Group News: Tin sản xuất
 
* Xin dừng đọc nếu bạn dưới 16 tuổi mà chưa có sự cho phép của phụ huynh.
* Tôi chưa bao giờ có quan hệ tình cảm, tình dục đồng thuận với Lương Ngọc An.
* Lương Ngọc An đã c.ưỡng h.iếp tôi như thế nào.
* Lương Ngọc An đã thao túng tôi trong thời gian dài như thế nào.
Bức ảnh năm Dạ Thảo Phương 18 tuổi.
Bức ảnh năm Dạ Thảo Phương 18 tuổi.
Tôi chưa bao giờ có bất cứ một quan hệ tình cảm, tình dục đồng thuận nào với Lương Ngọc An. Tôi khẳng định điều này và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tất cả các suy diễn, đồn thổi về một mối quan hệ tình cảm của tôi và Lương Ngọc An đều là hoàn toàn sai sự thật.
Nếu không biết chắc chắn, không có bằng chứng, thì trước khi phát ngôn hãy giả định nếu người thân của bạn rơi vào hoàn cảnh của tôi. Hãy ngừng những suy diễn vô căn cứ, những lời lẽ ác ý xâm hại danh dự và truy sát an ninh tinh thần của các nạn nhân đã rất tổn thương vì bị xâm hại tình dục như tôi.
CHỈ LÀ ĐỒNG NGHIỆP BÌNH THƯỜNG
Từ tháng 9.1996, tôi bắt đầu làm việc với tư cách phóng viên, biên tập viên ở tờ Văn nghệ Trẻ (thuộc báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam).
Lương Ngọc An về báo trước tôi nhiều năm, là nhân viên phòng Hành chính. Anh ta chuyên mua sắm cho cơ quan, lái xe, giúp việc cho ông Trương Vĩnh Tuấn, Phó Tổng biên tập (TBT) phụ trách hành chính của báo Văn nghệ.
Khoảng cuối năm 1998, ngoài phụ trách hành chính của báo Văn nghệ, ông Trương Vĩnh Tuấn kiêm thêm chức vụ phụ trách nội dung tờ Văn nghệ Trẻ. Lương Ngọc An cũng được đưa về Văn nghệ Trẻ làm báo.
Khi đó, một trong các công việc chính của tôi tại Văn nghệ Trẻ là đảm trách toàn bộ mảng văn hoá nghệ thuật. Tôi hay ở lại cơ quan làm việc muộn vì phải đi dự các sự kiện văn hoá nghệ thuật hoặc phỏng vấn, viết bài. Nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh v.v… đều từng hẹn trả lời phỏng vấn của tôi tại toà soạn vào buổi tối. Việc tôi ở lại cơ quan muộn luôn luôn vì đòi hỏi đặc thù của công việc. Nhiều nhân viên báo Văn nghệ cũng ở lại cơ quan làm việc muộn như vậy.
Thời gian này, Lương Ngọc An cũng thường xuyên ở lại báo sau giờ hành chính, đi loanh quanh giữa các tầng, dùng điện thoại cơ quan gọi cho ai đó, nói chuyện rất dài (hồi ấy internet và điện thoại di động còn chưa phổ biến và phí rất đắt). Thỉnh thoảng, Lương Ngọc An cũng ngồi ở phòng biên tập khi tôi ở đó viết bài. Có lần có cả các đồng nghiệp khác, có khi chỉ có anh ta và tôi.
Thời điểm đó ai cũng biết Lương Ngọc An vừa có vợ, vừa đồng thời yêu một phóng viên ở báo khác (tôi cũng biết chị). Anh ta nói: “Hết giờ làm chẳng biết đi đâu về đâu”. Anh ta bảo không muốn về nhà với vợ, cũng không gặp được người yêu vì chị phải dành thời gian buổi tối cho gia đình.
Lương Ngọc An tỏ vẻ khá chua chát về hoàn cảnh của mình, và so sánh với tôi: “Anh thì học hành lõm bõm, công việc lêu bêu, về đến nhà là nghe than phiền nhức hết đầu. Đâu phải như em, vừa nứt mắt xuất hiện đã giải nhất thơ toàn quốc, học hành bài bản, gia đình chiều chuộng, công việc hanh thông. Đúng là đời!”. Anh ta kể mình là người lăn lộn từng trải mọi giới ngoài xã hội, và gọi tôi là loại “hoa tủ kính”.
Tôi thấy tính cách và lối sống của Lương Ngọc An khác biệt với những giá trị của mình. Tuy không đánh giá cá nhân anh ta cao, tôi vẫn thân thiện và lịch sự với anh ta như với một đồng nghiệp bình thường.
Khoảng hai, ba lần, khi tôi xong việc, Lương Ngọc An rủ tôi đi gặp nhóm bạn là phóng viên ảnh. Tôi nhận lời vì đây là dịp tốt để một phóng viên trẻ mới vào nghề như tôi xây dựng mạng lưới công việc. Để tiện, tôi đi chung xe máy của Lương Ngọc An vì anh ta đi xe phân khối lớn tốc độ nhanh, còn xe của tôi là xe cub nhỏ, đường phố buổi tối tôi cũng không thông thạo. Mặc dù vậy, thời gian đó, Lương Ngọc An luôn cư xử đúng mực, tôi và anh ta không thân thiết, không có chút cảm tình giới tính nào.
Việc cùng đi gặp gỡ người trong giới là hoàn toàn bình thường với người làm báo. Tôi (cũng như các đồng nghiệp nữ khác) khi đi đến những cuộc gặp tương tự cũng có lúc đi chung xe với các đồng nghiệp nam vô tư khác như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, Phạm Ngọc Tiến,v.v… Cho rằng một vài lần đi chung xe như vậy nghĩa là có tư tình, là một cách suy diễn hủ lậu và thiếu thiện ý.
BỊ ĐÁNH ĐẬP, C.ƯỠNG H.IẾP
Có một lần, vào khoảng tháng 7.1999, sau khi tôi làm việc xong, Lương Ngọc An than “chán đời” và rủ tôi “đi loanh quanh bên ngoài cho anh đỡ buồn”. Tôi đồng ý. Anh ta chở tôi tới một quán chè chén nhỏ ngoài vỉa hè gần cầu Thăng Long. Hành xử của anh ta đến lúc này vẫn hoàn toàn bình thường.
Trên đường về nhà tôi, đến khu Hoàng Quốc Việt, Lương Ngọc An chợt kêu chóng mặt và dừng xe ngay trước một dãy nhà nghỉ. Anh ta bóp trán kêu đau đầu, làm tôi rất lo lắng. “Vào đây nghỉ tí cho anh đỡ chóng mặt đã” - Anh ta nài nỉ, kéo tay tôi vào nhà nghỉ. Tôi kiên quyết: “Không, em không vào. Anh mệt anh vào đi, em tự về”. Anh ta nhăn nhó: “Trời tối em về một mình anh yên tâm sao được, anh chóng mặt đi ngã lăn quay ra thì chết. Em để anh một mình lúc anh đau đầu thế này à. Vào nghỉ tí thôi, anh không làm gì em đâu. Gớm, anh coi mày như cô em gái ở cơ quan, ai thèm làm gì mày”.
Mặc dù còn bán tín bán nghi không biết sức khoẻ anh ta có gì nguy hiểm không, tôi vẫn phản đối quyết liệt. Nhưng anh ta nhất định không buông tay. Chúng tôi giằng co nhau trước cửa nhà nghỉ, nhân viên bắt đầu nhìn ra, người đi đường nhìn vào. Việc đi với Lương Ngọc An lúc trước tôi thấy là hoàn toàn bình thường, giờ khi bị mọi người để ý, tôi chợt thấy đó là điều bố mẹ tôi không bao giờ chấp nhận.
Tôi trở nên hoảng hốt, lo sợ nhỡ có người quen đi đường nhìn thấy tôi đang giằng co trước cửa nhà nghỉ với một người đàn ông. Tôi tiếp tục giằng tay khỏi anh ta: “Buông tay em ra, mọi người nhìn kìa”. Lương Ngọc An nhận ra nỗi sợ bị nhòm ngó của tôi, bèn được thể kéo tôi vào trong sảnh, bảo: “Sợ bị nhìn thì vào đây. Nghỉ chút cho anh đỡ đau đầu thôi rồi về, không ai làm gì đâu”.
Trong một vài phút ngắn ngủi đó, tôi bị mắc kẹt trong một tình huống hoang mang- vừa sợ bước vào trong, vừa sợ nếu cứ giằng co ở ngoài thì sẽ bị mọi người nhòm ngó. Lợi dụng khoảnh khắc tôi đang bấn loạn bối rối như vậy, Lương Ngọc An vừa túm chặt tay tôi, vừa nhanh chóng nhận chìa khoá, đẩy tôi vào phòng, sập cửa.
Anh ta lập tức xô tôi ngã xuống giường, dùng vũ lực c.ưỡng h.iếp. Tôi sợ hãi cực độ, vừa hết sức chống cự, vừa cố gắng van nài: “Anh dừng lại ngay đi, chúng ta là đồng nghiệp cơ mà. Anh dừng lại đi, ít nhất cũng là vì người yêu của anh. Người yêu anh sẽ buồn lắm đấy”.
