Group News: Tin copy

Hơn 500 công ty tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do đơn đặt hàng từ các nước bị cắt giảm, khiến cho khoảng 637.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó 53.000 người đã mất việc làm, theo một thống kê mới công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam.

Công nhân làm việc tại một xưởng dệt may ở ngoại thành Hà Nội.

Công nhân làm việc tại một xưởng dệt may ở ngoại thành Hà Nội.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, khoảng 102.000 công nhân đã bị cắt giảm giờ làm và 6.000 người bị sa thải, Việt Nam News dẫn nguồn từ Ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động thành phố cho biết.

Trưởng ban Nguyễn Thành Đô đã đề xuất chính phủ Việt Nam cần phải xem xét ban hành các gói hỗ trợ lãi xuất tiền vay để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính duy trì hoạt động và nên có gói cứu trợ lớn để hỗ trợ những người lao động bị ảnh hưởng.

Tại một cuộc họp chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi phải có các biện pháp cứng rắn để giữ cho thị trường lao động ổn định khi nền kinh tế đang tiến gần đến cuối năm. “Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động”, ông Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các ngành công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu suy giảm. Tuy nhiên, các nhà thầu cho các tập đoàn lớn như Nike, Adidas vẫn thưởng Tết cho công nhân dù đơn hàng bị sụt giảm để chia sẻ gánh nặng của người lao động, theo AFP.

Công ty chuyên gia công giày Pouyuen, nơi có đông công nhân nhất TPHCM với khoảng 50.000 người trước đó thông báo rằng 18.000 công nhân sẽ phải thay phiên nghỉ vào các ngày thứ Bảy kể từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 2 năm 2023 do số lượng đơn đặt hàng giảm.

Đại diện công ty này cho biết sẽ tăng tiền thưởng Tết nhằm giảm bớt gánh nặng cho người lao động dù số lượng đơn hàng về cuối năm có giảm.

Tại Bình Dương, một trong những trung tâm của các khu công nghiệp, số nhân công bị giảm giờ làm của tỉnh này vào khoảng 240.000, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 140.000, số lao động đang tạm hoãn hợp đồng khoảng 30.000 người, theo thống kê của Ban Chính sách pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Bình Dương.

Nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu, cảnh báo nếu không giải quyết tốt tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm sẽ gây tác động tiêu cực không chỉ trên đời sống người dân mà còn cả về an ninh trật tự.

Hãng thông tấn AFP dẫn lời một số công nhân ở Việt Nam cho biết tình hình mất việc hay giảm thu nhập của người lao động hiện nay “còn tệ hơn cả trong đại dịch”, thời điểm mà nhiều công nhân đã phải xin tiếp tế thực phẩm vì bị phong toả tại nhà.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách và Pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động TPHCM, dự báo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn trong quý I và có thể kéo dài đến hết quý II năm 2023, khiến nhiều người lao động không có việc làm hay bị giảm thu nhập.

Theo VOA


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.