Trên tạp chí Forbes, Branko Milanovic, chuyên nghiên cứu về vấn đề bất bình đẳng và cũng là một nhà phân tích giỏi về bóng đá, nhận định bóng đá là tấm gương phản chiếu xã hội, nơi mà bất bình đẳng đã gia tăng theo cấp số nhân trong 3 thập kỷ qua.
Còn theo kinh tế gia Luc Arondel, giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp, và nhà nghiên cứu Richard Duhautois của Viện nghệ thuật và thủ công quốc gia Pháp CNAM, bóng đá trong thế kỷ 21 cũng không thoát khỏi những cuộc tranh luận hiện nay về kinh tế, nhất là tăng trưởng và bất bình đẳng, và đó là những biểu hiện của sự chuyển đổi lịch sử và kinh tế của bộ môn thể thao này.
RFI lược dịch bài viết « Kinh tế bóng đá đang bước sang một kỷ nguyên mới », đăng ngày 17/11 trên trang mạng nghiên cứu The Conversation.
Đối với nhà xã hội học người Anh, Richard Giulianotti, lịch sử bóng đá đã trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn truyền thống kéo dài từ khi có các quy tắc - cuối thế kỷ 19 - cho đến Đệ nhất Thế chiến ; thời hiện đại sớm là giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, khi các cuộc thi đấu bắt đầu được tổ chức ; giai đoạn hiện đại muộn là khi bóng đá được chuyên nghiệp hóa, kéo dài đến cuối thập niên 1980. Sau đó mở ra thời hậu hiện đại, thời của truyền thông, tự do hóa thị trường lao động và tăng trưởng.
Còn bây giờ, theo hai tác giả bài viết trên The Conversation, bóng đá đang ở buổi đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên siêu hiện đại.
4 đặc trưng của kỷ nguyên siêu hiện đại
Đặc trưng đầu tiên, trong số 4 đặc trưng của kỷ nguyên siêu hiện đại, liên quan đến các bất bình đẳng kinh tế đã gia tăng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Một mặt là sự bất bình đẳng giữa các câu lạc bộ trong cùng một giải đấu, mặt khác là sự bất bình đẳng giữa các giải vô địch bóng đá. Về mặt thể thao, hệ quả là những đội bóng chi phối các trận đấu, ở các giải quốc gia cũng như quốc tế, đều là những đội giàu. Sự bất bình đẳng này cũng thể hiện ở việc định mức lương cho các cầu thủ, sự phân hóa ngày càng mạnh mẽ của thị trường lao động liên quan đến các ngôi sao, thậm chí là các siêu sao bóng đá.
Đặc trưng thứ hai là sự xuất hiện của các kiểu nhà đầu tư mới : các quỹ đầu tư Nhà nước và tư nhân, nếu là tư nhân thì thường là các nhà đầu tư tư nhân của Mỹ và sở hữu các đội thể thao đồng đội ở Mỹ. Sự thay đổi này tạo ra ít nhất 2 hệ quả : dù ở cấp câu lạc bộ hay giải đấu, bóng đá giờ đây đều phải sinh lời tài chính. Hơn nữa, xung quanh cùng một chủ sở hữu sẽ hình thành nhiều « thiên hà » câu lạc bộ. Chẳng hạn, chủ tịch Manchester City, đến từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã dần dần đưa 11 CLB khác vào công ty « City Football Group » từ năm 2008, trong đó có New York FC, Palermo và Troyes.
Đặc trưng thứ ba liên quan đến chiến lược toàn cầu hóa của các CLB và giải đấu lớn mang lại cho các CLB các nguồn thu thương mại và bản quyền phát sóng quốc tế ngày càng lớn. Và đặc trưng cuối cùng liên quan đến chính nhu cầu bóng đá, kết quả của sự xuất hiện các nhà phát sóng mới (chẳng hạn Amazon Prime ở Pháp) và sự gia tăng của các nền tảng phát sóng và cách thức mới trong « tiêu thụ » bóng đá, đặc biệt là ở giới trẻ.
