Trong phần Báo cáo về Nhân quyền Trung Quốc, Quốc vụ viện cho biết năm 2021, cuộc đàn áp với người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo khác đã xảy ra ở Tân Cương. ĐCSTQ đã phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người.

Cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ với nhóm người này bao gồm các hành động như: bỏ tù tùy tiện hoặc tước đoạt nghiêm trọng tự do của hơn 1 triệu thường dân; cưỡng bức triệt sản, phá thai; tra tấn những người bị giam giữ một cách tùy tiện; cưỡng bức lao động v.v.

Ngoài ra, Trung Quốc thiếu một cơ quan tư pháp độc lập. Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát hệ thống tư pháp và luật pháp. Chính quyền đã tùy tiện can thiệp vào quyền riêng tư, bao gồm sử dụng các công nghệ phổ biến để theo dõi và giám sát [người dân]; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông.

ĐCSTQ cũng hạn chế nghiêm trọng quyền tự do internet, bao gồm chặn các trang web; can thiệp vào quyền tự do hội họp ôn hòa; hạn chế nghiêm trọng và đàn áp tự do tôn giáo v.v.

Tham nhũng tràn lan trong ĐCSTQ

Báo cáo cho biết, phân tích của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho thấy, tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trong nội bộ ĐCSTQ. Nhiều vụ án tham nhũng liên quan đến các lĩnh vực được quản lý chặt chẽ như sở hữu đất đai, bất động sản, khai thác mỏ, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo báo cáo, ĐCSTQ đã không thực hiện luật pháp một cách nhất quán hoặc minh bạch. Theo ước tính của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền, trên toàn quốc Trung Quốc, 52.000 đảng viên đã bị bắt kể từ năm 2018.

Các nhà quan sát cho rằng, các cáo buộc tham nhũng trong nội bộ đảng thường được sử dụng như một cái cớ để thanh trừng các đối thủ chính trị. Báo cáo cũng đề cập đến các cựu quan chức Trung Quốc như Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua) và Tôn Lực Quân (Sun Lijun).

Báo cáo kết luận, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một quốc gia chuyên quyền, và Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền lực cao nhất. Các quan chức chính phủ và an ninh thường xuyên vi phạm nhân quyền nhưng không bị trừng phạt.

Trung Quốc đã hành quyết hàng nghìn người vào năm 2020

Theo báo cáo về Nhân quyền Trung Quốc, nhiều cơ quan nhân quyền đáng tin cậy đã thông báo về các vụ giết người tùy tiện hoặc bất hợp pháp của chính phủ Trung Quốc hoặc các cơ quan của họ. Trong một báo cáo ngày 21/4, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết Trung Quốc có thể đã hành quyết hàng nghìn người vào năm 2020.

Báo cáo cũng đề cập đến việc một số nhà hoạt động và các tổ chức cáo buộc chính phủ Trung Quốc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, bao gồm cả những người có niềm tin tôn giáo và tâm linh, như các học viên Pháp Luân Công và những người Hồi giáo bị giam giữ ở Tân Cương.

Các nhà chức trách đã sử dụng biện pháp giam giữ hành chính để đe dọa những người ủng hộ chính trị và tôn giáo; và ngăn chặn các cuộc biểu tình công khai. Các hình thức giam giữ hành chính bao gồm đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc, trại giam và “trung tâm giáo dục pháp luật”.

Tài liệu nêu rõ trường hợp học viên Pháp Luân Công Nhậm Hải Phi (Ren Haifei) bị bức hại ở Trung Quốc. Vào tháng 10 năm 2021, người này bị kết án 10 năm tù bất hợp pháp và phải nộp phạt 100.000 nhân dân tệ.

Thu hồi giấy phép của luật sư nhân quyền, bắt giữ tùy tiện nhà báo công dân

Báo cáo cũng đề cập rằng, ĐCSTQ đã đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hợp pháp của nhiều luật sư nhân quyền. Lý do là vì họ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người bất đồng chính kiến ​​và ủng hộ dân chủ, học viên Pháp Luân Công hoặc những người chỉ trích chính phủ.

Tháng 12 năm 2021, Văn phòng Tư pháp thành phố Bắc Kinh đã thu hồi bằng luật của luật sư của Lương Hiểu Quân (Liang Xiaojun) với lý do các bài đăng trên mạng xã hội của ông chỉ trích chủ nghĩa Marx và gọi Pháp Luân Công là một tôn giáo.

Một luật sư nhân quyền khác là ông Đường Cát Điền (Tang Jitian), vì bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công nên bị chính quyền biệt giam kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2021.

Vào năm 2020, bốn nhà báo công dân bao gồm Trần Thu Thuật, Lý Trạch Hoa, Trương Triển và Phương Bân đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng sau khi bị chính quyền Vũ Hán bắt giữ.

Trong đó, hai người đầu tiên được thả sau 2 tháng. Trương Triển và Phương Bân đã phỏng vấn nhân viên y tế và người dân Vũ Hán, đồng thời đăng tải video của họ trên mạng xã hội trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán và trong thời gian thành phố này phong tỏa.

Một số phương tiện truyền thông đưa tin, đến cuối tháng 11 năm 2021, Phương Bân vẫn bị giam giữ ở Vũ Hán. Đây là tin tức đầu tiên sau khi ông bị bắt vào tháng 2 năm 2020.

Theo DKN