Cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp diễn đặc biệt chiến sự đang gia tăng tại thành phố cảng Mariupol phía nam cũng như thành phố Kharkiv ở phía Bắc nước này.

 >>> Cập nhật chiến sự tại Ukraine hiện nay trên TTXVIETNAM
 
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky 

 
 

Cho tới nay theo cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc hơn một triệu người đã bỏ chạy khỏi Ukraine kể từ khi cuộc chiến bùng nổ hôm 24/2.

Nhiều người Việt định cư tại Kyiv cũng đã rời khỏi thành phố nhưng cũng có một số người vẫn quyết tâm ở lại.

Ông Hoàng Tuấn Vũ, một người Việt sống tại Ukraine nhiều năm và là giảng viên Đại học Kyiv, cho biết sinh viên các trường được nghỉ, kể cả học online cũng tạm nghỉ tới 11/3 sau đó sẽ có hướng dẫn tiếp.

Ông và con trai vừa rời khỏi Kyiv hôm 1/3 và đã tới được thành phố Lviv giáp biên giới Balan, tuy nhiên bố con ông chưa có ý định chạy sang Balan mà chỉ tính sẽ tá túc tại đây một thời gian.

"Hiện tại tất cả nơi đổ về Lviv nên các nhà ga đều rất đông, phần lớn là phụ nữ trẻ em. Còn cuộc sống tại thành phố này nói chung vẫn diễn ra bình thường, nhà hàng ăn vẫn mở cửa," ông cho biết.

"Hôm 1/3 tôi đi tàu ra khỏi Kyiv và sau khoảng hai tiếng, khi hai bố con vẫn đang ngồi trên tàu, thì nghe tin ga xe lửa Kyiv đã bị trúng đạn pháo.

"Vợ tôi và con trai thứ hai hiện vẫn đang ở thành phố Kharkiv vì còn mẹ già, thậm chí khi báo động bà cũng không xuống hầm trú ẩn được. Vợ con tôi nói là tên lửa phóng cả vào nhà dân và trung tâm thành phố bị đánh phá không nhận ra được nữa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin

"Đấy là khi quá trình đàm phán đã tạm gọi là qua vòng một. Hai bên bắt đầu đàm phán thì tại Kharkiv đánh phá dường như còn tàn khốc hơn, chứ không phải cứ đàm phán là dừng bắn phá đâu.

"Người ta chỉ dừng khi có một lợi thế nào đó họ mới dừng. Tôi có cảm giác như trận chiến thành cổ Quảng Trị năm xưa. Hai bên đều nướng quân để giành lợi thế đàm phán ở Paris," ông nhớ lại.

Một trạm kiểm soát, tại Quảng trường Độc lập ở trung tâm Kyiv, Ukraine ngày 3 tháng 3 năm 2022

Một trạm kiểm soát, tại Quảng trường Độc lập ở trung tâm Kyiv, Ukraine ngày 3 tháng 3 năm 2022

Ông Vũ cũng cho rằng chiến tranh thì ở đâu cũng giống nhau.

"Ngày nhỏ khi 5-6 tuổi tôi cũng đã từng chứng kiến chiến tranh và tôi thấy rất giống nhau ở chỗ trong cuộc chiến nào thì thê thảm nhất vẫn là số phận của những trẻ em vô tội.

"Đêm qua khi tới ga Lviv có thể nghe thấy tiếng khóc của trẻ em trên sân ga, vì có lẽ đông nhất ở nhà ga vẫn là trẻ em. Nó gợi nhớ tới thời sơ tán của tôi ngày xưa và cảnh đau thương nhất trong mỗi cuộc chiến vẫn là hình ảnh trẻ em không nhà cửa," ông Vũ chia sẻ.

