Từ cổ chí kim, người xưa vô cùng coi trọng việc hôn nhân đại sự. Cổ nhân giảng “Tu trăm năm mới chung chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”. Người ta đến với nhau bởi chữ duyên, sống cùng nhau bởi chữ nợ, do đó hôn lễ là một trong những việc lớn lao quan trọng. Trong phong tục hôn nhân cổ xưa, có một nghi lễ vô cùng quan trọng khiến mọi người vô cùng thích thú đó là “uống rượu giao bôi”.
Ảnh minh hoạ: Shutterstock.
Một hôn lễ có văn hóa, sôi động náo nhiệt và đậm chất lễ hội là thời khắc trọng đại nhất, hạnh phúc nhất trong đời người. Từ xa xưa, việc lấy rượu làm lễ nạp thái, lấy rượu làm vật bối giá là một trong những phong tục của cổ nhân xưa. Trong hôn lễ, tân lang và tân nương uống “rượu giao bôi” là nghi lễ quan trọng nhất, biểu thị sau này phu thê sẽ luôn yêu thương tôn trọng nhau vượt qua phong ba giông tố, nắm tay nhau khi vui cũng như khi buồn, vì vậy rượu mừng có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống.
Rượu giao bôi là một trong những nghi thức quan trọng trong nghi lễ hôn nhân của cổ nhân, trải qua hàng nghìn năm vẫn được lưu truyền phát triển đến ngày nay. Cô dâu chú rể cụng ly và uống chén rượu tràn đầy hạnh phúc, thể hiện rằng họ sẽ hòa làm một, yêu thương nhau, tay trong tay cùng nhau già đi; đồng thời cũng làm tăng thêm không khí vui mừng, yên bình cho lễ cưới.
Vào thời cổ đại, rượu giao bôi còn được gọi là “Rượu hợp cẩn, rượu hợp hoan” .”卺” âm Hán Việt là “Cẩn” ở đây vốn có nghĩa là một quả bầu chia làm đôi. Tương truyền phong tục này bắt nguồn từ thời Tiền Tần. Với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, các hình thức và dụng cụ uống rượu cũng ngày càng phát triển, phong phú và tiến bộ hơn.
Giao bôi xuất xứ từ Lễ hợp cẩn từ thời Tây Chu
Phong tục uống rượu giao bôi trong lễ cưới có nguồn gốc nghi lễ phong tục từ thời Tây Chu. Tuy nhiên khi đó gọi là “Hợp Cẩn”. Theo ghi chép trong “Lễ ký – Hôn nghĩa”: Cẩn “卺” vốn là đồ đựng rượu làm bằng quả bầu. Hợp cẩn chính là bổ quả bầu làm đôi, cô dâu chú rể mỗi người cầm một nửa rót rượu mời nhau trong lễ thành hôn. Đây là một loại bầu đắng không thể ăn được, thường được gọi là hồ lô đắng. Vì có hình dạng hồ lô nên người ta bổ nó làm đôi, vợ chồng mỗi người lấy một phần rồi uống. Lúc này, hai nửa quả bầu được nối với nhau bằng sợi chỉ tượng trưng cho hôn nhân gắn kết hai người như một, cùng ăn, cùng uống nghĩa là vợ chồng hòa hợp làm một. Nghĩa là từ sau này hai người sẽ đồng cam cộng khổ, cùng nhau chia sẻ vui buồn.
Khi nào Lễ hợp cẩn trở thành Lễ giao bôi?
Văn kiện ghi chép sớm nhất về hai chữ “giao bôi” là trong “Trần sử. Phong tục” của Vương Đắc Thần học giả thời Bắc Tống: “Lễ hợp cẩn trong hôn lễ của cổ nhân xưa, ngày nay cũng dùng hai chiếc ly nối với nhau bằng sợi chỉ, truyền cho nhau uống được gọi là giao bôi”. Có thể thấy từ thời Tống, dân gian đã thịnh hành lễ giao bôi. Tân lan và tân nương mỗi người uống một ngụm rượu, sau đó đổ hai ly rượu hòa vào làm một và lại chia vào hai ly cho hai vợ chồng, ngụ ý là trong ta có mình, trong mình có ta, cuối cùng để tân lang tân nương uống cạn. Tiếp theo đó ném keo ra ngoài cửa lớn để mọi người bên ngoài tranh nhau.
Trước triều đại nhà Đường, về cơ bản không có thay đổi lớn trong nghi thức rượu giao bôi trong hôn lễ. Ngoài việc tiếp tục sử dụng quy chế cổ xưa trong các đám cưới vào thời nhà Đường, còn xuất hiện ly (cốc) để thay cho “cẩn”.
Vào thời Mạt Thanh, nghi thức uống rượu giao bôi phát triển thành ba phần là hợp cẩn (ghép hai mảnh gáo lại với nhau), giao bôi (đan chéo tay nâng ly rượu) và nắm chặt tiền.
Lễ giao bôi của người hiện đại như thế nào?
Sau thời Trung Hoa Dân Quốc, lễ giao bôi là lễ ăn mừng, hai ly rượu được kết với nhau bằng dải lụa màu sắc, tân lang và tân nương cùng gọi tên nhau, mỗi người uống một chén tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng gắn kết như một. Bạn là tôi và tôi là bạn. Thời thế thay đổi, lễ cưới ngày càng tây phương hóa, lễ uống rượu giao bôi không còn là nghi thức sau khi động phòng mà được đặt định sẵn trên địa điểm tổ chức tiệc cưới và được tổ chức trước mặt cha mẹ, họ hàng, bạn bè. Mặc dù không còn mang ý nghĩa như ban đầu, nhưng cũng làm phong phú thêm bầu không khí vui vẻ của đám cưới, mọi người đều hân hoan chúc mừng.
Hôn lễ ngày nay chỉ còn là hình thức uống rượu giao bôi. Liệu tân lang và tân nương có còn hiểu được hàm nghĩa đồng cam cộng khổ trong đó hay không?
“Tu trăm năm mới chung chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”, vậy nên sau khi kết hôn, cô dâu và chú rể hãy trân trọng mối duyên này, và cùng nhau vun đắp tình cảm để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Theo ĐKN
Comments powered by CComment