Group News: Tin sản xuất

Họa sĩ Rừng (tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh), sinh năm 1941 tại Phnom Penh, Campuchia. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1964, ông là giáo viên hội họa của Trường Sư phạm Quy Nhơn; nguyên hội viên Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn, hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

 
Họa sĩ Rừng đang bị tại biến mạch máu não, phải nhập viện cấp cứu tại bệnh viện Saint Joseph Mỹ, với hy vọng ông sẽ tai qua nạn khỏi.
 
Thông tin họa sỹ Rừng mới đây bị tai biến mạch máu não phải đi bệnh viện Saint Joseph (#saintjosephhospital)" cấp cứu khiến giới văn nghệ tại California lo lắng. Rất nhiều người quan tâm thăm hỏi nhưng bệnh tình của ông hiện nay chưa có tiên lượng tốt vì ông vẫn chưa hồi tỉnh. Câu chuyện về cuộc đời họa sỹ và các tác phẩm của ông được nhiều người biết đến trong nước cũng như hải ngoại. 
Năm 1998, trên tạp chí Văn, số 19, phát hành tháng 7, trong bài trả lời nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy, họa sỹ Rừng kể lại những ngày đầu tiên trở thành họa sỹ: 
“Tôi đến với mỹ thuật và trở thành họa sĩ là do trời đất xếp đặt. Đó là định mệnh của tôi. Tôi sinh ra đời là để trở thành một họa sĩ. Câu hỏi này gợi nhớ lại vài kỷ niệm. Năm lớp hai, tôi học một lớp trong “vùng tự do” ở Đồng Tháp Mười. Lớp học có chừng hai mươi học sinh, vừa học vừa chăn trâu, bắt dế, thả diều nên áo quần lúc nào cũng tả tơi nhem nhuốc, nồng nặc mùi cỏ, mùi khét nắng. Một lần thầy giáo ra đề tài vẽ “Kẽ một chữ in hoa.” Trong khi cả lớp ngớ ra chẳng biết “Kẽ một chữ in hoa” là gì thì tôi, như đã được học từ khi nào, kẻ ngay một chữ “K” là phụ âm đầu tên tôi - Khanh. Khiến cả lớp “phục lăn. Dĩ nhiên, từ đó về sau, môn vẽ trong bất cứ lớp nào tôi đều đứng đầu. Vẽ, đối với tôi thật dễ dàng và thích thú, trong khi là một khổ nạn cho đa số các bạn cùng lớp"...
Tác phẩm của Họa sỹ Rừng
 
Ở quận lỵ quê mùa nơi quê ngoại tôi có một người thợ vẽ tranh sơn thủy, đối với tôi ông ta là một thiên tài. Nhà ông nghèo, nhỏ xíu, nhưng tôi thấy là một thế giới huy hoàng. Khắp nơi, chỗ nào cũng có treo tranh sơn thủy vẽ cây cối, nhà cửa, mặt trời lặn, mọc, núi non, những đàn chim bay xa xa mà tôi coi là những “tác phẩm tuyệt vời”.
Ngoài giờ học, tôi đến nhà ngồi xem ông vẽ say mê. Nhìn những hoa sơn màu đỏ, xanh, những cây bút lông tôi thấy chúng thiêng liêng và tôi như bị hớp hồn. Ông chỉ chấm chấm, vẽ vài nét là thành một cành cây. Sơn phết một lúc là thành bầu trời có mây trắng bay, chỉ cần hai nét là thành con chim đang vỗ cánh. Tâm hồn tôi bị cuốn hút vào thế giới đường nét và màu sắc đó của ông. Tôi nói với mẹ xin ông cho tôi học; nhưng mẹ tôi quát: “Học chữ không lo, học làm gì cái nghề ăn mày đó!”. Tôi thất vọng não nề. Nhưng niềm say mê vẽ trong tôi không thể nào dập tắt được”. Ông kể tiếp, giọng hơi trầm lại vì kí ức ùa về xúc động.
 