Khi bóng đá gắn với bất bình đẳng
Kinh tế gia của Pháp, Thomas Piketty, trong cuốn sách « Tư bản thế kỷ 21 », ấn bản đầu tiên năm 2013, phân phối của cải và bất bình đẳng là trọng tâm của xã hội ngày nay. Theo hai nhà nghiên cứu Luc Arondel và Richard Duhautois, bóng đá dường như cũng không thoát khỏi quy luật đó.
Kể từ những năm 1990, thế giới của trái bóng tròn đã có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ ở các nước chính của châu Âu. Ngoài thu nhập từ chuyển nhượng, các CLB có 4 nguồn thu nhập chính : bản quyền phát sóng, tiền vé, thu nhập từ các nhà tài trợ và các sản phẩm phái sinh (chẳng hạn áo thi đấu). Tất cả đều tăng nhiều từ những năm 1970, nhưng theo tỷ lệ khác nhau : ở các CLB lớn của châu Âu, tiền bán vé, với tỉ lệ vượt trội cách nay 50 năm, đã giảm dần nhường chỗ cho thu nhập từ bản quyền truyền hình và tài trợ.
Sự bùng nổ kinh tế nói trên kéo theo sự gia tăng bất bình đẳng giữa các câu lạc bộ, cả ở cấp quốc gia và châu Âu. Cũng như trong xã hội nói chung, sự gia tăng bất bình đẳng chủ yếu liên quan đến phân phối ở cấp cao. Trong doanh số của các giải đấu, phần thu nhập của các CLB giàu nhất đã tăng lên. Về thể thao, điều này dẫn đến sự tập trung nhiều danh hiệu hơn. Ví dụ, ở giải hạng nhất của Đức, có 9 câu lạc bộ khác nhau đã đoạt chức vô địch vào những năm 1960, đến năm 1990 rút xuống còn 5 đội và kể từ năm 2010 thì chỉ còn tập trung vào 2 đội.
Mặc dù thu nhập ngày càng tăng, nhưng kinh tế bóng đá vẫn là một « nền kinh tế nhỏ » hơn mọi người vẫn nghĩ, nhất là cho đến gần đây thì nó vẫn mang lại ít hoặc không mang lại lợi nhuận cho các cổ đông. Trên thực tế, nhiều chủ sở hữu, là các nhà tỷ phú hoặc các quỹ tài sản có chủ quyền, thường mua các đội bóng vì những lý do khác ngoài lợi nhuận tài chính đơn thuần từ đầu tư : đó là « quyền lực mềm », thương hiệu quốc gia hoặc thậm chí là vì mục đích thiện nguyện.
Các ngôi sao xứng đáng có thu nhập cao ?
Khi mọi người liên hệ bóng đá với bất bình đẳng, thì lương bổng của các cầu thủ là vấn đề được quan tâm nhiều. Suy nghĩ là các cầu thủ được « trả lương quá cao », kể cả tính theo mức cá nhân cầu thủ hay khoản tiền dành để trả lương của CLB, lan sang cả lĩnh vực chính trị. Trong khi cánh hữu đưa ra những chỉ trích xã hội, thì cánh tả đặt câu hỏi về chủ nghĩa tự do đang nuôi nấng họ : bất kể thế nào thì cũng có một sự đồng thuận nhất định, coi việc trả thù lao cho các cầu thủ là một trong những nguồn gốc của những thứ xấu xa bị quy cho kinh tế bóng đá ngày nay.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chỉ một bộ phận rất nhỏ các cầu thủ bóng đá kiếm được hàng triệu đô la, trong khi đa phần có sự nghiệp cực kỳ ngắn, trung bình chỉ khoảng 4 năm đối giới tinh hoa. Hơn nữa, chưa đến 1/3 số cuộc chuyển nhượng liên quan đến 5 giải đấu lớn (Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp), tỉ lệ này là khoảng 1/7 tính trên quy mô thế giới.
Ngoài ra, còn có sự bất bình đẳng lớn giữa các cầu thủ bóng đá và sự bất bình đẳng cũng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc hạ thấp mức lương của các siêu sao lại vấp phải sự bế tắc về « tinh thần ». Những cầu thủ này có tài vượt xa mức tài năng trung bình, cái giá các CLB chi ra để có được họ là rất lớn : các đội bóng lớn sẵn sàng trả giá cao cho « tài năng » của những cầu thủ ngoại hạng này. Một cầu thủ tài năng « có một không hai » có thể thay thế cho một số cầu thủ chỉ ở mức « trung bình ».
