Group News: Tin copy

Đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho người lao động Nhật Bản chiêm nghiệm về công việc hiện tại, để quyết định xem có nên tìm công việc mới hay không.

Số lao động Nhật Bản muốn thay đổi công việc là 8,41 triệu người trong năm 2021, so với năm 2020 là 8,19 triệu người và năm 2019 là 8 triệu người. Ảnh: Reuters

Đầu năm 2020, khi số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản tăng vọt và Tokyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Yuka Fujimura nghĩ đến nghỉ việc.

Trường học đóng cửa, bà mẹ 35 tuổi này buộc phải vừa trông con gái 2 tuổi vừa điều hành một đội truyền thông của một công ty khởi nghiệp AI.

“Con gái tôi không vui vẻ chút nào. Con bé hay quấy khóc và muốn tôi đưa đến công viên. Nhưng tôi có quá nhiều việc phải làm và không ai có thể thay thế trách nhiệm của tôi tại công ty cả”, nhật báo Japan Times dẫn lời cô  Fujimura.

Theo Fujimura, những người bạn rơi vào tình cảnh giống cô đã quyết định nghỉ việc để chăm sóc con cái. “Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ rằng có lẽ sẽ tốt hơn là mình nên rời khỏi công ty và theo đuổi một con đường khác”, Fujimura chia sẻ.

Fujimura có lẽ là một trong số những người tiên phong trong làn sóng “Đại nghỉ việc” vốn đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác và giờ lan sang Nhật Bản. “Đại nghỉ việc” là hiện tượng khi hàng triệu người lao động quyết định nghỉ việc trong bối cảnh nền kinh tế tổn thất do đại dịch và chuyển sang một hướng đi khác.

Tháng 11/2021, có đến 3% lực lượng lao động tại Mỹ, tương đương gần 4,5 triệu người bỏ việc. Con số một tháng sau đó cũng cao xấp xỉ. Đặc biệt tỷ lệ nghỉ việc cao nhất nằm ở nhóm lao động nhà hàng, khách sạn và chăm sóc sức khỏe.

Tại Australia, cứ 5 người lao động thù có 1 người thay đổi công việc trong năm qua. Theo nghiên cứu mới của Ngân hàng Quốc gia Australia, 1/4 lực lượng lao động cũng đang cân nhắc nghỉ việc. 

Trong khi đó, báo cáo tại Ấn Độ cho hay ngành công nghệ thông tin ghi nhận tỷ lệ xin nghỉ việc cao kỷ lục vào năm 2021.

Nguyên nhân để người lao động xin nghỉ thì nhiều vô vàn. Có người quá lao lực vì công việc và cần thời gian nghỉ ngơi. Người khác thì muốn có một công việc nào đó linh hoạt hơn. Đối với Fujimura, cả hai lý do này đều là yếu tố thúc đẩy cô nghỉ việc.

Các chuyên gia dự báo mặc dù phong trào này ở Nhật bản vẫn còn chớm giai đoạn đầu, song đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy xu hướng có thể sớm lan rộng tại quốc gia vốn nổi tiếng với thời gian làm việc kéo dài và thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Trong thời gian đầu khi đại dịch ập đến, gia đình Fujimura đã thuê bảo mẫu riêng với trợ cấp của chính phủ song vẫn mất 1.300 USD/tháng. Khi trường học mở cửa trở lại, Fujimura tiếp tục vật lộn khi phải cân bằng nhiệm vụ nuôi dạy con cái và trách nhiệm công việc. Điều đó đã khiến sức khỏe cô yếu đi đến mức cô mất ngủ, nổi mẩn ngứa khắp cơ thể và đi tiểu ra máu.

Tháng 11/2021, Fujimura nghỉ việc và mở một dịch vụ tư vấn PR của riêng bản thân. Cô liên hệ lại với những khách hàng cũ và hiện đang phục vụ 10 công ty. Thu nhập cô tăng gấp đôi so với lương lúc trước. Hơn thế nữa, cô có thể sắp xếp lịch trình của mình.

“Tôi cảm thấy hoàn toàn hài lòng. Tôi đặc biệt cảm thấy biết ơn khi có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi không nghĩ mình có thể có một bước chuyển mình lớn như này nếu không có đại dịch”, Fujimura chia sẻ cách thức làm việc trực tuyến cũng giúp ích cho cô rất nhiều khi giờ đây, khách hàng muốn bàn bạc công việc qua online thay vì gặp mặt trực tiếp.

Đối với nhiều người, khủng hoảng y tế mang theo lệnh phong tỏa, quy định cách ly, giãn cách xã hội đã tạo cơ hội để mỗi người ngẫm nghĩ về sự nghiệp và cách cân bằng cuộc sống của bản thân.

Vậy điều gì đang xảy ra tại Nhật Bản – một quốc gia từ lâu đã được biết đến với hệ thống công việc trọn đời?