 Eva - tác phẩm họa sỹ Rừng
 
Họa sỹ Rừng có tên đầy đủ là Nguyễn Tuấn Khanh, quê gốc Phú Thọ, sinh tại Nam Vang (Campuchia) năm 1941, thành danh ở Sài Gòn trước 1975, từ thập niên 1990 định cư ở Hoa Kỳ. Sau đó đi về giữa hai nước, ông đã tổ chức rất nhiều các triển làm trong nước và tại Hoa Kỳ.  Với hơn 2.000 tác phẩm và hơn 30 triển lãm cá nhân, Rừng là hội viên Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam (trước 1975) và Hội Mỹ thuật Việt Nam (sau 1975).
Triển lãm cá nhân đầu tiên có tên “Phòng tranh mùa xuân” diễn ra tại Sài Gòn, tạo ấn tượng tốt cho người xem và giới sưu tập.
Trong hơn 30 năm (từ khoảng 1960 đến 1990), tranh của ông có “sức chiến đấu và phản kháng cao”, nhằm phê phán sự vô nghĩa của chiến tranh, sự tàn bạo của đời sống - nhưng trên hết, là tiếng nói bênh vực cho kiếp người vốn mong manh. Triển lãm 50 năm hội họa Rừng từng diễn ra hồi 23/9/2010 tại phòng tranh Tự Do ở TP.HCM, giới thiệu lại một số tác phẩm chủ đề phản chiến như “Đàn bà và rắn”, “Cây giọt lệ”, “Người tù”, “Cầu nguyện hòa bình”, “Mỹ Lai”... Ông còn đặt dấu ấn với văn xuôi (bút danh Kinh Dương Vương) và thơ (các bút danh Dung Nham, Cỏ Ðồng).
Tính đến nay, Họa sỹ Rừng đã có hơn 60 năm liên tục vẽ tranh, làm thơ, viết văn và hoạt động trong giới văn nghệ.
 
 
 Họa sỹ Rừng tại một triển lãm của ông
 
Năm 1997, Nhà xuất bản Văn Mới ở Mỹ ấn hành hai tuyển tập Kinh Dương Vương viết trước năm 1975: Những chiếc mặt nạ cười và Mắt trời mù đánh dấu giai đoạn Kinh Dương Vương tạm ngưng viết. Thời gian này ở Mỹ, ông chỉ vẽ và vẽ. Những bức tranh mang nặng dấu ấn của một xã hội công nghiệp mà ông vừa chân ướt chân ráo đến đã bị choáng ngợp và không thể nào hòa nhập được. Những hình thể tượng trưng, những máy móc bị biến dạng, vừa có vẻ hiện thực vừa như huyễn tưởng. Ông cho các đồ vật bay lơ lửng như tâm cảnh của ông đang bay cùng chúng.
 
Sự chiến thắng của trí tuệ -1992 ( Họa sỹ Rừng)
 
Họa sỹ Rừng là một người nghệ sĩ luôn luôn đi tìm cái mới, không lặp lại chính mình, mau chán cái đã thủ đắc. Loạt tranh mang tên Trên tầng thanh khí mà hoạ sỹ Rừng mang về Việt Nam  triển lãm mấy năm sau đã mở rộng ra cái thế giới phiêu du mộng tưởng của ông trước đó.  Nhưng màu sắc tươi tắn hơn, rực rỡ hơn, trong trẻo hơn như ở một cõi ngoài, bình yên và hạnh phúc. Hình như Họa sỹ Rừng đã vượt thoát khỏi cái thế giới mộng tưởng để chạm tới một tầng không mênh mông ở một thế giới nào đó. Ông nói: “Cái đẹp tìm thấy thì nó sẽ biến đổi, mà là biến đổi trong tâm thức!”.
Chúng ta hãy cầu mong cho người nghệ sỹ tài hoa được tai qua nạn khỏi để ông lại có thể cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm của mình.
 #saintjosephhospital ;
Lý Đợi 
 

Comments powered by CComment

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.