Gia huấn, gia quy truyền thống có chứa đựng rất nhiều trí tuệ đối nhân xử thế, hơn nữa đều rất chất phác, hữu dụng. Có thể nói, gia huấn gia quy là tài sản quý giá trong gia giáo truyền thống, vẫn khởi tác dụng to lớn trong giáo dục gia đình hiện đại.

1. Câu chuyện Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà

Mạnh Tử: “Không quy củ thì không thành vuông tròn (ý nói thành tài đức)”.

Khi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở rất gần nghĩa địa. Mạnh Tử đã học các việc như cúng tế lễ bái, chơi các trò chơi cử hành tang lễ.

Mẫu thân của ông nhận thấy nơi này không thích hợp với trẻ con, bèn chuyển nhà đến gần chợ. Mạnh Tử học cách mua bán.

Mẫu thân cảm thấy nơi này vẫn chưa thích hợp với trẻ con, lại dời nhà đến gần trường học. Thế là Mạnh Tử học được lễ tiết tiến thoái và cúc cung hành lễ ở triều đình.

Mạnh Mẫu nói: “Đây mới đúng là nơi cư trú thích hợp của con trẻ”. Bà liền định cư ở đây.

Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà. (Ảnh: sohu.com)

2. “Mệnh tử Thiên” của Tư Mã Đàm

“Mệnh tử Thiên”: “Phàm người có hiếu thì bắt đầu bằng việc thờ cha mẹ, tiếp đến là thờ vua, cuối cùng là lập thân. Dương danh hậu thế để hiển dương cha mẹ, đó là đại hiếu”.

Tư Mã Đàm học vấn uyên bác, làm Thái sử lệnh của Hán Vũ Đế, thường được gọi là Thái Sử Công. Ông quản lý thiên văn chiêm tinh lịch pháp, ngoài ra còn quản lý các ghi chép, tìm kiếm thu thập bảo tồn các văn hiến điển tịch.

Tư Mã Đàm lúc lâm chung đã cầm tay con trai là Tư Mã Thiên, vừa khóc vừa căn dặn: Hy vọng sau khi cha mất, con có thể kế thừa được sự nghiệp của cha, không được quên biên soạn sử sách.

Tư Mã Thiên không phụ giáo huấn của cha, cuối cùng đã viết được bộ “Sử ký”, được ca ngợi là “Bản Ly Tao không vần, tuyệt tác của sử gia”, sử xanh lưu danh muôn thuở.

Có người nói, không có “Mệnh tử Thiên” thì không có “Sử ký” Tư Mã Thiên.

3. “Giới tử thư” của Gia Cát Lượng

“Giới tử thư”: “Tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng đức. Không đạm bạc không lấy gì để tỏ rõ chí hướng, không yên tĩnh không lấy gì để tiến xa được”.

Gia Cát Lượng 46 tuổi mới có con là Gia Cát Chiêm. Ông rất thích người con này, hy vọng con sau này sẽ thành rường cột quốc gia.

Gia Cát Lượng có hai người chị. Chị hai sinh con trai gọi là Bàng Hoán, được Gia Cát Lượng rất yêu quý.

Gia Cát Lượng quanh năm chinh chiến, chính sự đầy mình, nhưng vẫn không quên giáo dục con cháu.

Ông đã viết 2 bức thư gửi cho Gia Cát Chiêm và Bàng Hoán, được gọi là “Giới tử thư” (Thư răn dạy con) và “Giới ngoại sanh thư” (Thư răn dạy cháu).

Trong thư ông đã bày tỏ kỳ vọng đối với con trai và cháu trai: Làm người cần gây dựng lý tưởng to lớn cao xa, theo các bậc tiên hiền, tiết chế tình cảm và ham dục, gạt bỏ những suy nghĩ thế tục u uất trong lòng. Phải để chí hướng cao thượng tiếp cận với bậc Thánh hiền kia được thể hiện rõ ràng ra trên thân mình, khiến bản thân nội tâm chấn động, tâm lĩnh thần hội.

Gia Cát Lượng để lại 2 phong thư chứa cả ‘gia tài’ cách dạy con, nghìn năm nguyên giá trị. (Ảnh: dkn.tv)

4. Lang Gia Vương Thị: đệ nhất danh gia vọng tộc

“Lang Gia Vương Thị gia huấn”: “Lời nói và hành động đi đôi với nhau, thì giữ chữ tín làm đầu. Nhường cái tốt đẹp cho người, nhận cái sai xấu về mình, là cao tột bậc của đức. Dương danh trên đời làm hiển danh cha mẹ, là tột bậc của hiếu. Anh em hòa thuận vui vẻ, gia tộc mừng vui, là tột bậc của hiếu đễ. Trước tiền tài, không gì tốt bằng nhường người. 5 điều này chính là cái gốc lập thân”.

