kỳ năm 2019 vì đã nhận xét Đảng dưới quyền Tập Cận Bình đã trở thành « mafia đứng trên luật pháp », « xác sống ». Có những người bạn trong giới « thái tử đảng » của bà Thái Hà từng là bạn học của ông Tập, họ không đánh giá cao ông và giờ đây muốn ông từ chức vì đưa Đảng về hướng độc tài hơn, « sử dụng biện pháp côn đồ », « ý thức hệ cứng nhắc » gây nguy hiểm cho đất nước.
Chiến lược ẩn mình, luồn lách để thăng tiến học được từ người cha
Nhà sử học Joseph Torigian giảng dạy tại đại học Washington cho biết Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), cha của Tập Cận Bình là một nhân vật như trong tiểu thuyết, có ảnh hưởng lớn lên ông. Tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên, Tập Trọng Huân nhiều lần thoát chết, và năm 1935 tại Diên An (Yan'an), suýt bị một phe đối địch chôn sống nhưng được Mao Trạch Đông cứu. Ông Tập cha mang ơn Mao suốt đời dù đến 1962 bị cáo buộc oan, mất mọi chức vụ, phải về quê lao động.
Tập Cận Bình đang là thái tử đỏ - có vú nuôi, đầu bếp, tài xế, học trường dành cho con cán bộ cao cấp - bị đưa về Lương Gia Hà (Liangjiahe) cùng những người trẻ bị cải tạo, nơi ở như hang động đầy rệp, không điện nước. Đến năm 15 tuổi Tập Cận Bình trốn về Bắc Kinh nhưng bị mẹ dẫn ra công an trình diện, lại phải lao động tiếp ở Lương Gia Hà bảy năm nữa. Người cha sau đó được phục hồi và khôn khéo đưa con lên từng nấc thang danh vọng.
Sự khôn ngoan chiến lược được cha truyền lại, là ưu điểm duy nhất của Tập Cận Bình, theo bà Thái Hà. Trong suốt 30 năm, Tập Cận Bình giấu kín tham vọng, và con người luôn tỏ ra khiêm tốn, dễ mến, nhút nhát ấy đã được Giang Trạch Dân chọn làm người kế vị. Ông Giang đã lầm lẫn lớn. Ngay sau đó Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào phe Giang Trạch Dân, hai năm sau đến lượt phe Hồ Cẩm Đào và rồi tất cả những phe phái khác. Những chiếc ghế trống được dành cho những đệ tử biết vâng lời ông chủ mới. Những khuôn mặt có khuynh hướng tự do trong Đảng rụng rời ! Nhà sử học Lý Nhuệ (Li Rui), từng là thư ký của Mao trước khi bị đi cải tạo 20 năm, không thể nào tin được. Năm 2019 ông qua đời ở tuổi 101 và lúc sắp chết còn đặt câu hỏi, phải chăng đó là do Tập Cận Bình không được học hành đến nơi đến chốn.
Tập Cận Bình chỉ có trình độ lớp 8 ?
Lãnh tụ tối cao Trung Quốc có trình độ học vấn thấp? Nhà sử học Tống Vĩnh Nghị (Song Yongji) chuyên nghiên cứu về Cách mạng Văn hóa giải thích, tất cả trường học vào thời kỳ đó đều bị đóng cửa. Tập Cận Bình có thể đang học lớp 8, người ta gọi lứa tuổi này là « thế hệ mất mát ». Đến năm 1975 ông Tập được vào đại học, nằm trong diện công nông binh, được đặc cách theo tiêu chuẩn chính trị. Trình độ của họ rất kém, và những người giảng dạy họ cũng thế, các giáo sư thực thụ đã phải về nông thôn « học tập quần chúng ». Nhiều người thuộc thế hệ này vẫn ở cấp tiểu học, thậm chí mù chữ.