Đầu tiên, rõ ràng quốc gia này đã dần nắm bắt xu hướng. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Dai-ichi dựa trên một cuộc khảo sát lực lượng lao động của chính phủ, số người muốn thay đổi công việc là 8,41 triệu người trong năm 2021, so với năm 2020 là 8,19 triệu người và năm 2019 là 8 triệu người. Phong trào này chủ yếu xảy ra nhiều nhất đối với nhóm nhân viên văn phòng toàn thời gian. “Các công ty áp dụng mô hình làm từ xa từ rất sớm. Cách thức làm việc mới đã khơi gợi cảm hứng cho nhiều lao động tìm kiếm vị trí mới”, nhà kinh tế học Takuya Hoshino thuộc Dai-ichi nhận xét.

Nhân khẩu học cũng đóng vai trò quan trọng. Chuyên gia Hoshino lý giải: “Tác động của COVID-19 khiến nhiều người chọn thay đổi công việc hơn”.

Tình trạng dân số già đi nhanh chóng cùng với tỷ lệ sinh thấp đồng nghĩa với việc Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu lao động một cách trầm trọng trong tương lai. Sự thiếu hụt đã thể hiện rõ trong các ngành chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.

Bộ Y tế dự đoán Nhật Bản sẽ cần thêm 690.000 nhân viên y tế vào năm 2040 để chăm sóc số lượng người cao tuổi đang tăng mạnh. Trong khi đó, Bộ Thương mại ước tính lĩnh vực công nghệ sẽ thiếu 790.000 lao động vào năm 2030.

Theo ông Hoshino, bước chuyển sang mô hình làm việc từ xa đang tái định hình mối quan hệ giữa trách nhiệm công việc và gia đình. Việc nuôi dạy con cái hay chăm sóc bố mẹ già yếu sẽ không còn là bước cản đối với sự nghiệp một người, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Trước đó, khuyến khích phụ nữ làm việc và nâng cao vị thế của họ trong lực lượng lao động là chính sách ưu tiên của các đời chính quyền nhằm mục đích cải thiện nền kinh tế đang trì trệ. 

“Nhiều phụ nữ Nhật Bản đi làm khi nuôi dạy con cái đã từ bỏ cơ hội được tăng lương hay thăng chức vì họ phải rút ngắn giờ làm việc do bận chăm sóc gia đình. Nhưng tôi tin COVID-19 đã giúp họ vượt qua thách thức đó. Với mô hình làm việc từ xa và linh hoạt, giờ đây họ có thể làm việc toàn thời gian như đồng nghiệp nam”, bà Ayuko Kaneko, Phó Chủ tịch Co. – một công ty tư vấn tuyển dụng – cho biết thêm 90% khách hàng của bà mong muốn làm việc toàn thời gian nếu như được làm từ xa.

Theo Mari Hirata - chuyên gia quan hệ công chúng đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Lao động tự do Nhật Bản, nền kinh tế trì trệ và mức độ đảm bảo công việc không còn cao như trước tại Nhật Bản cũng khiến số lượng lao động tự do và làm bán thời gian tăng lên. Số người đăng ký các công ty tư vấn nghề nghiệp của hiệp hội trên đã tăng gấp đôi kể từ đầu đại dịch.

Công ty thống kê nhân sự Lancers cho biết số lượng lao động tự do, bao gồm cả những người làm nhiều công ty một lúc, tăng lên 15,77 triệu người vào năm 2021 so với năm 2020 là 10,6 triệu người.

Sau khi cống hiến cho tập đoàn kỹ thuật Olympus Corp danh tiếng 8 năm, Koji Yamazaki đã nghỉ việc vào tháng 10/2020 và chuyển từ Tokyo sang thành phố Ina, tỉnh Nagano. Hiện anh đang làm nhà thầu bán thời gian cho 3 công ty.

“Đơn giản là tôi đã không còn yêu thích công việc của mình”, Yamazaki giải thích cách làm việc của công ty cũ chậm chạp và không có nhiều sáng tạo trong sản phẩm đã khiến anh không còn đam mê với công việc.

Đối với anh, dại dịch COVID là “giọt nước tràn ly”. Khi công ty cho làm việc từ xa, Yamazaki cảm thấy căng thẳng đè nén. Anh không còn được trò chuyện gặp gỡ đồng nghiệp để “xả hơi” và điều đó là một tín hiệu đáng báo động.

“Tôi bắt đầu suy nghĩ lại về các ưu tiên của bản thân và xem làm thế nào để có thể khôi phục đam mê với công việc trong một môi trường bền vững và không căng thẳng”, Yamazaki nói về sự lựa chọn công việc và cách sống mới của mình.

Theo TTO


Comments powered by CComment

Tin nổi bật

Tin xem nhiều

Ngôi sao

Tin liên quan

Bài viết Khác

Trang Thông Tấn Xã Việt Nam là cơ quan XÃ HỘI DÂN LUẬN chính thức của CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT nhằm cung cấp thông tin nhanh chính xác.

Quý vị cần liên hệ về quảng cáo và góp ý với chúng tôi, xin gửi email tới This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

      

Đăng ký nhận thông tin mới nhất

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
Thông Tấn Xã Việt Nam
ĐT:(714) 589 7520
Email: ttxavietnam@gmail.com.