Vừa van vỉ, tôi vừa vật lộn dữ dội chống lại Lương Ngọc An, đạp, cắn, cào, cấu anh ta, đập đầu anh ta vào thành giường. Chúng tôi đánh nhau cật lực một lúc, đột nhiên, Lương Ngọc An dừng lại, nằm thở mệt. Vì tôi mải đánh nhau, và thời gian anh ta xâm phạm vào trong cơ thể tôi quá ngắn ngủi, tôi thậm chí còn không biết anh ta đã hoàn thành hành vi c.ưỡng h.iếp. Tôi tưởng mình đã tự vệ thành công. Tôi chạy ngay ra cửa thoát thân, Lương Ngọc An đuổi theo, xin lỗi tôi.
Tối hôm đó, Lương Ngọc An gọi điện về nhà tôi nói rằng, khi bố anh ta hỏi về những vết thâm tím trên mặt mũi, anh ta đã nói: “Bị người yêu cắn”. Nghe vậy, tôi vô cùng tức giận, nói: “Anh là thằng khốn nạn c.ưỡng h.iếp tôi, tôi không phải là người yêu của anh”.
Tòa soạn báo Văn Nghệ
 
Hôm sau, đến cơ quan, Lương Ngọc An lại xin lỗi tôi và nói: “Hôm trước anh bậy quá, em đừng giận anh nhé. Anh thề không bao giờ làm thế nữa”. Còn tôi, trong lòng vô cùng sợ hãi, hoang mang vì những điều khủng khiếp đã xảy ra. Tôi không dám nói chuyện bị cưỡng hiếp với bố mẹ, bạn bè, cơ quan, cũng không thể tự dưng bỏ việc. Việc bị c.ưỡng h.iếp càng làm tôi có tâm lý bất lực, mất tự tin vào bản thân.
Không biết làm gì để bảo vệ mình, tôi chỉ biết sợ hãi tránh mặt anh ta mọi lúc có thể.
BỊ ĐEO BÁM, THAO TÚNG
Sau đó mấy ngày, cuối giờ trưa, khi tôi đang ngồi ở phòng tiếp cộng tác viên của Văn nghệ Trẻ cho yên tĩnh để viết bài, thì Lương Ngọc An xô cửa vào. Anh ta dùng sức mạnh khống chế, ôm hôn, nói nhớ tôi không chịu được. Tôi chửi mắng và chống cự quyết liệt, cố gắng xô anh ta vào tủ tài liệu, dùng cây bút bi đang viết bài đâm vào người anh ta. Tôi nói: “Anh không dừng lại, tôi sẽ kêu cứu, sẽ báo cáo với cơ quan!”. Lương Ngọc An nhếch mép giễu cợt: “Để anh kêu hộ em cho to hơn nhé, cứu tôi với, cứu tôi với, làng nước ôi, cơ quan ôi, tôi đang bị hiếp này!”. Thái độ nhơn nhơn trơ tráo đó của Lương Ngọc An khiến tôi vừa hoảng sợ, vừa hoang mang tột độ. Tôi nghĩ rằng Lương Ngọc An đâu có sợ bị cơ quan biết, tôi có kêu cứu thì chỉ mình tôi mang tiếng thiệt thân.
Tôi là một phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, cả đời chưa phải làm việc nặng. Trong khi đó, Lương Ngọc An là một nam thanh niên ngoài 30 tuổi, là cựu lính tăng và từng là lái xe nhiều năm ở báo Văn nghệ. Tôi không đủ sức khoẻ chống lại nổi anh ta. Tôi đã bị anh ta đánh đập rồi làm nhục.
Sau đó, Lương Ngọc An còn cưỡng bức tôi thêm một vài lần nữa ở toà soạn. Lần nào anh ta cũng ra sức đánh đập, vặn tay, thúc gối vào bụng, giật tóc, khiến tôi tối tăm mặt mũi, choáng váng sợ hãi. Lần nào tôi cũng phản đối rõ ràng bằng lời nói và đánh trả quyết liệt hết sức mình. Tôi cắn, đấm, đá, dùng bút đâm anh ta, rút tay nắm cửa bằng sắt của phòng tiếp cộng tác viên (đã bị long ra từ trước) đánh vào đầu anh ta, cào chảy máu mặt anh ta.
Cách anh ta dùng bạo lực khiến tôi có cảm giác chủ đích của anh ta là làm nhục tôi, chứ không phải vì nhu cầu tình dục. Đáp lại, tôi chỉ có uất ức, căm thù, nhưng bất lực.
Anh ta thậm chí còn bí mật đeo bám, tìm đến nhà riêng của tôi để tấn công.
