Trong cuộc chiến Covid-19, Mỹ và châu Âu đã đối mặt với diễn biến dịch bệnh khác nhau và có con đường riêng để đẩy lùi đại dịch.
Lý do thuốc uống điều trị Covid-19 không thể thay thế vắc xin
Trung Quốc cách ly hơn 9.000 du khách vì vài ca Covid-19
WHO: Ca Covid-19 tử vong giảm ở mọi nơi trừ châu Âu
Vào tháng 9, khi Nhà Trắng công bố kế hoạch chào đón khách du lịch châu Âu đã tiêm chủng, Mỹ chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao hơn rất nhiều so với châu Âu.
Tại thời điểm đó, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Mỹ cao hơn châu Âu gần 3 lần. Trong khi các nước châu Âu đang vạch ra lộ trình trở lại cuộc sống bình thường, Mỹ lại chật vật đối phó với sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 và đưa ra cảnh báo về áp lực đối với các bệnh viện.
Châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19 mới của thế giới. Ảnh minh họa: Reuters
Vào ngày 8/11, khi Mỹ mở cửa lại biên giới đối với người đã tiêm đủ 2 liều vaccine, kết thúc lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 20 tháng, hàng nghìn khách du lịch đã đổ về các thành phố của nước này. Điều này dẫn đến sự thay đổi đáng kể về diễn biến dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu.
Châu Âu hiện là tâm dịch Covid-19 mới của thế giới. Vào cuối tháng 10, châu Âu ghi nhận số ca mắc bệnh mới cao hơn Mỹ và có nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm tồi tệ vào mùa đông.
Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Âu, tuần trước cảnh báo rằng tốc độ lây lan của dịch bệnh ở khu vực này hiện nay là điều “gây lo ngại nghiêm trọng”.
“Theo một dự báo đáng tin cậy, nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, đến đầu tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận 500.000 ca tử vong do Covid-19”, ông Kluge nói.
Các chuyên gia cho rằng, đợt bùng phát hiện tại của châu Âu không gây ra tỷ lệ tử vong cao như làn sóng lây nhiễm vào mùa hè tại Mỹ. Tuy nhiên, đây là lời nhắc nhở về tính chất chu kỳ của đại dịch.
Một số chuyên gia lưu ý rằng, sự thành công tương đối trong việc ngăn chặn dịch bệnh của một số nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nơi số ca bệnh ở mức có thể kiểm soát được dù toàn lục địa đang chứng kiến xu hướng số ca nhiễm virus tăng, có thể là “hình mẫu” cho các nước ở châu Âu và các khu vực khác.
“Làn sóng lây nhiễm đang xảy ra ở nhiều quốc gia, nhưng không phải là không thể tránh được”, Giáo sư Martin McKee tại Trường Y học Nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, nói.
Rào cản trong chương trình tiêm chủng
Trong những tháng đầu tiên triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ cao hơn châu Âu. Tuy nhiên, vào mùa hè, tỷ lệ tiêm chủng tại châu Âu đã vượt qua Mỹ.
Hiện tại, cả Mỹ và châu Âu đang tập trung vào những người chưa được tiêm chủng, khi các nhà chức trách nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm chủng hơn nữa trong bối cảnh số lượng người đi tiêm vaccine gần đây chững lại.
Tổng thống Joe Biden cho rằng những người không tiêm chủng “có thể gây ra nhiều thiệt hại”. “Những bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm vaccine khiến các bệnh viện trở nên quá tải. Các phòng cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt không còn chỗ cho những người bị đau tim, viêm tụy hoặc ung thư”, ông Biden nói hồi tháng 9.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, nước này đang trải qua một đại dịch tồi tệ đối với những người chưa được tiêm chủng. “Sẽ có ít bệnh nhân Covid-19 phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt hơn nếu như tất cả mọi người đều đi tiêm chủng”, ông Jens Spahn nói.
Theo CNN, cả Mỹ và châu Âu đều đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chương trình tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm chủng của các bang miền Nam và Trung Tây của Mỹ thấp hơn so với các khu vực khác. Tại châu Âu, tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước trong khu vực có sự chênh lệch rõ ràng. Các quốc gia ở phía Tây và phía Bắc của lục địa có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, đứng đầu là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, với lần lượt 87% và 80% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại phía Đông lại thấp hơn nhiều. Romania và Bulgaria mới tiêm chủng đầy đủ cho lần lượt 40% và 27% người trưởng thành. Slovakia, Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Séc đến nay đã tiêm chủng đầy đủ cho chưa tới 60% dân số.
“Việc tiêm chủng có tác động đến sự lây truyền của virus. Càng nhiều người được tiêm chủng trong một cộng đồng, càng có thể hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh”, Paul Wilmes, giáo sư tại Trung tâm Hệ thống Y sinh học Luxembourg, cho biết.
Sự khác biệt về các hạn chế
Biện pháp hạn chế phòng Covid-19 chính của Mỹ là đeo khẩu trang. Trong khoảng thời gian đầu lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và thúc giục các tiểu bang thực hiện quy định này ở trường học, văn phòng và các địa điểm công cộng khác.
Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang đã gây chia rẽ người Mỹ. Trong khi đó, các chuyên gia nói rằng châu Âu đã tránh được sự chia rẽ đó. “Người dân tại các nước châu Âu không coi việc đeo khẩu trang là vi phạm quyền tự do cá nhân như suy nghĩ của một số khu vực tại Mỹ. Chắc chắn có sự khác biệt về văn hóa”, ông Wilmes nói.
Một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã thận trọng nới lỏng quy định về đeo khẩu trang và vẫn yêu cầu chúng trong một số môi trường nhất định. Tuy nhiên, các nước như Anh và Đan Mạch đã dỡ bỏ mọi hạn chế phòng Covid-19 và từ đó việc đeo khẩu trang đã giảm đáng kể.
Các quy định về việc đi lại ở châu Âu đã được nới lỏng trong những tháng gần đây. Nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tụ tập, dẫn đến lo ngại rằng khu vực này sẽ phải tái áp đặt các quy định phòng dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao.
Trong Liên minh châu Âu (EU), nhiều quốc gia như Pháp, Italy và Đức,đe đã phát triển thẻ xanh tương thích với chứng nhận Covid-19 điện tử của EU (EUDCC). Người dân sẽ xuất trình “thẻ xanh vaccine” khi vào nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ đêm.
“Thẻ xanh vaccine vừa hữu ích trong việc hạn chế những người chưa tiêm chủng tập trung đông người, vừa khuyến khích người dân đi tiêm vaccine”, ông McKee nói.
Trong khi đó, Mỹ đã không áp dụng một hệ thống thẻ xanh vaccine tương tự như EU. Thay vào đó, Tổng thống Biden đã đưa ra kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine đối với các công ty và một số lĩnh vực. Tuần trước, chính quyền ông Biden thông báo quy định bắt buộc người lao động tiêm chủng sẽ được áp dụng từ đầu năm 2022. Theo đó, quy định này sẽ được áp dụng đối với các công ty có từ 100 nhân viên trở lên, các nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên hợp đồng liên bang, bắt đầu từ ngày 4/1/2022.
“Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để thoát khỏi đại dịch này. Vẫn còn quá nhiều người chưa được tiêm chủng để đẩy lùi Covid-19, vì vậy, tôi đã phải đặt ra yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine”, ông Biden nói./.
Theo VOV
Comments powered by CComment