Trong tổng số 21 ngành kinh tế thuộc báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ có duy nhất 2 lĩnh vực ghi nhận thu nhập bình quân tháng của nữ cao hơn nam.
Báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê vừa qua đã phản ánh sự khác nhau về thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương theo nghề nghiệp và giới tính. Hầu hết các nhóm nghề đều có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn 5 triệu đồng, chỉ riêng có nhóm lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất là gần 4,9 triệu đồng.
Đặc biệt, trong tổng số 21 ngành kinh tế thuộc báo cáo, chỉ có duy nhất 2 lĩnh vực ghi nhận thu nhập bình quân tháng của nữ cao hơn nam. Cụ thể, ngành thuộc các tổ chức và cơ quan quốc tế (*), chênh lệch thu nhập trung bình tháng giữa nữ và nam là khoảng 1,56 triệu đồng, với nữ ở mức 12,87 triệu đồng, nam ở mức 11,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý, ngành này có số lao động chiếm trong mẫu nhỏ, độ tin cậy thấp.
Ngoài ra còn có lĩnh vực hành chính và dịch vụ hỗ trợ có mức chênh lệch thu nhập bình quân giữa nam và nữ là 255 nghìn đồng, với thu nhập bình quân của nữ giới khoảng 7,12 triệu đồng, còn nam khoảng 6,8 triệu đồng.
Trong top 10 ngành có chênh lệch bình quân thu nhập giữa lao động nam và nữ cao nhất năm 2020, ngành khai khoáng chiếm vị trí đầu, mức chênh lệch hơn 2,35 triệu đồng/tháng, với nam ghi nhận thu nhập bình quân khoảng 8,55 triệu đồng, nữ khoảng 6,19 triệu đồng.
Tiếp theo là các lĩnh vực như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo; hoạt động các tổ chức và cơ quan quốc tế; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; thông tin và truyền thông; nông, lâm và thuỷ sản... với chênh lệch lần lượt là 1,9 triệu đồng; 1,6 triệu đồng; 1,56 triệu đồng; 1,44 triệu đồng; 1,41 triệu đồng; 1,3 triệu đồng...
Trong top 10 ngành có chênh lệch thu nhập bình quân thấp nhất giữa nam và nữ, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm ghi nhận khoảng cách nhỏ nhất, ở mức khoảng 233 nghìn đồng/tháng.
Theo sau là các lĩnh vực như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; vận tải kho bãi; dịch vụ khác; hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình... ở mức lần lượt 255 nghìn đồng, 484 nghìn đồng, 689 nghìn đồng, 748 nghìn đồng/tháng...
Ngoài ra, liên quan đến số giờ làm việc bình quân thực tế/tuần, số giờ làm việc bình quân/tuần của năm 2020 là 41,9 giờ/tuần, số giờ làm việc bình quân/tuần của nam cao hơn nữ và khu vực thành thị cao hơn nông thôn, vùng Đông Nam Bộ có số giờ làm việc bình quân/tuần cao nhất trong 6 vùng (44,2 giờ/tuần), giữa các vùng có sự chênh lệch số giờ làm việc bình quân/tuần giữa thành thị và nông thôn khác nhau.
Mức chênh lệch này lớn nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (4,3 giờ/tuần), thấp nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (0,4 giờ/tuần), riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM số giờ làm việc bình quân/tuần khu vực nông thôn lại cao hơn thành thị, tương ứng là 2,2 giờ/tuần và 0,2 giờ/tuần.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị
Comments powered by CComment