Group News: Tin copy

Nuôi 5 đứa em là một việc khó với Giàng A Sàng, nhưng khó nhất là mỗi khi em hỏi "Mẹ đâu?" bởi chính cậu cũng không biết mẹ đi đâu suốt ba năm qua.

Buổi chiều cuối tháng 1, khi lội con đường bùn đất dài hơn một km đến trường mẫu giáo đón em út Giàng A Chính, 5 tuổi về nhà, chàng trai vừa bước sang tuổi 18 lại phải im lặng khi đứa em hỏi lại câu đó.

Về nhà, cậu đưa em đi tắm rồi nổi lửa thổi cơm. Cơm chiều nay của hai anh em có cơm trắng ăn cùng muối. Bữa nào sang mới thêm bát canh rau dại bòn trên rừng.

Bằng tuổi Sàng, bạn bè ở bản Huổi Hẹt, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé đã lấy vợ, sinh con, nhưng cậu chẳng dám để ý đến việc đó bởi vẫn đang mang trách nhiệm làm bố, làm mẹ của năm đứa em (hai trai, ba gái) suốt ba năm qua kể từ ngày bố mất, mẹ bỏ đi.

Trước năm 2018, khi bố Sàng vẫn còn, tám miệng ăn trong nhà trông chờ vào ba sào ruộng ông bà nội cho mượn, cùng cặp trâu. Nhà nghèo, nhưng cả sáu anh em đều được đến trường. Đứa nhỏ học mẫu giáo trong bản, anh chị lớn học nội trú dưới xã, cách nhà hơn chục km.

Là anh lớn, Sàng thường lên nương phụ bố mẹ cấy cày, chăn trâu, quán xuyến việc nhà mỗi cuối tuần được nghỉ học. "Nó còn nhỏ nhưng chăm chỉ lại hiểu chuyện, việc gì cũng làm, lại biết bảo ban các em học tập đỡ bố mẹ", người hàng xóm tên Doanh, nói.

Giàng A Sàng tại nhà ở bản Huổi Hẹt chiều 20/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Giàng A Sàng tại nhà ở bản Huổi Hẹt chiều 20/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tháng 8/2018, bố Sàng qua đời sau một trận ốm, không lâu sau mẹ em bỏ đi. Cậu bé khi đó mới 15 tuổi phải nhận trách nhiệm chăm sóc đứa út mới tròn hai tuổi cùng bốn em khác đang học tiểu học và cấp hai. Ngày mẹ đi, thằng bé A Chính chưa dứt sữa, gào khóc đến lạc cả tiếng. "Nín đi, mẹ sắp về rồi", Sàng dỗ em, nhưng chính cậu cũng không biết mẹ ở đâu, bao giờ về.

Sau biến cố, ông bà nội bán mảnh ruộng gia đình Sàng đang cày cấy cho người khác, cặp trâu cũng sảy chân rơi xuống khe núi chết. Tài sản của sáu anh em chỉ còn ngôi nhà gỗ dựng tạm cùng hai bụi chuối trồng trước nhà.

Để nuôi em, Sàng xin nghỉ học cùng một vài người trong bản xuống thành phố Điện Biên làm phụ hồ. Đứa em gái thứ hai Giàng Thị Mai, mới học lớp 6 cũng thôi học để chăm A Chính, thay anh quán xuyến việc gia đình khi ba em đi học. "Phải chia nhau ra, đứa đi làm, đứa trông em, mới sống được", Sàng tâm sự với Mai, sau mỗi tháng gửi về nhà ba triệu đồng.

Gần một năm đi làm, Sàng về nhà khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Về bản, cậu xin làm nhiều nơi nhưng 100% gia đình tại bản Huổi Hẹt đều thuộc hộ nghèo chẳng có ai thuê cậu. Sáu anh em cố bám trụ vào số tiền tích góp lúc Sàng còn đi làm.

Mỗi ngày, cậu dậy từ 6h sáng để chuẩn bị cơm cho các em, sau giặt đồ, dọn nhà, rồi lên rừng chặt củi, bòn rau dại. Có hôm nhà hết gạo, tiền tích góp không còn, Sàng đành đi bộ hơn bốn km xuống nhà người cô xin thóc. "Xin ít thôi, nhà cô nghèo, không có đâu", Sàng lí nhí kể.