Trong “Nhị thập tứ sử” có chép, từ thời Đông Hán đến đời Minh Thanh, trong khoảng 1700 năm, dòng họ Vương ở Lang Gia đã xuất hiện các danh tài kiệt xuất như Vương Cát, Vương Đạo, Vương Hy Chi, Vương Nguyên Cơ v.v., đã bồi dưỡng được 35 tể tướng, 36 hoàng hậu, 36 phò mã và 186 văn nhân danh sỹ nổi tiếng.

5. Bao Chửng: Không theo chí hướng ta thì không phải là con cháu ta

Bao Chửng: “Con cháu đời sau làm quan lại, ai phạm phải tham ô hối lộ, lạm dụng của công thì không được về quê cha đất tổ. Sau khi kẻ đó chết cũng không được chôn ở khu mộ dòng tộc”.

Bao Chửng rất quen thuộc với mọi người với tên gọi Bao Công, là vị quan nổi tiếng công chính liêm khiết, cương trực không sợ cường quyền, chấp pháp như sơn.

Trước khi qua đời, ông đã răn dạy cháu con rằng: “Con cháu đời sau làm quan lại, ai phạm phải tham ô hối lộ, lạm dụng của công thì không được về quê cha đất tổ. Sau khi kẻ đó chết cũng không được chôn ở khu mộ dòng tộc. Nếu không làm theo tâm ý của ta, thì không phải con cháu hậu duệ của ta”. Rồi bảo con trai là Bao Củng khắc lên bia đá dựng ở bức tường phía đông căn nhà, để con cháu các đời sau noi theo.

Chỉ mấy chục chữ ngắn ngủi đã ngưng kết một thân chính khí, hai tay thanh phong của cuộc đời Bao Công, tuy đã trải qua ngàn năm vẫn là bài gia huấn đáng để người đời sau học tập.

6. Âu Dương Tu: Ngọc bất trác bất thành khí

Âu Dương Tu: “Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ quý. Người không học thì không biết đạo lý. Nhưng ngọc là vật, có đức trường tồn bất biến, tuy không mài giũa thành món đồ quý, cũng không có hại gì đến ngọc. Tâm tính con người thay đổi theo ngoại vật, nếu không học thì sẽ không trở thành bậc quân tử được, mà sẽ là kẻ tiểu nhân, có thể không ghi nhớ sao”.

Khi Âu Dương Tu 4 tuổi thì phụ thân qua đời, mẫu thân đã giáo dục ông rất nghiêm khắc.

Để tiết kiệm chi tiêu, mẫu thân đã dùng lau sậy, than củi làm bút, viết lên đất hoặc cát để dạy Âu Dương Tu biết chữ.

Trong bản gia huấn của mình, Âu Dương Tu hy vọng con cháu có thể kế tục tập quán chăm chỉ đọc sách, đồng thời từ trong sách học được đạo lý làm người.

Âu Dương Tu – Ngọc bất trác bất thành khí. (Ảnh: dkn.tv)

7. Người thân thiết nhất không ai bằng phụ huynh

Viên Thái: “Người thân thiết nhất không ai bằng phụ tử huynh đệ”.

Viên Thái là người tài đức song toàn. Ông dùng đạo lý Nho gia quản lý chính sự, nổi tiếng là người liêm chính công minh cương trực, hơn nữa ông rất coi trọng giáo hóa người dân.

Khi làm huyện lệnh Lạc Thanh, ông cảm khái năm xưa Tử Tư hoằng dương đạo Trung Dung trong bách tính, bèn viết sách “Viên thị thế phạm” để thực hiện giáo dục luân lý.

Cuốn sách này luận thuật kiến giải rất cao minh, dẫn dắt từ đơn giản đến thâm sâu, như lời lẽ thường ngày rất dễ lĩnh hội và học tập, cho nên được gọi là “Tục huấn”.

Trong sách có rất nhiều câu vô cùng đặc sắc như: “Tiểu nhân nên tránh xa”, “Trách mình nặng trách người nhẹ”, “Tiểu nhân làm ác không cần can gián”, “Thành gia bởi lo nghĩ e sợ, phá gia bởi lười biếng sao nhãng”, “Kẻ bè đảng không biết tự cảnh tỉnh” v.v.

Sách “Viên thị thế phạm” sau khi truyền ra thế gian, rất nhanh chóng trở thành sách giáo khoa giáo dục trẻ em trong các trường tư thục, đồng thời được các bậc sỹ đại phu các thời đại tôn sùng.

8. Tả Tông Đường: Hàng ngày không tiến thì sẽ lùi

Tả Tông Đường: “Việc học kiến thức tài năng, hàng ngày không tiến thì sẽ lùi. Nên lúc nào, việc gì cũng phải lưu tâm dốc sức chỗ trọng yếu. Việc không có to nhỏ, đều có lý đương nhiên, với mỗi sự việc, đi đến tận cùng của lý lẽ, chẳng phải đó là học sao?”