Theo bản lý lịch chính thức, Tập Cận Bình đậu thạc sĩ năm 2002 về chủ nghĩa mác-xít và chính trị, và có bằng tiến sĩ luật nhờ thực tế hoạt động. Nhưng năm 2013, các nhà điều tra ma-lanh đã tìm được bản luận án của ông Tập ở trường đại học, và phát hiện đó chẳng phải mác-xít cũng như luật, mà có tên là « Nghiên cứu tiếp thị nông thôn ở Trung Quốc ». Theo một tác giả Hồng Kông, luận án do một cộng sự của Tập Cận Bình viết, bà này sau đó đổi tựa và ký tên mình. Kiểu luận án dỏm này rất tiện lợi cho các cán bộ không đủ năng lực.
Ông Tập thực sự ít học chăng? L'Obs lại đặt câu hỏi này với bà Thái Hà và được trả lời, chỉ cần lắng nghe những bài diễn văn của ông ấy. Khi dùng những thành ngữ (tại Trung Quốc thường gói gọn trong bốn chữ), Tập Cận Bình thường đọc sai. Ông ta cũng đọc nhầm tên những nhân vật lịch sử, tóm lại trình độ văn hóa khá sơ sài.
Những ảnh chụp màn hình bài diễn văn của ông được lan truyền trên các nhóm WeChat cho thấy những chữ Hán mà ông Tập không biết cách đọc đều được phiên âm ra. Một nguồn đáng tin cậy nói với bà Thái Hà, có lần phu nhân Bành Lệ Viện (Peng Liyuan) đã triệu hai ủy viên Bộ Chính trị trung thành với ông Tập, quát vào mặt họ tại sao không để ông đọc đi đọc lại bài diễn văn trước khi ghi âm, yêu cầu tránh nhét vào những chữ ông Tập không biết đọc.
Không còn nhiều thời gian để ngăn Tập biến Trung Quốc thành Bắc Triều Tiên
Một nhà ly khai sống ở Mỹ cho rằng để tránh xấu hổ, Tập Cận Bình tỏ ra ngạo mạn, và mặc cảm thấp kém thời trẻ khiến ông trở nên thô bạo. Nhà Trung Quốc học David Shambaugh đánh giá đó là thái độ của một nhà lãnh đạo cảm thấy bất an. Đặng Tiểu Bình không sợ bị phản đối, vẫn chừa một ít chỗ cho giới trí thức phê bình, nay Tập Cận Bình đóng lại không gian xả xú báp của người dân. Và bây giờ thì Thế vận hội phải « thành công rực rỡ », trước khi Đại hội Đảng diễn ra vào tháng 10/2022.
Tập Cận Bình sẽ tiếp tục làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba chăng? Ông ta còn cai trị quốc gia đông dân nhất thế giới bao lâu nữa, đến năm 2027, 2032 hay suốt đời?
Thách thức của ông trong những tháng tới là tránh được chiếc bẫy vốn luôn rình rập những nhà độc tài đang say sưa trong chiến thắng: đánh giá thấp đối thủ, mà đối thủ thì ông Tập không thiếu. L'Obs cho rằng những « thái tử đỏ » khác không còn nhiều thời gian để mất, nếu họ muốn ngăn cản Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một Bắc Triều Tiên khổng lồ.
Hồng Kông : Những người hùng của tự do trong ngục tối
Cũng liên quan đến Trung Quốc, đặc phái viên Le Point mô tả « Hồng Kông, những người hùng của tự do sau song sắt ». Hầu như tất cả những khuôn mặt đấu tranh dân chủ hàng đầu đều đang ở tù. Từ năm 2019, đã có trên 10.500 vụ câu lưu liên quan đến phong trào phản kháng, 1.700 phiên tòa được tổ chức và 1.200 vụ xử án diễn ra. Giữa tháng 1/2022, blogger Brian Kern ghi nhận trên 750 tù nhân chính trị ở Hồng Kông, trong đó 274 đã hết hạn tù, 488 người vẫn đang bị giam giữ. Những con số khó thể tưởng tượng cách đây 5 năm tại vùng đất tự do của châu Á.
Bên cạnh hàng trăm người vô danh, là những dân biểu, luật sư, lãnh tụ sinh viên học sinh, giáo sư đại học, chủ báo, nhà báo nổi tiếng, ca sĩ…Benedict Rogers, người sáng lập trang Hong Kong Watch khẳng định « Hầu như tất cả những khuôn mặt hàng đầu đều đang trong cảnh tù tội », một số phải ra tòa từ 4 đến 6 vụ. « Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn bảo đảm rằng ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Đái Diệu Đình (Benny Tai) không bao giờ ra khỏi trại giam, họ liên tục bị truy tố ».