Kyiv

Người chọn ở lại thành phố Kyiv nghĩ gì

Trong khi đó một người Việt khác trong số ít những người còn ở lại thành phố Kyiv, ông Phạm Công Triện, cho biết mấy ngày qua dân tình nháo nhác bỏ chạy, vợ và hai con ông cũng đã rời khỏi Kyiv được hai hôm rồi, nhưng ông chọn ở lại. Ông cho biết:

"Hiện tại ở Kyiv mọi sinh hoạt cũng vẫn diễn ra yên ổn. Nhiều người dân ra đường rút tiền. Xe buýt vẫn chạy bình thường. Mấy hôm đầu thì có tiếng nổ ì ầm khu vực ngoại ô Kyiv nhưng có vẻ như từ hôm có đàm phán thì đã bớt và hầu như không nghe thấy nữa.

"Hiện tại ở quận tôi ở còn một số gia đình không đi vì nhiều lý do. Còn thì phải tới 95% người Việt Nam đã đi hết sang phía Lviv, chỉ có một số chạy xuống phía nam, mạn Moldova gần Odessa. Tôi vẫn liên lạc điện thoại với một số gia đình ở lại để nếu có gì khẩn cấp, báo động thì cùng nhau đi," ông Triện nói.

Tòa nhà bị hư hại do pháo kích lớn ở thành phố Irpin, tỉnh Kyiv, Ukraine, ngày 3 tháng 3 năm 2022

Tòa nhà bị hư hại do pháo kích lớn ở thành phố Irpin, tỉnh Kyiv, Ukraine, ngày 3 tháng 3 năm 2022

Khi được hỏi nếu tình hình chiến sự căng thẳng hơn, liệu những người ở lại như ông có tìm cách rời đi và liệu khi đó có thể rời đi được nữa hay không, ông cho biết ông có suy nghĩ lạc quan hơn và hy vọng sẽ đạt được giải pháp hoà bình:

"Theo nhận định của tôi, tất cả thế giới vào thời đại 4.0, con người cũng văn minh lịch sự rồi, đánh nhau thì đã đánh rồi, nhưng một khi đã ngồi vào bàn bàn bạc với nhau thì nhất thiết kiểu gì cũng sẽ tìm ra phương pháp tối ưu nhất, tránh thảm hoạ xảy ra.

"Không ai nói trước được điều gì nhưng tôi cho rằng sẽ có giải pháp hoà bình chứ thế giới không thể để cho thảm hoạ chiến tranh ác liệt, để nhiều chết chóc xảy ra thêm nữa. Không phải chỉ nhà nước của Ukraine và nhà nước của Putin mà cả thế giới sẽ cố tìm ra giải pháp hoà bình."

Kyiv

Ông cho biết ông vẫn giữa liên lạc với những người Việt quen biết tại các thành phố lớn của Ukraine như Odessa, Kharkiv.

"Tại Kharkiv thì bị đánh vào Toà thị chính thành phố và Toà thị chính đã bị sập đổ như hình ảnh trên TV, rồi có quả đạn pháo cắm vào toà nhà dân sự mà không nổ nữa. Dân tình cũng hoang mang lắm và nhiều người Việt đã bỏ chạy đi Lviv để lánh nạn. Còn các thành phố khác tôi cũng có gọi điện hỏi thăm thì những người tôi quen nói cũng chỉ nghe tin đài báo chứ chưa ai nhìn thấy nghe thấy gì, vì chúng tôi cũng chỉ biết qua hỏi thăm nhau thế thôi."

Là người miền Bắc đã từng được những viện trợ của Nga (Liên Xô cũ) thời chiến tranh, nay Nga gây chiến với Ukraine, nơi ông đang sinh sống, ông Triện cho biết nhiều người Việt có cách nhìn rất khác nhau về cuộc chiến:

"Thực ra rất khó nói vì mỗi người nhìn theo một phương diện khác nhau. Tôi cho rằng tất cả người dân đều tốt cả, không có ai muốn gây thù oán chiến tranh cả, chỉ có những chính trị gia họ theo đuổi những mục đích gì đó thôi. Còn người dân thì vẫn rất tốt. Ở đây dân Nga cũng có nhiều và người Nga, những bà cụ Nga rất tốt. Còn người Ukraine thì cực kỳ tốt và quý người, không có phân biệt gì hết cả," ông Triện chia sẻ.

Theo BBC


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.