Tả Tông Đường 20 tuổi bắt đầu tham gia thi tiến sỹ, trong 6 năm 3 lần vào kinh dự thi, đều thất bại trở về.

Chàng khóa sinh thi trượt liên tiếp thế này tưởng như mất hết tinh thần khí phách, cuối cùng lại trở thành viên quan địa phương lớn, thu phục Tân Cương, trở thành anh hùng dân tộc.

Học thức và tài năng, nếu một ngày không dụng tâm thì sẽ tụt khoảng cách một ngày, nếu ngàn ngày không dụng tâm, thì sẽ bị tụt khoảng cách ngàn ngày.

Bất kể sự vụ gì, bất kể nó nhỏ bé như thế nào, nó đều có thể chứa đựng lượng thông tin và quy luật to lớn. Do đó lúc nào, ở đâu cũng phải lưu tâm, cần phải chăm chỉ rèn giũa.

Học thức và tài năng, nếu một ngày không dụng tâm thì sẽ tụt khoảng cách một ngày.

9. Gia huấn 16 chữ của họ Tăng

Tăng Quốc Phiên: “Nhà cần kiệm thì hưng thịnh, người cần kiệm thì mạnh khỏe. Biết cần kiệm thì mãi mãi không nghèo hèn”.

Tăng Quốc Phiên luôn luôn yêu cầu người nhà sống cần kiệm chất phác, tránh xa xa hoa.

Ông ở kinh thành thấy con em các gia đình danh gia vọng tộc sống xa hoa hủ bại, vung phí tiền tài vô độ, nên không cho con cái đến sống ở kinh thành.

Phu nhân của ông đem con cái về quê sống, ở ngoài cổng không được treo biển “Tướng phủ”, “Hầu phủ”.

Tăng Quốc Phiên yêu cầu: “Dẫn dắt gia quyến bằng liêm khiết, giữ nếp nhà bằng cần kiệm, thề không dùng một xu tiền trong quân đội vào việc nhà”.

Phu nhân ở nhà không có dư tiền của, phải tự mình bếp núc, dệt vải vá may.

Tăng Quốc Phiên còn để lại cho hậu thế “4 điều di chúc”: Một là, cẩn thận cả khi ở một mình thì trong lòng bình lặng. Hai là, cung kính thì thân thể mạnh khỏe cường tráng. Ba là, truy cầu nhân ái thì người vui vẻ. Bốn là, tham gia lao động thì quỷ Thần cũng kính trọng.

Đồng thời nói: “Bốn điều này là tâm đắc mấy chục năm đối nhân xử thế của ta, anh em các con phải ghi nhớ mà thực hành, và truyền lại cho con cháu các đời sau. Như thế, nhà họ Tăng chúng ta có thể thịnh vượng lâu dài không suy bại, đời đời đều xuất hiện nhân tài”.

Tăng Quốc Phiên: “Nhà cần kiệm thì hưng thịnh, người cần kiệm thì mạnh khỏe. Biết cần kiệm thì mãi mãi không nghèo hèn”.

10. 10 điều cốt yếu dạy cháu con của dòng họ danh gia vọng tộc

Tiền Thị gia huấn: “Lòng không được đắc tội với Trời Đất, lời nói hành động không được hổ thẹn với Thánh hiền. Biết sửa lỗi lầm thì Trời Đất không nổi giận, biết an phận thì quỷ Thần không trách phạt”.

Ngô – Việt vương Tiền Lưu trước khi lâm chung đã đưa ra 10 yêu cầu đối với con cháu, được hậu thế gọi là “Võ Túc Vương di huấn”.

Trên cơ sở lý tưởng đạo đức Tu – Bình – Trị của Nho gia, xuất phát từ góc độ cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia, Tiền Lưu đã đặt ra chuẩn mực phép tắc hành vi chi tiết cho cháu con.

Hơn ngàn năm nay, các di huấn và gia huấn được truyền lại cho các đời, con cháu đời sau dốc sức thực hiện, trở thành cái gốc gây dựng dòng tộc, thành giềng mối để dòng tộc hưng thịnh.

Chủ nhân của giải Nobel hóa học năm 2008 – nhà khoa học gốc Hoa Tiền Vĩnh Khang, chính là hậu duệ của Tiền Vương.

Trải qua trên 30 đời, chỉ tính các viện sỹ khoa học trong và ngoài nước của dòng họ Tiền đã trên 100 người.

Có bình luận cho rằng: Gia tộc họ Tiền hưng thịnh ngàn năm, nhân tài liên tiếp xuất hiện là do gia tộc đã coi trọng mô hình giáo dục gia đình, giáo dục truyền thống, trong đó “Tiền Thị gia huấn” khởi tác dụng đặc biệt quan trọng.

Theo DKN