Le Point gặp gỡ luật gia người Mỹ 37 tuổi Samuel Bickett, bị kết án bốn tháng rưỡi tù giam chỉ vì giựt dùi cui của một người đang đánh đập một thiếu niên - trước những người chứng kiến, kẻ hành hung chối không phải là cảnh sát - nhưng Bickett lại bị cáo buộc tấn công người thi hành công vụ. Điều làm anh xúc động là những thanh niên Hồng Kông dễ mến tuổi mới 20, 21 có nguy cơ bị án 20 năm hoặc chung thân vì tội « an ninh quốc gia » lại rất vững tinh thần và giúp đỡ anh rất nhiều. Anh cho biết các tù nhân lương tâm « VIP » như Lê Trí Anh, Hoàng Chi Phong đều bị biệt giam, mỗi ngày chỉ được cho ra ngoài vận động 1 giờ, tệ hơn cả chế độ của Pháp dành cho những tù nhân nguy hiểm nhất nước.
Áp lực đổ máu : Triết lý của Putin
Tại châu Âu, đồng minh hiện nay của Tập Cận Bình là Vladimir Putin cũng đang làm mưa làm gió khi rầm rộ đưa quân áp sát biên giới Ukraina. Hồ sơ 10 trang khổ lớn của Courrier International mang tựa đề « Trong suy nghĩ của Vladimir Putin », đặt vấn đề : Tổng thống Nga tìm cách duy trì ảnh hưởng tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, từ Ukraina đến Kazakhstan, nhưng với cái giá nào ?
Đáng chú ý là ý kiến của ông Harard Malmgren, cựu cố vấn của hai tổng thống Kennedy và Nixon đăng trên tờ UnHerd xuất bản ở Luân Đôn, được Courrier International trích dịch. Nhà ngoại giao lão luyện Mỹ đã từng gặp Vladimir Putin khi ông này là khuôn mặt mới vừa được Evgueni Primakov, « Kissinger Nga » cất nhắc với Eltsine và đích thân giới thiệu để Malmgren truyền lại những kinh nghiệm. Ông nhận định Putin rất thông minh, chịu khó lắng nghe.
Khi được hỏi trở ngại nào cho việc làm ăn giữa các doanh nghiệp Mỹ và Nga, Harard Malmgren nói thẳng đó là sự thiếu vắng quyền tư hữu, khiến không có cơ sở để giải quyết tranh chấp. Putin trả lời, phương Tây xử lý thông qua luật sư và tòa án rất tốn kém và mất nhiều thời gian. « Tại Nga, tranh chấp thường được giải quyết một cách thực tế. Nếu liên quan đến một số tiền lớn, hai bên sẽ gởi các đại diện đến cùng ăn tối. Tất cả những người hiện diện đều mang vũ khí. Trước khả năng một kết quả đẫm máu, đôi bên luôn tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho cả hai. Sự sợ hãi là chất xúc tác cho hướng tốt ».
Lý lẽ này, theo nhà cựu ngoại giao Mỹ, tiếp tục được Vladimir Putin áp dụng trong cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay. Ông ta biết rằng Nga không thể tiến hành một cuộc chiến lâu dài với Kiev, Joe Biden đang lo cho cuộc bầu cử giữa kỳ, không muốn có những căng thẳng trong đối ngoại, thế nên Washington sẽ phải thỏa hiệp với Matxcơva.
Vladimir Putin và những bóng ma lịch sử châu Âu
Trong bài « Putin và những bóng ma của lịch sử châu Âu » đăng trên L’Obs, tác giả Pierre Haski nhận xét nguy cơ một cuộc chiến « kiểu cũ » bất ngờ quay lại với châu Âu. Người dân châu Âu đã loại ra khỏi tiềm thức những cuộc đại chiến thế giới với những đoàn xe tăng, tiền tuyến nồng nặc khói súng…Đã bị chấn động vì sự bất lực trước cuộc vây hãm Sajajevo và Nam Tư tan rã trong thập niên 90 ; và trong 20 năm qua đã can thiệp vào những cuộc chiến xa xôi ở Afghanistan, Trung Đông, Sahel ; đã biết đến nạn khủng bố ngay trung tâm đô thị. Tuy nhiên một cuộc xung đột « kiểu xưa » với một cường quốc nguyên tử thì không còn trong ý nghĩ. Thế rồi mối nguy này bỗng dưng hiển hiện ngay trước mắt châu Âu.
