Các nhà thiên văn học phát hiện ngôi sao khổng lồ đỏ V Hydrae đang giải phóng những vòng khói kỳ lạ như sương mù trước khi phát nổ.
Khi các ngôi sao có khối lượng từ nhỏ đến trung bình cạn kiệt nhiên liệu hydro trong lõi, áp suất bên ngoài trở nên mất cân bằng với lực hấp dẫn bên trong, khiến chúng sụp đổ. Khi đó, lớp vỏ plasma bao quanh lõi trở nên đủ nóng để bắt đầu tổng hợp hydro, sản sinh nhiệt lượng làm giãn nở đáng kể các lớp bên ngoài của thiên thể, biến nó trở thành một ngôi sao khổng lồ đỏ.
V Hydrae là một trong những vật thể như vậy. Nó nằm cách Trái Đất khoảng 1.300 năm ánh sáng và đang bước vào giai đoạn tiến hóa cuối cùng trước khi sụp đổ thành sao lùn trắng. Trong giai đoạn này, các ngôi sao hút sạch vật chất từ lõi của chúng và phun vào không gian xung quanh.
Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Astrophysical Journal, các nhà thiên văn học cho biết V Hydrae đang phóng ra 6 vòng tròn khói mờ như sương mù, cùng với một cấu trúc hình đồng hồ cát khổng lồ. Phát hiện này dựa trên các quan sát từ kính viễn vọng không gian Hubble và hệ thống kính viễn vọng vô tuyến ALMA trên sa mạc Atacama ở Chile.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Raghvendra Sahai từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cấu trúc hình đồng hồ cát được tạo thành từ hai đám mây vật chất và chùm tia phản lực phun ra từ hai cực của ngôi sao với tốc độ lên tới 240 km/s. Nó vuông góc với mặt phẳng chứa các vòng tròn khói bí ẩn.
Những đám mây đồng hồ cát không phải khám phá hoàn toàn mới. Các nhà thiên văn học đã quan sát thấy hiện tượng tương tự trong Tinh vân Con Cua phương Nam cách Trái Đất 6.849 năm ánh sáng. Ở trung tâm của tinh vân này là một cặp nhị phân, bao gồm một sao lùn trắng và một sao khổng lồ đỏ.
Ngoài các vòng tròn khói bí ẩn và cấu trúc mây đồng hồ cát, V Hydrae còn phát ra các vụ nổ khí siêu nóng, hoặc plasma, khoảng 8,5 năm một lần. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ những hành vi kỳ lạ này có thể liên quan đến một ngôi sao đồng hành, nhưng sự tồn tại của nó vẫn chưa được xác nhận.
"Hoạt động của V Hydrae thu hút sự chú ý, vì một ngày nào đó, Mặt Trời của chúng ta có thể có số phận tương tự", đồng tác giả Mark Morris tại Đại học California của Mỹ, nhấn mạnh. Theo dõi hành vi của những vật thể như vậy sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về điều gì xảy ra trong giai đoạn tiến hóa cuối cùng của các vì sao.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment