MỸNhờ bảo kê của cảnh sát, thành phố Saint Paul những năm 1920-1930 trở thành “thiên đường” tội phạm, nơi các trùm xã hội đen đến trốn truy nã và mở rộng thế lực.
Việc cấm sản xuất, bán và vận chuyển đồ uống có cồn từ năm 1919 đến năm 1933 ở Mỹ dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy bia rượu song lại làm gia tăng nạn buôn bán rượu bất hợp pháp. Nhưng cũng từ đây, thành phố Saint Paul, bang Minnesota nổi lên như một trong những địa bàn dễ kiếm rượu lậu nhất nước.
Địa danh này cũng nổi tiếng là "thánh địa cho tội phạm" ở miền Trung Tây với sự giúp đỡ của các chính trị gia tham nhũng và cảnh sát trưởng đồng ý làm ngơ trước hoạt động ngầm của các băng đảng xã hội đen, bao gồm buôn lậu, gian lận và cờ bạc.
Sự hợp tác này bắt đầu vào năm 1900 với Thỏa thuận Layover, một hợp đồng không chính thức giữa giới tội phạm và Cảnh sát trưởng thành phố, John O'Connor.
Để đổi lấy những lời "chỉ điểm" về các cuộc đột kích của cảnh sát và sự bảo hộ của chính quyền trong thời gian cư trú trong thành phố, những tên xã hội đen đầu tiên đồng ý nộp một phần lợi nhuận cho Sở cảnh sát.
Thoả thuận tạm trú này rất đơn giản. Tội phạm có thể ẩn náu ở Saint Paul nếu chúng tuân theo ba quy tắc đơn giản: làm thủ tục với đại diện của cảnh sát trưởng O'Connor khi tới thành phố; trả một khoản hối lộ nhỏ; không được phạm tội nghiêm trọng trong thời gian lưu trú.
Đàn em đầu tiên của O'Connor chuyên giao dịch với các tay tội phạm là William Griffin. Khi tội phạm đến thị trấn, chúng sẽ "làm thủ tục" với Griffin tại khách sạn Savoy và trả khoản hối lộ cần thiết. Griffin là "đại diện" của O'Connor cho đến khi hắn đột ngột qua đời vì đột quỵ vào năm 1913 ở tuổi 65.
O'Connor ngay lập tức kiếm được tay sai mới: "Dapper Dan" Hogan, được biết đến với biệt danh "Bố già Ireland". Hogan được Bộ Tư pháp Mỹ mô tả là "một trong những tên tội phạm tháo vát và sắc sảo nhất nước". Hắn là nhân vật chính trong thế giới ngầm của thành phố này suốt những năm 1920-1930.
Hogan điều hành quán bar Green Lantern trên phố Wabasha ở trung tâm thành phố Saint Paul - điạ điểm phục vụ những kẻ lừa đảo, những kẻ buôn lậu và những nhân vật mờ ám có liên quan tội phạm có tổ chức. Green Lantern hoạt động như tiệm thuốc lắc và sòng bạc bất hợp pháp, là bình phong rửa tiền.
Dưới sự uỷ quyền của cảnh sát trưởng, Hogan vận hành "Hệ thống O'Connor" để kiếm lợi từ hoạt động bất hợp pháp của các băng nhóm xã hội đen. Thỏa thuận trên khiến Saint Paul trở thành một trong những thành phố ít tội phạm nhất Mỹ và cũng trở thành nơi trú ẩn an toàn của một số tên xã hội đen khét tiếng nhất trong nửa đầu thế kỷ XX như John Dillinger , Ma Barker và Al Capone.
Thời kỳ này, bang Minnesota trở thành tâm điểm của hoạt động bất hợp pháp, với những phi vụ tội ác lớn nhưng Saint Paul gần như không có tội ác nghiêm trọng. Trong khi đó các thị trấn và thành phố xung quanh bị khuấy đảo điên cuồng, do các băng đảng đã mở rộng địa bàn hoạt động.