Vladimir Putin có được lợi thể là có thể một mình, lạnh lùng ra lệnh cho 100.000 quân lính cùng với khí tài áp sát biên giới Ukraina, tung ra các cuộc tấn công tin học, hay áp đặt điều kiện cho những láng giềng dễ tổn thương. Tổng thống Nga biết rõ rằng phương Tây xưa kia là người chinh phục, nay đang ở thế thủ và không thể quen được với một thế giới mà sự tàn bạo lại là tiêu chí. Một thế giới trước 1914 ! Trật tự dù chưa hoàn hảo trong 30 năm qua tại châu Âu và trên thế giới đang bị thách thức bởi một nước Nga vừa trỗi dậy, và ở xa hơn, một Trung Quốc đang tìm lại sức mạnh cường quốc như hồi thế kỷ 19.
Những con ma của lịch sử làm phức tạp thêm khả năng phân tích. Thời nay không một ai muốn quay lại làm một người chiến binh nhỏ nhoi trong cuộc chiến tranh lạnh mới, hoặc tệ hơn nữa, một trận thế chiến. Nhưng ai cũng hiểu nếu nhường bước cho kẻ độc tài thống trị, chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Một lần nữa, trọng lượng lịch sử đè nặng. Giữa việc đương cự với những đòi hỏi trắng trợn, và tránh không lao vào một cuộc đối đầu, là một con đường rất hẹp. Đó là những gì đang diễn ra, và lối thoát sẽ quyết định một phần thế giới trong những năm sắp tới.
Trong thế giới của loài ăn thịt, động vật ăn cỏ bị xơi tái trước tiên
Tương tự, tác giả Luc de Barochez trên Le Point cho rằng « Châu Âu đã mất đi tiếng nói ở Ukraina ». Cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên của năm 2022 khiến chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Pháp, cũng như tân chính phủ Đức của ông Olaf Scholz đều lúng túng. Thật tương phản với nhiệm kỳ chủ tịch EU năm 2008, khi đó tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy với sự ủng hộ của bà Angela Merkel đã đến Tbilissi và Matxcơva để thương lượng ngưng bắn giữa Nga với Gruzia !
Có nhiều lý do khiến Putin chỉ muốn đối thoại với Hoa Kỳ, gạt EU ra ngoài lề : chính quyền mới ở Berlin thiếu kinh nghiệm, Pháp sắp bầu cử tổng thống, Ba Lan bị cô lập về chính trị, thủ tướng Mario Draghi đang trong tình thế bất ổn ở Roma, chưa kể những khó khăn của thủ tướng Anh Boris Johnson. Sâu xa hơn, là sự lệ thuộc vào khí đốt Nga do chủ trương của Đức về ống dẫn khí Nord Stream 2, do dự về quốc phòng chung châu Âu, yếu thế về địa chính trị. Đành rằng kẻ mạnh luôn áp đặt luật lệ với kẻ yếu, nhưng vấn đề là Nga - với nền kinh tế chỉ tương đương Ý - lại có thể chèn ép toàn thể Liên Hiệp Châu Âu.
Theo Le Point, Paris và Berlin không thể để yên cho Nga chà đạp lên những nguyên tắc căn bản đã làm nên hòa bình cho châu Âu : biên giới bất khả xâm phạm, quyền tự quyết của các dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền tự do chọn lựa liên minh. Khi phơi bày những điểm yếu của mình, coi như EU mời gọi những thế lực như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc khai thác những chia rẽ. Trong một thế giới của loài ăn thịt, những động vật ăn cỏ là các nạn nhân bị xé xác trước tiên.
Theo RFI
Comments powered by CComment