Giữa năm 2020, Giàng Thị Mai lấy chồng cùng xã khi tròn 15 tuổi. Ngày tiễn em gái về nhà chồng, cậu anh cả cúi gằm mặt xấu hổ vì không có gì cho em.

Giàng Thị Mầu, 14 tuổi ngồi trước nhà cùng em út Giàng A Chính, 5 tuổi và anh cả, chiều 20/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Giàng Thị Mầu, 14 tuổi ngồi trước nhà cùng em út Giàng A Chính, 5 tuổi và anh cả Giàng A Sàng, chiều 20/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Ông Lý A Dũng, trưởng bản Huổi Hẹt cho biết, hoàn cảnh của năm anh em Giàng A Sàng vô cùng khó khăn. Bố mất, mẹ bỏ sang Trung Quốc đi làm nhiều năm chưa về, họ hàng đều nghèo lại ở xa không ai cưu mang. Chính quyền địa phương khi có cơ hội đều tận tình giúp đỡ. Nhưng ở xã nghèo nhất huyện này, cơ hội cũng chẳng mấy khi có. "May là vừa rồi anh em Sàng được hỗ trợ dựng một căn nhà tình nghĩa thay cho căn nhà cũ dột nát", ông Dũng nói.

Sau gần hai năm biệt tích, mẹ Sàng đột nhiên gửi tiền về, được khoảng bốn lần, mỗi lần vài triệu. Lần nào nhận tiền, Sàng đều dẫn các em xuống chợ mua quần áo, cùng vài bao thóc dự trữ. Riêng mình, Sàng nói chẳng cần gì, chỉ mong lo đủ cho các em.

"Anh luôn nói chỉ thích ăn cơm với muối, chứ ghét thịt, cá. Rồi nhường hết cho chúng em", Giàng Thị Giờ, 9 tuổi, học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Kè số 2, em gái thứ năm của Sàng, nói. Biết Giờ mồ côi bố, mẹ bỏ đi, nhiều đứa trẻ trong bản thường chọc ghẹo "Mẹ mày đâu? Mẹ bỏ mày đi rồi à?". Không đáp trả, cô bé 9 tuổi mím chặt môi, mếu máo chạy về mách anh. "Kệ họ đi em", Sàng thở dài bất lực.

"Sáu anh em chúng khổ lắm, khó khăn chồng chất từ ngày bố mất. Sàng thông minh, tiếp thu nhanh, nếu còn đi học thì học tốt lắm. Nhưng bất đắc dĩ phải nghỉ học để nuôi em. Thầy cô biết hoàn cảnh đặc biệt, mỗi dịp có chính sách hỗ trợ đều kêu gọi giúp đỡ", cô Lò Thị Hiêm, 39 tuổi, giáo viên tại điểm trường Huổi Hẹt, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Kè 2, nói.

Năm 2020, gia đình Sàng được hỗ trợ dựng căn nhà ghép mới, bên cạnh căn nhà cũ dột nát. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Năm 2020, gia đình Sàng được hỗ trợ dựng căn nhà ghép mới, bên cạnh căn nhà cũ dột nát. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thấy anh vất vả, không ít lần em gái thứ tư Giàng Thị Mầu, 14 tuổi, đang học lớp 7, nói sẽ nghỉ học ở nhà trông em, để anh đi làm kiếm tiền, nhưng Sàng phản đối gay gắt. "Các em phải đi học, phải biết con chữ mới thoát nghèo, đừng bỏ học giữa chừng như anh", cậu nói.

Nhận trách nhiệm nuôi năm em, cậu bé Giàng A Sàng nay đã 18 tuổi bộc bạch sẽ không lấy vợ, bởi em còn phải đi làm kiếm tiền nuôi bốn em ăn học, ít nhất cũng hết cấp ba. Và để mỗi bữa cơm của các em đều có thịt thay vì cảnh bữa đói, bữa no.

Theo VnExpress


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.