Dạ Thảo Phương là ai? Nữ nhà thơ đương đại tiêu biểu của Việt Nam, tác giả 'Bài thơ về 5 chiếc lá' - Ảnh 4
Dạ Thảo Phương ( hiện tại)
 
Khi đó, bố mẹ tôi có mua thêm một căn hộ nhỏ trong dãy nhà tập thể ở gần chợ Bưởi, tôi ở đây một mình một thời gian trông nhà cho bố mẹ. Lương Ngọc An đến vào giờ khuya, đập cửa gọi tên tôi ầm ĩ. Thấy tôi kiên quyết không mở cửa, anh ta đỗ xe ở ngay trước nhà, nằm dài trên yên xe cả tiếng đồng hồ, trơ tráo mặc mọi người đi qua đi lại nhìn ngó và nhắc đỗ gọn xe không chiếm lối đi. Đến khi hàng xóm phải mắng mỏ, tôi sợ mang tiếng cho gia đình nên đành mở cửa đuổi anh ta về. Anh ta liền dùng sức mạnh xô cửa vào, dùng vũ lực tấn công.
TẠI SAO TÔI KHÔNG DÁM KÊU CỨU
Lương Ngọc An đã luôn chọn địa điểm và thời gian mà tôi không thể không có mặt. Anh ta lợi dụng tâm lý “sợ mang tiếng”, “sợ gây chú ý”, “sợ mất danh dự” của một cô gái trẻ để thao túng, khống chế, đe doạ rồi dùng bạo lực cưỡng hiếp tôi.
Khi xảy ra sự việc, tôi chỉ là một cô gái mới ra trường, ngoài 20 tuổi, chưa chồng, mỏng vốn sống, thiếu bản lĩnh. Sinh ra trong một gia đình gốc Bắc truyền thống, tôi lớn lên với những quan niệm thủ cựu về giới tính, về danh dự gia đình.
Chính vì thế, khi bị tấn công, điều tôi lo nghĩ nhất không phải là bản thân mình mà là gia đình mình. Lúc đó, tôi sợ nếu mình bị đàm tiếu liên quan đến người khác giới, bố mẹ tôi sẽ cho đó là nỗi nhục nhã chôn vùi danh dự gia đình. Tôi đã suy nghĩ một cách rất cổ hủ rằng tôi cần phải bảo vệ gia đình mình khỏi nguy cơ “mang tiếng” bằng mọi giá, kể cả cái giá đó là sự khổ nhục thầm lặng của tôi. Tôi đã thiếu coi trọng bản thân đến mức nghĩ rằng, bản thân tôi không đáng giá bằng cái gọi là “điều tiếng xung quanh” hão huyền đó.
Tôi còn lo sợ rằng nếu tôi kêu cứu, cũng chẳng ai tin tôi vô tội. Họ sẽ cho rằng tôi tự chuốc hoạ vào thân khi con gái chưa chồng lại chọn một nghề phải đi lại nhiều như nghề báo, khi đi làm về muộn, khi dám một mình đi với người khác giới. Họ sẽ cho rằng tôi phải là một đứa con gái thế nào, phải làm gì sai trái nên mới bị quấy rối và tấn công như vậy. Tôi thậm chí tin rằng kể cả khi họ biết tôi là nạn nhân, thiên hạ cũng sẽ coi tôi là một đứa con gái đã bị vấy bẩn, vô giá trị. Chỉ nghĩ đến đó tôi đã muốn tự giết chính mình cho xong.
Chính vì những nỗi sợ hãi do thiếu hiểu biết này, tôi đã chưa bao giờ dám nghĩ đến kêu cứu hay kể cho ai biết.
Là một người dày dạn kinh nghiệm, Lương Ngọc An nhanh chóng nắm được điểm yếu của tôi. Anh ta biết tôi còn non trẻ. Anh ta biết tôi đã bị sự sợ hãi bắt làm con tin, hay đúng hơn, danh dự của tôi và gia đình đã trở thành con tin của anh ta. Vậy nên anh ta rất ngang nhiên và thách thức. Anh ta là kẻ thủ ác, nhưng lại làm chính tôi sợ hãi, không dám lộ ra tội ác của anh ta. Một đồng nghiệp ở cơ quan hỏi về vết xước trên trán anh ta (do bị tôi cào khi chống cự lại anh ta). Ngay trước mặt tôi, anh ta liếc tôi có ý đe doạ, rồi cười nhạt bảo: “Mèo dữ cào”.
Lương Ngọc An lúc ấy đã làm ở báo được khoảng 10 năm, có quan hệ cộng sinh với nhiều người có thế lực. Tôi là một phóng viên mới vào nghề, chỉ say mê công việc, không thân thiết vây cánh với ai.
Yêu văn chương, gắn bó với cơ quan, nghĩ đó như gia đình thứ hai sẽ theo mình suốt cuộc đời, chuyện bỏ việc với tôi khi đó cũng khó như bỏ gia đình vậy.
Tôi không biết phải làm gì để thoát khỏi hoàn cảnh khốn đốn của mình.
 
*** (Tôi sẽ tiếp tục kể sự thật câu chuyện của mình)
 
DẠ THẢO PHƯƠNG

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.