Tất cả những người được phỏng vấn cho biết dựa vào mạng xã hội, họ nảy sinh ý tưởng đi đường bộ đến Hoa Kỳ và trông cậy vào những người có ảnh hưởng, các nhóm tư nhân và các bình luận để lên kế hoạch cho cuộc hành trình.

Khoảng một nửa cho biết họ từng là chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc, điều hành các cửa hàng trên mạng, trang trại cừu và một công ty sản xuất phim.

Một số đeo thánh giá và mang theo kinh Thánh tiếng Hoa. Họ nói rằng họ là những người theo đạo Cơ đốc và cảm thấy không thể tự do thực hành tôn giáo của mình tại quê nhà. Hiến pháp của Trung Quốc bảo đảm  quyền tự do tôn giáo, nhưng trong những năm gần đây, các bên chỉ trích, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh đã thắt chặt các hạn chế đối với các tôn giáo được coi là thách thức đối với nhà cầm quyền.

Một di dân nói chuyện với Reuters xong yêu cầu không đưa hình ảnh của ông ấy lên. Di dân này cho biết lộ trình của ông đi qua Hong Kong, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Ecuador.

“Trước tiên, từ Hồ Bắc tôi tới Hong Kong, rồi đi máy bay qua Thái Lan, sau đó bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, qua Nam Mỹ, tới Mỹ,” di dân này nói.

Ông cho biết cảm thấy nhẹ nhõm khi đến Mỹ. Hiếm thấy lắm, người dân ở đây, cảnh sát ở đây, rất tốt bụng. Và đó là nước Mỹ trong đầu tôi. Vậy đó. Thật tốt. Thật tuyệt.

Toà đại sứ Trung Quốc tại Washington nói trong một email rằng chính phủ phản đối việc di cư bất hợp pháp, đây “là một vấn đề quốc tế đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia”, nhưng không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề tự do tôn giáo.

Các vụ bắt giữ công dân Trung Quốc tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico lên tới hơn 6.500 ca trong sáu tháng kể từ tháng 10 năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận và tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).

Dữ liệu của CBP cho thấy, mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm ngàn di dân đến biên giới phía tây nam, nhưng người Trung Quốc là nhóm dân tăng nhanh nhất trong sáu tháng đó.

Theo DKN