Việc "bắt tay" giữa cảnh sát trưởng O'Connor khiến các bên đều có lợi về mặt tài chính. Chừng nào bọn tội phạm còn ở lại thành phố, Saint Paul vẫn bình yên và tiền hối lộ vẫn sẽ đổ về túi O'Connor và các quan chức tham nhũng.
Mọi chuyện thay đổi từ sáng 4/12/1928. Hôm ấy, sau khi ăn sáng muộn, Hogan định từ nhà vào trung tâm thành phố nhưng khi vừa khởi động chiếc coupe Paige thì cũng là lúc kích nổ một quả bom nitroglycerin được đặt bên dưới sàn ôtô.
Vụ nổ làm chiếc xe văng khỏi gara, rơi vào con hẻm sau nhà. Hogan bất tỉnh trên ghế trước, chân phải gần như đứt lìa. Sau khi hôn mê vào cuối ngày, Hogan qua đời vào ban tối.
Ít giờ trước khi hôn mê, Hogan nói: "Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra hoặc tại sao nó lại xảy ra. Tôi không biết ai có thể là kẻ tình nghi. Tôi không nghĩ mình có kẻ thù trên cuộc đời này".
Những suy đoán trên báo chí những ngày sau đó chỉ ra rằng các băng đảng xã hội đen ở New York có khả năng đã được thuê đến để gây án. Cái chết của Hogan đặc biệt đáng chú ý vì đây là cái chết do đánh bom xe đầu tiên ở quốc gia này.
Mặc dù về mặt kỹ thuật, vụ giết người vẫn chưa được giải quyết, nhưng các hồ sơ giải mật của FBI cho thấy người có khả năng cao nhất gây ra vụ tấn công vào Hogan là trợ lý của anh ta tại quán bar Green Lantern, Harry "Dutch" Sawyer.
Theo hồ sơ của FBI, Sawyer thấy Hogan đã muốn cho anh ta ra rìa khỏi các hoạt động kinh doanh sòng bạc. Vài năm trước, Sawyer bỏ tiền túi ra bảo lãnh cho Hogan ra tù với số tiền tới 25.000 USD nhưng không được trả lại.
Trước khi xảy ra vụ đánh bom, Hogan nói với vợ đã cất giữ 50.000 USD trong một két an toàn. Anh ta hướng dẫn lấy lại tiền trong trường hợp mình chết, nhưng sau đám tang cô vợ phát hiện đó là chiếc hộp rỗng. Người thứ hai biết chìa khóa két an toàn là Harry Sawyer.
Cái chết của Hogan đánh dấu sự kết thúc của Thỏa thuận tạm trú O'Connor. Tỷ lệ tội phạm của Saint Paul cuối cùng đã tăng lên. Thành phố từng nổi tiếng về an toàn trong những năm 1920 đã trở thành "điểm nóng tội phạm".
Khi lệnh Cấm rượu bia kết thúc vào năm 1933, bọn tội phạm đã tiếp quản thành phố. Không còn khả năng kiếm tiền từ việc bán rượu lậu, chúng quay sang bắt cóc đòi tiền chuộc các ông chủ công ty lớn. Các vụ việc ngày càng nghiêm trọng chính phủ liên bang phải can thiệp.
Năm 1934, chính phủ liên bang đã thông qua một loạt luật tội phạm nhằm tăng quyền tài phán của FBI. Điều này cho phép FBI tấn công các mối đe dọa xã hội đen trên khắp đất nước. Các đặc vụ liên bang đổ về Saint Paul khiến các quan chức địa phương lo sợ nhận hối lộ sẽ bị trừng phạt.
Cùng năm đó, các thám tử tư được thuê để nghe lén Sở Cảnh sát Saint Paul trong hơn một năm. Những bản nghe lén đó phơi bày hàng loạt tội ác và cung cấp một cáo cáo đầy tai tiếng về các quan chức và cảnh sát địa phương trong việc bảo kê tội phạm có tổ chức.
Năm 1935, cảnh sát của thành phố vấp phải cuộc khủng hoảng lực lượng chưa từng có, phân nửa bị cách chức và buộc từ chức, chấm dứt gần 20 năm của "kỷ nguyên tham nhũng" ở Saint Paul.
Theo VnExpress
Comments powered by CComment