Chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm mạnh chưa từng có kể từ tháng 4 và xu hướng này kéo dài giữa lúc các nhà giao dịch sử dụng đòn bẩy tài chính để thoát ra do lo ngại về tình trạng thiếu thanh khoản lan rộng trong lĩnh vực bất động sản, theo ghi nhận của Bloomberg.
Chỉ số VN-Index chuẩn, vốn đã trở thành thước đo chính có hoạt động kém nhất thế giới, đã giảm tới 5,1% vào ngày 10/11 do cổ phiếu bất động sản và ngân hàng giảm. Cổ phiếu của tập đoàn đầu tư bất động sản Novaland giảm 6,9% trong ngày giảm thứ bảy liên tiếp, còn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam mất gần 7%, vẫn theo Bloomberg.
VnEpress cũng ghi nhận tình trạng bán tháo cổ phiếu vào ngày 10/11, với gần 450 cổ phiếu giảm, trong đó 170 mã hạ hết biên độ và không có bên mua, khiến VN-Index chốt phiên ngày 10/11 giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10.
Những cổ phiếu bị nhà đầu tư bán mạnh, góp phần khiến thị trường chứng khoán giảm sâu, bao gồm: VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), VNM (Vinamilk), BID (BIDV), VCB (Vietcombank), HPG (Hòa Phát), CTG (Vietinbank), MSN (Masan), TCB (Techcombank), VPB (VPbank)..., theo ghi nhận của Tuổi Trẻ.
Bloomberg cho rằng các nhà đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng tín dụng đang lan rộng trong lĩnh vực bất động sản, một phần là do cuộc điều tra sâu rộng về các đợt phát hành trái phiếu và lãi suất cho vay cao hơn.
Đầu tuần này, Novaland, tập đoàn đầu tư phát triển bất động sản niêm yết lớn thứ hai Việt Nam, được cho là đang cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của mình giữa bối cảnh cuộc trấn áp tham nhũng ngày càng gia tăng.
Các nhà phát triển bất động sản hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và những người mua nhà tiềm năng phải đối mặt với việc thắt chặt tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đưa ra cảnh báo đối với các khoản vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản.
Theo hiệp hội trái phiếu địa phương, doanh số bán trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã giảm 50% trong năm nay do bị giám sát chặt chẽ hơn.
Theo Bloomberg, tình trạng này đang gây tổn thương cho kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế đang phải vật lộn để kiềm giữ lạm phát trong tầm kiểm soát cũng như phải giải quyết gánh nặng nợ nần ngày càng tăng của mình.
Theo VOA
Comments powered by CComment