Hơn nữa, các cổ động viên trả tiền vé đến sân vận động chủ yếu là vì để xem các cầu thủ tài năng đó thi đấu, ngay cả khi đội bóng yêu thích không có nhiều cơ hội giành chiến thắng. Từ quan điểm này, các siêu sao bóng đá « xứng đáng » được hưởng thù lao cao : sự thể hiện tài năng của họ góp phần mang lại sự thoải mái, niềm hạnh phúc cho cộng đồng, nhất là ở những khu vực có hoàn cảnh khó khăn. Daniel Cohen, trưởng khoa Kinh tế, trường École Normale Supérieure, viết trong bài thời luận cho Le Nouvel Obs : « Bóng đá là trường hợp duy nhất mà các thanh niên, chủ yếu thuộc tầng lớp bình dân, « đoạt » được tiền từ các tỷ phú với sự đồng ý của họ ».
Việc gia hạn hợp đồng của danh thủ Kylian Mbappé tại Paris Saint-Germain dường như cho thấy xu hướng tăng lương rất cao có thể làm thay đổi hoạt động của thị trường lao động trong giới cầu thủ. Hệ thống 2 phân đoạn, gồm siêu sao và những cầu thủ còn lại, dường như đang chuyển sang hệ thống 3 phân đoạn : một vài cầu thủ siêu, siêu sao, nhiều cầu thủ siêu sao và những cầu thủ còn lại.
Bóng đá cũng lâm vào khủng hoảng do Covid ?
Liệu bóng đá có lâm vào khủng hoảng trong bối cảnh hậu đại dịch ? Trái với mọi dự báo, ngoài những khó khăn về tài chính mà cả nền kinh tế phải gánh chịu, những gì mà virus corona đã làm thay đổi trong lĩnh vực bóng đá chẳng là gì hoặc không đáng bao nhiêu, và chắc chắn là bóng đá chưa đến ngày tận thế.
« Cuộc khủng hoảng » có thể trông thấy rõ nhất là khủng hoảng của các cổ động viên do các trận đấu diễn ra trong sân vận động không có khán giả từ tháng 03/2020 và trong suốt mùa giải 2020-2021. Ngoài khía cạnh tài chính, sự vắng mặt các các cổ động viên được cảm nhận ở hai cấp độ. Về mặt thể thao, không có khán giả, vốn được xem là « cầu thủ thứ 12 », liệu việc thi đấu trên sân nhà có giảm lợi thế hơn so với bình thường hay không. Dường như các trọng tài tỏ ra khoan dung hơn đối với đội khách trong những sân vận động trống trải, điều này cho thấy vai trò tạo « áp lực xã hội » của các cổ động viên.
Nhưng trên hết, các chương trình phát sóng không truyền tải được bầu không khí. Bài học rút ra là khía cạnh « không khí buổi biểu diễn » với sự đóng góp của cổ động viên phải được tính đến khi đo lường tầm quan trọng của bản quyền truyền hình trong ngân sách của các CLB. Maradona từng nói : « Chơi ở sân không có khán giả giống như chơi ở một nghĩa địa ».
Giới hâm mộ gần đây cũng đã nổi giận trước đề xuất của một số chủ tịch của các CLB lớn về việc « ly khai » thông qua dự án thành lập giải đấu Super League ít nhiều mang tính khép kín. Theo quan điểm của hai tác giả bài viết, dự án được khởi động lại trong những tuần gần đây, về một giải vô địch châu Âu, cho thấy về kinh tế, cần cải cách các trận thi đấu, sự phát triển này chắc chắn là một trong những thách thức chính hiện nay của bóng đá chuyên nghiệp. Việc thành lập Super League tập hợp tất cả các yếu tố đặc trưng cho tính siêu hiện đại của bóng đá, và có thể tạo nên sự tôn sùng, thần thánh hóa.
Theo RFI
Comments powered by CComment